Rộ nạn lấn chiếm bờ sông Sài Gòn
 

Rộ nạn lấn chiếm bờ sông Sài Gòn

18/12/2011 09:25
Tuyến đê bao dần hoàn thiện nên đất ở đây lên giá vùn vụt, người dân tranh thủ lấn sông, cản trở hướng thoát lũ…

Tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn đoạn từ quận 12 đến huyện Củ Chi đang dần hoàn thiện. Người dân địa phương sắp thoát cảnh ngập úng, đất lên giá nhưng cơ quan quản lý lại đau đầu vì tình trạng lấn chiếm hành lang đường sông.

Đê xong, đất lên giá


“Chú mua đất phải hông? vào đây tụi tui chỉ cho, đất ở đây giờ có giá lắm, chậm chân là mai mốt không còn đâu” - một phụ nữ ngồi trong quán cóc, gần bờ sông Sài Gòn (đoạn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM), hỏi khi thấy tôi rà xe. Khoảng một năm nay, nhiều người vốn sống bằng nghề trồng hoa màu bỗng trở thành “cò đất”.

“Mấy năm trước, lúc chưa làm đường (đê bao) đất ở đây chẳng ai ngó tới. Đường vừa làm xong, miếng đất nào đẹp đẹp là có chủ hết ráo. Đất sát bờ sông người ta xí hết rồi, giờ chỉ còn đất bên trong thôi. Tụi tui ở đây nên rành đất nào có thổ cư, đất nào chưa. Chỉ cho chú mua coi được thì mua rồi cho tụi tui ít đồng đi chợ” - người phụ nữ giới thiệu.


Một căn nhà tạm mọc lên sát mép sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12. Ảnh: KP

Theo một công ty địa ốc ở quận 12, từ khi TP thực hiện dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, đất ven sông tăng giá vùn vụt. Hiện hầu hết những khu đất đẹp dọc bờ hữu sông Sài Gòn ở quận 12, Hóc Môn và huyện Củ Chi đã có chủ. Từ đầu năm đến nay, nhiều người ký gửi cho các công ty địa ốc bán giùm nhưng giá vẫn rất cao.

“Chúng tôi có nhiều miếng đất rất đẹp, mặt tiền nhìn ra sông, tiện xây biệt thự. Miếng 1.000 m 2 đã chuyển thổ cư 200 m 2 giá 6,6 tỉ 650; miếng 10,5 m x 40 m đã chuyển thổ cư 200 m 2 giá 3,3 tỉ…” - nghe anh H. chào giá, tôi toát mồ hôi.

Đủ kiểu lấn chiếm

Đến huyện Hóc Môn, Củ Chi, chúng tôi cũng gặp nhiều người dân địa phương làm “cò” bán đất ven sông Sài Gòn. “Anh cứ mua đất vườn ở những đoạn chưa có đê bao cho rẻ rồi tìm cách lấn dần ra. Nhiều người lấy cớ chống sạt lở rồi lấn dần ra sông, có sao đâu” - một “cò” đất bày chiêu.

Một cán bộ Sở GTVT TP cho biết từ lúc đất dọc bờ hữu sông Sài Gòn lên giá, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông càng phức tạp. Theo thống kê của Phòng Quản lý Giao thông thủy - Sở GTVT, hiện có gần 10 vụ xây dựng công trình nằm trong hành lang đường sông (được phát hiện trong thời gian từ cuối năm 2010 đến nay) nhưng chưa xử lý dứt điểm.

Cụ thể, cuối năm 2010, Trạm Quản lý đường sông số 2 - Khu Đường sông (Sở GTVT) phát hiện bờ hữu sông Sài Gòn (thuộc ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) mọc ra một quán nhậu lấn sông đến 10 m. Dù vụ việc đã được báo cho Thanh tra Xây dựng xã Nhuận Đức để xử lý nhưng đến giữa tháng 1-2011, quán nhậu trên chỉ mới được tháo dỡ… một nửa. UBND xã Nhuận Đức cho biết trước đó, thanh tra xây dựng xã đã lập biên bản trường hợp này nhưng việc xử phạt vượt thẩm quyền của xã. Tại xã Trung An và xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi), Khu Đường sông phát hiện hai trường hợp lấn chiếm với quy mô lớn. Một trường hợp dùng cọc dừa lấn ra sông 9 m với chiều dài 170 m, trường hợp còn lại xây trái phép bờ kè bằng bê tông cốt thép với chiều dài 35 m, lấn ra sông 1 m so với bờ hiện hữu…

Chỉ riêng địa bàn xã Bình Mỹ, trong tháng 1-2011, Trạm Quản lý đường sông số 2 phát hiện có bốn hộ dân xây dựng công trình nằm trong hành lang bờ hữu sông Sài Gòn. Các hộ trên xây nhà tạm, dạng bán kiên cố và tường rào để “chống sạt lở”, được xã chấp thuận. Sau đó, Khu Đường sông chuyển các vụ việc cho huyện Củ Chi và Thanh tra Sở GTVT xử lý.

Việc lấn chiếm này sẽ làm cản trở hướng thoát lũ từ hồ Dầu Tiếng, đồng thời làm mất diện tích trữ nước khi triều dâng, góp phần gây ngập cho TP nên các cơ quan chức năng đang đau đầu với nạn lấn sông này.

Theo Pháp Luật TP


 

,