Điêu đứng vì biển chết Chưa bao giờ ngư dân các tỉnh miền Trung vớt được nhiều cá một cách dễ dàng mà lại buồn xo như mấy ngày qua. Trong ba ngày 18, 19, 20, dọc bãi biển kéo dài 20 km từ xã Vĩnh Thái đến TT.Cửa Tùng (Quảng Trị) đông nghịt ngư dân. Họ không đi đánh cá mà đi... lượm cá. “Sống nghề biển giã này 40 năm có lẻ mà tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng này. Tôi không biết điều gì đã xảy ra với biển và lũ cá nữa”, lão ngư Ngô Thanh Tuyền, trú xã Vĩnh Thái, nói.
Gà, vịt chết tức tưởi vì ăn cá chết Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù cá chết trôi dạt vào bờ rất nhiều nhưng chưa có lực lượng chức năng vào tổ chức lực lượng thu gom để đảm bảo về vấn đề môi trường. Chủ yếu việc thu gom đều do ngư dân làm. Những ngư dân này cho biết dù bán không được với giá thị trường nhưng họ có thể bán cá chết vào các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi. Những chỗ không được vớt thì bốc mùi nồng nặc dưới nắng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại Thừa Thiên-Huế, những khu chợ quanh vùng Chân Mây - Lăng Cô như chợ Lộc Vĩnh, chợ chiều Bình An (Lộc Vĩnh), chợ Lộc Hải (TT.Lăng Cô), chợ Thừa Lưu, Nước Ngọt mấy ngày nay chỉ có những loài cá nước ngọt và rau. Người dân tẩy chay cá biển vì sợ ăn trúng loại cá nhiễm độc. “Không ai ăn cá biển thì nghề đi biển về bán cho ai?”, đó là câu thở dài của ông trưởng thôn Phú Hải Nguyễn Ngọc Chính khi đưa chúng tôi đến đập tràn nằm trên dòng sông nước lợ Lạch Giang. “Làm sao chúng tôi dám ăn khi mà gà, vịt chết tức tưởi vì ăn phải cá chết từ ngoài biển trôi vào?”, ông Phan Thanh Bảng, 53 tuổi, người dân thôn Bình An, Lộc Vĩnh (Thừa Thiên-Huế) quả quyết. Đưa chúng tôi ra con sông Lạch Giang sau nhà nồng nặc mùi cá chết, ông Bảng chỉ tay về phía con vịt đẻ đang nổi trên sông, giọng đầy uất ức: “Đàn vịt đẻ 10 con, vừa chết 5 con sau khi ăn cá chết trên sông này. 20 con vịt tơ nhà nuôi để bán và thịt ăn Tết Đoan ngọ (5.5) tới, chừ chết mất 8 con. Hai nhà hàng xóm nuôi vịt ăn phải cá biển chết đàn vịt cũng tiêu luôn. Chúng tôi cũng chẳng dám ăn vịt”. Những ngày đầu, nhiều người dân ở Quảng Bình còn tiếc, vớt cá về ăn hoặc bán rẻ và đã xuất hiện một số trường hợp bị ngộ độc nhẹ sau khi ăn cá. Chị Nguyễn Thị Quy (quê ở TT.Hoàn Lão, H.Bố Trạch) kể lại: “Tối 17.4, cả nhà mình ăn canh cá biển nấu với cà chua bi mà lại bị ngộ độc. Mình và con chỉ ăn nước còn chồng ăn 2 con cá kìn. Cả nhà bị tiêu chảy cả đêm, đến giờ chưa lấy lại sức lực”. Nghi ngờ nhà máy xả thải trực tiếp ra biển Chiều 20.4, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển TX.Kỳ Anh. Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết hiện tượng cá nuôi ven biển và cá tự nhiên chết bất thường xuất hiện từ ngày 6.4 tại vùng ven biển xã Kỳ Lợi và tại xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh (TX.Kỳ Anh) vào ngày 7.4. Ngày 11.4, sau khi Công ty Grobest đóng tại xã Kỳ Phương (TX.Kỳ Anh) cấp nước biển vào ao nuôi khoảng 6 giờ đồng hồ thì xảy ra hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt. Đến ngày 14.4, ngao nuôi tại 2 xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh tiếp tục bị chết, gây thiệt hại khoảng 4,71 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó phòng Kinh tế và đô thị (TX.Kỳ Anh), cho biết địa bàn xã Kỳ Lợi xuất hiện cá chết đầu tiên nằm cách cảng Sơn Dương của khu kinh tế Vũng Áng khoảng 4 - 5 km, còn các xã Kỳ Ninh, Kỳ Hà cách Vũng Áng khoảng 20 km về phía bắc thì tôm, cá chết sau đó 1 ngày. Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, xác nhận hiện tượng tôm, cá chết đều xảy ra khi thủy triều dâng vào lúc rạng sáng. Nước biển sau thời điểm ấy người dân bơm vào hồ dự trữ thì vài ngày sau nước chuyển sang màu trắng đục rất bất thường. Kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Bộ NN-PTNT) cho thấy, hiện tượng cá, tôm chết ở Hà Tĩnh là do yếu tố môi trường (không phải tác nhân vi sinh vật). Tuy nhiên, yếu tố độc gây ra hiện tượng bất thường này vẫn chưa xác định được. Đơn vị này cũng đặt nghi vấn rất có thể yếu tố gây độc do nguồn nước thải chưa xử lý của nhà máy xả thải trực tiếp ra sông, biển. Trước đó, tiếp xúc với PV, ông Lê Xuân Vương, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, cho biết gần vùng biển Vũng Áng có 2 nhà máy nhiệt điện và 1 nhà máy sản xuất thép đang hoạt động. Người nuôi cá ở đây nghi ngờ nguồn ô nhiễm từ 3 nhà máy này gây ra. Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp chiều 20.4, ông Lê Đức Nhân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cho rằng do mẫu nước được lấy sau khi cá đã chết và triều đã rút nên rất khó để xác định chất độc gây chết cá, nhất là việc khoanh vùng để tìm các chất độc có trong mẫu nước để truy đơn vị nào đã xả thải ra môi trường.
Thanh Niên |
,