Hạ lãi suất: Đừng mạo hiểm đánh đổi Hạ lãi suất: Đừng mạo hiểm đánh đổi12/12/2011 10:10
Điều quan trọng là phải nhận thức được và
hành động đúng để kiềm chế được lạm phát, bằng chính sách lãi suất cao.
Không nên vì sự hy sinh trong ngắn hạn để kêu gọi làm ngược lại, hạ lãi
suất khi lạm phát đang ở mức cao.Bài này được viết ra như một lời phúc đáp, tuy không phải là tổng quát và đầy đủ, cho luồng ý kiến kêu gọi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất cho vay (thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ) để "cứu" các doanh nghiệp và các ngành như bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Thường có hai lý do chính được đưa ra để biện minh cho lời kêu gọi này là: Thứ nhất, với lãi suất cao như hiện nay sẽ là thảm họa cho nền kinh tế, làm mất sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, làm các doanh nghiệp phá sản vì không doanh nghiệp nào làm ra lãi với tỷ suất lợi nhuận bằng hoặc lớn hơn lãi suất đi vay, ví dụ, lên tới trên 18%/năm. Và tiếp theo là thảm họa đến với các ngân hàng. Doanh nghiệp phá sản thì sẽ làm giảm tăng trưởng, gia tăng thất nghiệp, gia tăng tội phạm..v.v... Thứ hai, để hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Nếu hạ lãi suất huy động (ví dụ, bằng công cụ trần lãi suất huy động như hiện tại đang áp dụng) thì cũng không sợ bị người dân rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng vì người dân cũng chẳng còn lựa chọn khả dĩ nào khác (Ví dụ, đầu tư vào vàng, bất động sản, ngoại tệ thì cũng không có lãi vì giá đã ở mức cao). Ngụ ý tức là cứ mạnh dạn mà hạ lãi suất huy động đi, không cần phải bận tâm chuyện thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hay áp lực lạm phát gia tăng vì tiền không còn chui vào hệ thống ngân hàng nữa. Tuy nhiên, điều này cần phải được phản biện bằng các tính toán cẩn thận, bằng các thực tế đã chứng thực không nên chủ quan. Phần tiếp theo đây sẽ đưa ra một số lập luận để phản biện lại luồng ý kiến này. Lãi suất cao nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng khả quan Chúng ta bắt đầu bằng việc nêu ra một con số rất phổ thông. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay, được dự đoán ở mức xung quanh 6%. Con số này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh lãi suất cho vay thực tế đứng ở mức rất cao như cả năm vừa qua (cứ cho là ở mức trung bình 18%/năm)? Lạm phát chưa qua, thận trọng với quyết định hạ lãi suất.
Theo luồng ý kiến kêu gọi hạ lãi suất nêu trên, thì lẽ ra với mức lãi suất "chết chóc" như thế thì nền kinh tế phải "đình trệ" (là từ khá được ưa dùng mới cách đây vài tháng). Nhưng với tốc độ tăng trưởng GDP lên tới mức 6% thì kết luận này, nói cho đơn giản, là sai hoàn toàn. Tốc độ này cũng chỉ thấp hơn 1 hoặc 2 điểm phần trăm so với những thời kỳ "cực thịnh" của nền kinh tế Việt Nam khi nó tăng trưởng với tốc độ trung bình trên 7% trong nhiều năm với lãi suất thường không bao giờ quá 2 chữ số. Cũng cần lưu ý thêm rằng tốc độ tăng trưởng trong thời vàng son như đã qua là rất gần với tốc độ "chụp giật" nếu xét đến cách thức và nguồn lực tăng trưởng, và nền kinh tế kiểu đó sớm hay muộn cũng bị "gãy cánh", không thể kéo dài hàng thập kỷ, từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Lãi suất cao không dẫn đến đổ vỡ trong nền kinh tế và DN phá sản hàng loạt Ta cũng phải thừa nhận rằng quả là có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng cửa, ngừng hoạt động, hoặc phá sản (con số sơ bộ khoảng gần 50.000 doanh nghiệp phá sản trong năm nay). Nhưng ta cũng không được bỏ qua thực tế rằng còn lớn hơn thế là con số doanh nghiệp mới được thành lập thêm, cũng trong năm nay (dù ít hơn mọi năm nhưng vẫn có hơn 70.000 doanh nghiệp mới ra đời). Điều này tự thân nó nói lên rằng lãi suất cao không nhất thiết gây ra đổ vỡ. Lãi suất cao chỉ gây ra đổ vỡ trong nền kinh tế và buộc hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản khi và chỉ khi doanh nghiệp không được tăng/tăng được giá bán sản phẩm và dịch vụ của mình. Điều này dễ thấy là không hề xảy ra trên thực tế, và vì thế mới có lạm phát và lạm phát mới có xu hướng tăng! Ngay đến cả hàng bình ổn giá mà người ta cũng còn đòi được tăng giá và đã được cho phép tăng giá trên thực tế cơ mà? Lãi suất cao không có nghĩa là DN không làm ra lợi nhuận đủ trả lãi vay Như trên đã nói, ta rất hay thấy kiểu lập luận rằng với lãi suất cho vay đến. Ví dụ 18%/năm trong khi lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp không quá 18% nên càng sản xuất càng lỗ, dẫn đến doanh nghiệp phải đóng cửa hàng loạt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không khó để thấy cái sai trong lập luận này. Đại đa số doanh nghiệp hoạt động dựa trên đòn bẩy tài chính. Họ chỉ có một đồng vốn nhưng đi vay ngân hàng hoặc phát hành chứng khoán, cổ phiếu để huy động thêm một hoặc nhiều hơn một đồng vốn khác. Trong khi đó, mức lợi nhuận mà người ta thường hay nhắc đến có thể chỉ là tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên tổng doanh thu, chứ không phải là tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên vốn chủ sở hữu/vốn tự có của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, thậm chí mức lợi nhuận ròng 10% tính trên tổng doanh thu (chứ chưa nói đến mức 18%) cần phải hiểu là một mức lợi nhuận rất khả quan rồi. Ngay cả với nhiều ngân hàng ở Việt Nam được cho là có lãi "khủng" thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng chỉ mong được ở mức 18% này thì đã được coi là thành công rồi. DN có thể khó khăn và phá sản nhưng không thể đổ hết lỗi cho lãi suất cao.
Tóm lại, cho dù lãi suất đi vay có là trên 18% chăng nữa thì cũng không hề đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có lãi hoặc lãi không đủ đề bù đắp tiền trả lãi vay. Nói cách khác, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe với lãi suất trên 18% hoặc hơn nữa. Tất nhiên, những doanh nghiệp nào có tỷ lệ đòn bẩy tài chính càng cao thì càng dễ phải đối mặt với rủi ro phá sản cao hơn vì không trả được nợ khi đến hạn. Nhưng điều này là thuộc về phương châm kinh doanh và lề lối quản trị của doanh nghiệp, và sự phá sản, nếu có, của những doanh nghiệp này âu cũng là một cuộc sàng lọc tự nhiên để còn lại những doanh nghiệp lành mạnh, sống khỏe bằng thực lực của mình. Lãi suất cao không nhất thiết làm giảm an sinh xã hội Cũng cần phải nói thêm, những người ủng hộ hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ cũng hay dùng lý lẽ "đảm bảo an sinh xã hội", với lập luận rằng khi lãi suất tăng cao sẽ làm giảm tăng trưởng. Kết quả là làm gia tăng thất nghiệp, giảm tốc độ tăng tiền lương (gắn liền với tăng trưởng kinh tế) trong bối cảnh giá cả tăng cao, tức là làm giảm an sinh xã hội. Thực tế không phải luôn như vậy. Với chính sách để cho lãi suất lên cao, lạm phát sẽ giảm dần vì tổng cầu bị thu hẹp, đến lượt nó lại có tác dụng kéo lãi suất đi xuống vì cầu tín dụng giảm đi (với giả sử NHNN giữ nguyên cung tiền). Quá trình này là tự diễn tiến với kết cục là cả lạm phát và lãi suất trở về mức "bình thường" và tăng trưởng nhờ đó được phục hồi cùng với cầu được phục hồi. Thời gian phục hồi/quay trở về mức bình thường của lạm phát, lãi suất, tổng cầu và tăng trưởng sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ quyết liệt của NHNN trong việc nâng và duy trì lãi suất cao và sự phục hồi lòng tin của giới đầu tư vào triển vọng nền kinh tế nói chung và tính minh bạch của Chính phủ và NHNN nói riêng. Nếu suôn sẻ, thất nghiệp do lãi suất tăng cao nếu có thì chỉ là trong ngắn hạn để rồi sẽ biến mất khi tăng trưởng phục hồi (mà thực ra cho đến giờ đã có thống kê đáng tin cậy nào cho thấy nạn thất nghiệp đang gia tăng đáng kể đâu, cho dù tăng trưởng có giảm đi một chút. Và người ta cũng thường "quên" không nói đến số việc làm mới được tạo ra, mà chỉ chăm chăm vào số việc làm mất đi). Tiền lương thực tế nếu có bị bào mòn dưới thời lạm phát cao sẽ không còn bị bào mòn nữa khi lạm phát chững lại nhờ chính sách lãi suất cao. Và tiền lương thực tế cũng sẽ tiếp tục cải thiện khi tăng trưởng phục hồi trở lại với lạm phát thấp. Như vậy, với chính sách lãi suất cao, an sinh xã hội nếu có bị ảnh hưởng thì rất có thể chỉ là trong ngắn hạn cho đến khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh trong dài hạn của nó. Lãi suất cao không nhất thiết làm gia tăng áp lực lạm phát Tiếp theo, xin bàn đến lập luận của rất nhiều người cho rằng lãi suất cao sẽ làm tăng áp lực lạm phát vì lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, và tức là làm tăng giá bán hàng hóa dịch vụ. Nhưng như vậy người ta mới chỉ nhìn ở góc độ cung mà quên mất phía cầu. Khi giá hàng hóa dịch vụ tăng lên mà tiền lương chưa kịp tăng tương ứng (tiền lương thường được điều chỉnh với độ trễ so với lạm phát) thì tổng cầu có xu hướng giảm do thu nhập khả dụng thực tế của dân cư giảm đi. Minh họa hiển nhiên là người lao động ngày càng phải "thắt lưng buộc bụng" trong cơn bão giá. Mà tổng cầu giảm đi sẽ đem lại hiệu ứng giảm lạm phát như nói ở trên. Tổng cầu còn giảm bởi lãi suất tăng cao làm mọi chủ thể kinh tế khác phải đắn đo khi đi vay với lãi suất cao để chi tiêu, đầu tư. Ngược lại, hạ lãi suất quá sớm không nhất thiết mang lại lợi ích cho nền kinh tế Nếu máy móc hoặc cố tình hạ lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao thì có nghĩa là chúng ta và NHNN đã tự mình tước đi một công cụ chính trong công cuộc chống lạm phát, và, nguy hại hơn, sẽ càng làm tăng áp lực lạm phát theo cơ chế tự diễn tiến (lãi suất giảm, tiền thoát khỏi hệ thống ngân hàng càng nhiều hơn, vòng quay lưu thông tiền càng lớn hơn, áp lực gia tăng giá cả/lạm phát càng nhiều lên, NHNN càng phải in thêm tiền để thỏa mãn nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nói chung và khu vực kinh tế nhà nước nói riêng...). Liên quan đến ý trên, nhiều người cho rằng nếu có hạ lãi suất huy động (nhằm làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay) thì cũng không sợ bị dân rút tiền gửi ra khỏi hệ thống ngân hàng, vì họ cũng chẳng biết đầu tư vào đâu, khi thị trường vàng, ngoại tệ và bất động sản đều khó khăn, rủi ro. Đây là một kết luận rất chủ quan. Các thị trường trên có khó khăn, rủi ro thì cũng không đồng nghĩa với không có cơ hội sinh lời, hoặc ít nhất là bảo toàn giá trị tài sản (so với gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả mức lạm phát). Lập luận đại loại như giá vàng đã lên đỉnh rồi thì người dân cũng chẳng mua vào làm gì nữa cũng là kiểu lập luận rất phi kinh tế, vì đã không ít người trên quả đất này sai lầm về đỉnh của giá vàng trong suốt mấy thập kỷ qua. Chưa kể, giá vàng tính theo VND ở hầu hết mọi thời điểm còn tăng nhanh hơn cả lạm phát ở Việt Nam trong cùng kỳ nên giữ vàng vẫn có lợi hơn, đặc biệt khi lãi suất huy động bị bóp méo so với lạm phát. Thêm nữa, khi lãi suất tiền gửi không hấp dẫn, người ta sẵn sàng mạo hiểm hơn để tìm những cơ hội sinh lời lớn hơn, và thị trường tín dụng "đen" là một ví dụ điển hình, nơi cung thật và cầu thật gặp nhau tại một cái giá thật. Nói chung, thực tiễn lâu dài sống chung với lạm phát ở Việt Nam đã cho thấy người dân khôn ngoan, thực dụng thế nào và công cụ lãi suất quan trọng thế nào trong việc chống lạm phát. Vì thế, xin đừng mạo hiểm đánh cuộc với sự khôn ngoan, thực dụng của người dân trước nhu cầu chính đáng bảo toàn giá trị tài sản của họ. Từ những con số biết nói và những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, tuy đúng là có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đó không phải là hiện tượng phổ quát cho cả nền kinh tế. Vậy, cũng không phải là quá vội vã khi kết luận rằng lãi suất cao đã không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế như người ta hoặc là đe dọa, hoặc là e sợ. Vì thế, xin đừng lấy đó (lãi suất cao làm doanh nghiệp phá sản) làm cái cớ để vận động chính sách đi ngược lại lợi ích chung của cả nền kinh tế. Còn những người điêu hành kinh tế cũng không được nao núng với những cái cớ như vậy để ra những chính sách làm phương hại cả nền kinh tế. Trên hết, điều quan trọng là phải nhận thức được và hành động đúng để kiềm chế được lạm phát, bằng chính sách lãi suất cao. Không nên vì sự hy sinh trong ngắn hạn (chưa được chứng thực) để kêu gọi làm ngược lại, hạ lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao. Theo VEF |
,