Châu Âu lúng túng khi khủng bố bắt tay xã hội đen Cơn ác mộng mà các quan chức châu Âu cảnh báo từ nhiều tháng trước nay đã trở thành hiện thực sau vụ tấn công đẫm máu hôm 22/3 ở Brussels, Bỉ. Các cuộc tấn công xảy ra gần như đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm vào các địa điểm quan trọng ở thủ đô của Bỉ đã bộc lộ nhiều vấn đề nan giải trong hệ thống an ninh châu Âu. Theo bình luận viên Vivienne Walt từ tạp chí Time, các vụ tấn công ở Brussels là một đòn giáng mạnh vào lực lượng cảnh sát cũng như giới quan chức tình báo phương Tây sau nhiều tháng tiến hành các chiến dịch chống khủng bố không chỉ ở Bỉ mà còn trên toàn châu Âu. Nhiều cảnh sát vũ trang Bỉ hàng tháng qua tiến hành lùng sục các đường phố ở Brussels với mục tiêu triệt phá dần mạng lưới phần tử cực đoan đang ăn sâu bén rễ ở thủ đô. Bỉ cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau loạt tấn công khủng bố ở thủ đô Paris, Pháp hồi tháng 11 năm ngoái. Dù vậy, họ vẫn không thể ngăn chặn các cuộc tấn công xảy ra ở sân bay Zaventem và nhà ga tàu điện ngầm Maelbeek. Ít nhất 5 trong 10 kẻ đánh bom tự sát ở Paris đến từ một thị trấn nhỏ ở Brussels, gần khu dân cư Molenbeek, chỉ cách nhà ga Maelbeek khoảng 6 trạm dừng. Trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần trước với Time, ông Ahmed al-Khannouss, phó thị trưởng thứ nhất của Molenbeek, cho biết các quan chức địa phương liệt kê được 85 công dân mà họ tin rằng từng đầu quân cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông từ năm 2012 rồi quay trở về châu Âu. Bắt tay xã hội đen Trước tình hình khu vực ngày một phức tạp do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng di cư cũng như tính chất manh động, liều mạng của những kẻ khủng bố, nhiều chuyên gia tình báo lo sợ châu Âu sẽ phải đối mặt với các vụ tấn công phối hợp và được lên kế hoạch bài bản, giống như ở Paris, nhưng mở rộng hơn về phạm vi. "Điều chúng tôi e ngại là một vụ tấn công liên thành phố, nhắm cùng lúc vào nhiều mục tiêu. Nếu thành hiện thực, nó sẽ gây ra hậu quả vô cùng khủng khiếp", Claude Moniquet, cựu quan chức thuộc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Pháp (DGSE), hiện điều hành một công ty tình báo tư nhân ở Brussels, chia sẻ. Giới quan sát đánh giá, những kẻ mang tư tưởng cực đoan, sinh ra và lớn lên ở châu Âu nhưng trốn ra nước ngoài, được khủng bố huấn luyện chiến đấu, nay nhận chỉ thị quay trở về quê hương để tiến hành đánh bom tự sát, là các mối đe dọa nguy hiểm hơn cả. Điển hình như kẻ chủ mưu tấn công khủng bố Paris cũng là một công dân châu Âu nhưng được IS huấn luyện ở Syria. Tên này lên kế hoạch khủng bố thủ đô của nước Pháp từ một nơi ẩn náu bí mật ngay tại Molenbeek. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thời gian gần đây thậm chí lên tiếng cảnh báo số lượng người có khả năng tấn công khủng bố dường như còn lớn hơn những gì họ từng ước tính. Dù cuộc vây hãm và bắt giữ Salah Abdeslam, nghi phạm chính trong vụ khủng bố Paris, hôm 18/3 được truyền thông ca ngợi, cảnh sát Bỉ tin rằng sở dĩ tên này có thể lẩn trốn lâu đến vậy là nhờ một mạng lưới đồng phạm cùng những kẻ hỗ trợ đắc lực. "Đây chưa phải kết thúc", Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, đồng thời nhấn mạnh mạng lưới các chiến binh Hồi giáo cực đoan có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì các nhà điều tra Pháp và Bỉ nhận định cách đây 4 tháng. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders hôm 21/3 cho hay cảnh sát thu giữ được rất nhiều vũ khí trong hàng loạt cuộc đột kích hồi cuối tuần trước mà đỉnh điểm là vụ bắt giữ tên Abdeslam. Theo ông, ít nhất 30 tay súng vẫn ẩn náu ở Brussels. Dù đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất nhưng công cuộc truy lùng các phần tử Hồi giáo cực đoan trên đất Bỉ không hề dễ dàng bởi phương thức hoạt động của chúng ngày càng kín đáo hơn trước, Walt nhận xét. Kể từ sau vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo tại trung tâm Paris hồi tháng 1/2015, nhiều quan chức tình báo đã lưu ý tới một thực tế là tay sai của khủng bố, các phần tử Hồi giáo cực đoan ở châu Âu, còn đang phối hợp cùng các mạng lưới tội phạm có tổ chức kiểu xã hội đen. Chúng thực hiện những phi vụ rất tinh vi trong vòng bí mật nhằm kiếm tiền để duy trì hoạt động, ví dụ như buôn người, làm giả giấy tờ tùy thân hay buôn bán vũ khí trái phép. Các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động được ở bất cứ đâu, trong bất cứ lĩnh vực nào, miễn là chúng sản sinh ra tiền, Yan St-Pierre, giám đốc điều hành, chuyên gia phản gián thuộc Nhóm Tư vấn An ninh Hiện đại, một công ty tình báo tư nhân ở Berlin, Đức, bình luận. Sự hòa nhập giữa hai thực thể tưởng chừng như hoàn toàn không liên quan đến nhau là tội phạm có tổ chức và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo bạo lực đang khiến việc theo dõi các đối tượng tình nghi khủng bố trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. "Điều này đặt ra một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với các cơ quan tình báo, bởi đây là hai mạng lưới khác nhau có phương thức hoạt động tách biệt", Moniquet nhận xét. "Thế nhưng, chúng luôn hỗ trợ nhau hết lòng. Khi một nhóm đến và yêu cầu giúp đỡ, nhóm kia sẽ giúp không chần chừ".
Bên cạnh đó, những khoản cắt giảm ngân sách lớn trong cơn suy thoái kinh tế châu Âu thập kỷ này cũng tạo ra một thách thức lớn nữa trong việc xác định cũng như triệt phá các mạng lưới khủng bố, theo St-Pierre. Ông cho rằng chính phủ các nước châu Âu đang ngày càng phụ thuộc vào những phương pháp theo dõi công nghệ cao mà lãng quên đi cách thức truyền thống là điều động người để giám sát nghi phạm khủng bố suốt ngày đêm. Nhược điểm của phương thức này là tương đối tốn kém. "Hệ quả của việc cắt giảm ngân sách trong khoảng 5 hoặc 6 năm qua là ngày càng có ít người làm công việc theo dõi các nghi phạm khủng bố. Họ phải liệu cơm gắp mắm và những kẻ khủng bố đã khai thác được lỗ hổng ấy", St-Pierre nhấn mạnh. |
,