Cứu doanh nghiệp chính là để cứu ngân hàng

Nợ cũ sẽ được “giải tỏa”

Trong khi trần lãi suất huy động xuống 9%, các Ngân hàng Thương mại (NHTM) vẫn còn “nhùng nhằng” chưa chịu điều chỉnh lãi suất đối với các khoản nợ cũ trước đây. Có thể đây là một chiêu “cân đối” tài chính để đạt kế hoạch lợi nhuận khi nguồn tiền gởi tiết kiệm lãi suất cao “tồn kho” khá nhiều.

Và cũng có thể, các NHTM muốn giữ một khoảng cách an toàn (> +6%/năm) giữa lãi suất bình quân “đầu vào” và “đầu ra” nhằm bù đắp cho số lãi thất thu từ các món vay đầu tư bất động sản của những năm về trước.

Được coi là “huyết mạch chính” của nền kinh tế, cách hành xử “hà tiện” về lãi suất vừa qua của NHTM đã tác động tiêu cực đến “sức khỏe” doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành những chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế.

Điều dễ thấy nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt mức thấp 4,38%, tín dụng toàn ngành đến 30/6 gần như không tăng với tỷ lệ tăng + 0,67% so với đầu năm. Đây là mức tăng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong bối cảnh suy giảm tín dụng, tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giảm rất mạnh, số liệu cập nhật đến 31/3 âm tới -13,69%.

Nhiệm vụ trước mắt của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm là triển khai quyết liệt các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Hàng nghìn DN SX cửa nhựa ủng hộ Trường Sa, Thị trường - Tiêu dùng,

Mặc dù suất cho vay đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tỷ trọng dư nợ có lãi suất cao vẫn còn lớn. Một nghịch lý trên thị trường tiền tệ là các NHTM liên tiếp công bố những mức lãi suất “siêu rẻ” nhưng lãi suất của khoản nợ cũ (chiếm tỷ trọng rất nhiều) trước đây còn cao “chót vót”, lãi phải trả hàng tháng cho ngân hàng vẫn thuộc chi phí “khủng”.

Có lẽ chính vì thế, một số doanh nghiệp chưa tin tưởng lắm vào kế hoạch giảm lãi suất của NHNN cũng như các “gói” ưu đãi được NHTM tung ra trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp lại cho rằng, động thái hạ lãi suất của ngân hàng chỉ là “thủ thuật” trong tín dụng?

Do vậy, hiệu quả lan tỏa của “liều thuốc” chưa đủ mạnh để doanh nghiệp hồi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Đó là “gút thắt” lãi suất cần phải được mở.

Nếu lãi suất của tất cả những khoản dư nợ cũ được điều chỉnh dưới 15%, lãi phải trả hàng tháng của doanh nghiệp sẽ xuống rất nhiều, áp lực trả lãi sẽ vơi đi, tác động mạnh đến kỳ vọng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp. Đó là chính là giải pháp tiền tệ hữu hiệu để NHNN có thể vực dậy nền kinh tế.

Giải pháp này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận 6 tháng cuối năm nhưng các NHTM phải chấp nhận vì lợi ích chung của quốc gia. Hệ thống ngân hàng không thể đứng ngoài sự suy giảm của nền kinh tế và phải chia sẻ với doanh nghiệp. Chính vì thế, trong lần này, các NHTM sẽ thực hiện đồng bộ, giải tỏa các mức lãi suất cao đối với những khoản nợ cũ.

Doanh nghiệp sống, ngân hàng mới tồn tại

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012, diễn ra sáng 7/7 tại Hà Nội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã yêu cầu các NHTM chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ xuống dưới 15%/năm và thực hiện ngay từ 15/7 tới đây.

Với khoản vay mới, lãi suất cho vay áp dụng theo mặt bằng lãi suất hiện hành, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng.

Có thể nói rằng, 6 tháng qua, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế là tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ dư nợ toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 0,67%, chưa đạt mức kỳ vọng từ 8 đến 10%. Hàng tồn kho cao, sức tiêu thụ của thị trường yếu kém, tình hình tài chính của doanh nghiệp ngày càng suy giảm trầm trọng, dẫn đến ngưng hoạt động và giải thể.

Đó là những vẫn đề đang đặt ra trước mắt, cần khắc phục càng nhanh càng tốt. Các NHTM phải thẳng thắn nhìn lại, ngành ngân hàng đã hết lòng vì doanh nghiệp chưa? Ngân hàng đã lắng nghe, thấu hiểu và tìm cách tháo gỡ khó khăn hay chưa? Đó là câu hỏi nghiêm túc về vai trò, trách nhiệm và động lực thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu rõ, lãi suất cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng cũng là rủi ro của chính ngân hàng. Nếu họ không phát triển, ngân hàng thu hồi lại vốn gốc đã may lắm rồi, chưa nói đến lãi.

Chính vì thế, mức lãi suất được NHNN khuyến khích đưa về dưới 15%, đặc biệt là các hợp đồng tín dụng đã ký kết trước đây. Lộ trình thực hiện chủ trương này được đặt ra khá cấp thiết, Thống đốc yêu cầu từ nay đến ngày 15/7, các NHTM chỉ đạo trong toàn hệ thống thực hiện chủ trương trên. Sau đó, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành sẽ làm việc trực tiếp với các NHTM trực thuộc để xem xét cụ thể vấn đề này.

Có thể nói rằng, mặc dù chưa chính thức thực hiện nhưng thông tin trên đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp và khách hàng vay vốn đã lên tiếng ủng hộ cho cách làm này.

Nếu yêu cầu của Thống đốc được thực hiện nghiêm túc, các doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ rất nhiều khó khăn. Áp lực lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp được hạ nhiệt, doanh nghiệp sẽ có thêm vốn lưu động mua sắm nguyên vật liệu và tiếp tục sản xuất .

Hạ lãi suất nợ cũ xuống 15% sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp, có kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp mới có tiền trả nợ ngân hàng, quay nhanh vòng vốn kinh doanh để sinh lợi.

Và như thế, theo quy luật cộng sinh, doanh nghiệp sống, ngân hàng mới tồn tại, cứu doanh nghiệp trong lúc này chính là cứu ngân hàng. Bất cứ một quá trình tái cấu trúc ngân hàng nào đều cần đến sức khỏe của nền kinh kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Văn Khoa


 

,