Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh như hiện nay, bất động sản vẫn là miếng đất màu mỡ và giàu tiềm năng trong tương lai.
Thị trường BĐS sẽ sôi động
Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị, Việt Nam có tốc độ đô thị hóa 31% với 756 đô thị, trung bình mỗi tháng có thêm một đô thị được triển khai xây dựng và mỗi năm có 70 triệu m2 nhà ở được tăng thêm.
Với tốc độ đô thị hóa trên, ông Chính dự báo giá nhà ở khu vực nội đô sẽ tăng hoặc giảm với tốc độ chậm hơn so với khu vực vùng ven và nó phụ thuộc nhiều vào quy hoạch cũng như tiến độ của các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, Hà Nội - nơi có làn sóng nhập cư mạnh nhất toàn quốc sẽ tạo ra sự sôi động trên thị trường bất động sản bởi tính thanh khoản cao và lớn.
| Hệ thống vốn của địa ốc Hà Nội phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng và nguồn vay trên thị trường, khi ngân hàng siết lập tức địa ốc bị ảnh hưởng. |
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi. Điều này thể hiện rõ nhất trong năm 2010 với tâm điểm là loại hình nhà ở thu nhập thấp và hệ thống văn bản chính sách được ban hành kịp thời.
Những động thái này vừa giúp thị trường được bổ sung nguồn cung, xác định rõ nhu cầu của từng phân khúc, làm tăng tính minh bạch cho thị trường và tạo hành lang pháp lý an toàn cho nhà đầu tư.
Ông Hà cũng cho biết, giá bất động sản tại Việt Nam hiện vẫn đang đứng ở mức cao so với bình quân thu nhập của người dân và cơ cấu hàng hóa lại mất cân đối nghiêm trọng. Trên thực tế, tỷ lệ diện tích nhà chung cư chỉ bằng 1,23% tổng diện tích nhà ở trên toàn quốc. Tại các đô thị lớn như TP.HCM, tỷ lệ này cũng vẫn rất nhỏ, chỉ đạt mức 16% và Hà Nội là 14%.
Còn chứng kiến nhiều cơn "sốt đất"
"Bắt mạch" thị trường bất động sản, GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ ngay căn bệnh muôn thủa là thiếu vốn. Thị trường này đang rơi vào tình trạng như đã diễn ra vào cuối năm 2008, đầu năm 2009. Để tìm vốn cho thị trường bất động sản, theo ông Võ, đầu tiên là việc đổi mới pháp luật để cho phép thế chấp bằng bất động sản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài. Tuy nhiên, việc thế chấp thì dễ nhưng quan trọng hơn là giải quyết bất động sản thế chấp thế nào khi người vay tiền không có khả năng trả được nợ đã vay.
"Dù sớm hay muộn, chúng ta vẫn phải làm là cho phép thế chấp bằng BĐS tại các ngân hàng thương mại nước ngoài. Nhất là khi ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO, điều này nhằm tạo vốn mạnh hơn cho thị trường BĐS, đồng thời đáp ứng cho nhu cầu mở rộng thị trường chứng khoán ở nước ta hay mở rộng cơ chế mua bán, sát nhập doanh nghiệp trong nước cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài" - Ông Võ khẳng định.
Hệ thống vốn của địa ốc Hà Nội phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng và nguồn vay trên thị trường, khi ngân hàng siết lập tức địa ốc bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, do có độ trễ nhất định địa ốc sẽ chưa bị ảnh hưởng ngay. Nếu cuối năm, ngân hàng không nới tay, thì phải sang đến năm 2012, địa ốc Hà Nội mới có thể bị tác động.
Trước tình hình trên, ông Võ nhận định, năm nay vẫn sẽ có những cơn sốt nhà đất mang tính cục bộ, không bắt nguồn từ quan hệ cung cầu mà có thể do thông tin quy hoạch hoặc nhà đầu tư cố tình đẩy giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về độ thiếu ổn định, không bền vững của thị trường. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét trên thế giới, nguyên nhân của mọi cuộc khủng hoảng đều xuất phát từ bất ổn của thị trường bất động sản.
Do đó, cùng với việc siết chặt thị trường vốn cho lĩnh vực này, cũng cần cân nhắc để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không đúng nhu cầu và nhất là phải kiểm soát được tiến độ triển khai mới đem lại hiệu quả.
Theo Diễn dàn Doanh nghiệp |