Doanh nghiệp vận tải than khó vì đường Hà Nội - Hải Phòng tăng phí Là đơn vị vận hành 40 xe khách chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Đất Cảng cho biết, mỗi xe đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 2 lượt trong ngày hiện mất phí 1,5 triệu đồng. Do cao tốc này không áp dụng vé tháng nên riêng tiền phí đường cho mỗi xe khách 45 chỗ là gần 50 triệu đồng, chiếm gần nửa chi phí hoạt động hằng tháng. Nếu lựa chọn chạy trên quốc lộ 5, chi phí nhà xe phải chịu ít hơn, khoảng 6 triệu do được mua vé tháng. Tuy nhiên, sau khi có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, người dân ít lựa chọn tuyến này hơn vì nếu đi vào giờ cao điểm, thời gian trên tuyến xe chạy của công ty phải mất 3,5-4 giờ, gấp đôi so với phương án còn lại. Trong khi đó, giá vé xe gần tương đương nhau, khoảng 75.000-80.000 đồng mỗi khách. "Xe phải đạt khoảng 70% công suất thì doanh nghiệp mới có lãi, song ngày thường chỉ đạt 50%, cuối tuần mới đạt trên 70% nên chúng tôi kinh doanh rất khó khăn. Nếu tháng tháng tới khi tăng phí thì còn khó nữa", ông Thanh Hải cho biết.
Tuy vậy, Giám đốc Công ty Đất Cảng cho biết hiện chưa tính toán đến việc tăng giá vé xe, vì việc này phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát thị trường. Trong bối cảnh vận tải khách cạnh tranh mạnh, nếu tăng giá cao hơn thì hành khách có thể không chấp nhận. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ siết chặt chi phí đầu vào, quản lý... để cân đối. Đại diện Công ty TNHH Bus Hải Phòng thì cho hay, việc tăng phí khá cao của các trạm thu BOT trên quốc lộ 5 từ 1/4 cũng đặt ra bài toán tương tự khi chi phí tăng cao mà không thể tăng giá. "Chúng tôi sẽ phải tính toán, cắt giảm chi tiêu tối đa có thể để bù đắp vào khoản này, thậm chí có thể tính đến việc giãn tần suất, giãn thời điểm khai thác các tuyến xe khách nếu quá khó khăn”, đại diện công ty bày tỏ. Theo ông Lê Như Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, với phương án mới, mỗi xe container lưu thông trên quốc lộ 5 sẽ chịu thêm 160.000 đồng cho 2 lượt. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ đề nghị chủ hàng tăng cước bù đắp phần phát sinh này, song nếu chủ hàng không bù thì đành phải chịu thiệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải Hải Phòng sẽ gửi kiến nghị tới các bộ ngành đề nghị làm rõ việc tăng phí quốc lộ 5 vì đây là tuyến quốc lộ cũ đã được đầu tư bằng ngân sách. Nếu doanh nghiệp sửa đường thì chỉ thu phí BOT phần sửa chữa, song hiện nay tuyến quốc lộ này thu phí cao hơn cả các tuyến quốc lộ khác trên cả nước. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - Bùi Danh Liên cũng cho rằng, người dân phải chịu áp đặt từ phía các cơ quan quản lý. Ví dụ như 23 trạm thu phí vẫn tăng phí theo lộ trình từ 1/1/2016 vì có sự chấp thuận của Bộ Giao thông và Bộ Tài chính cho dù người dân và doanh nghiệp phản ứng. "Phí BOT không phù hợp với sức mua của người dân. Nhiều doanh nghiệp vận tải, và người dân bắt buộc phải đi qua đường BOT mà không có lựa chọn khác. Chi phí nhiều sẽ gây áp lực đến đời sống kinh tế xã hội", ông Liên nói. Trước đó, chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và chủ đầu tư dự án sửa chữa quốc lộ 5 đã công bố điều chỉnh tăng phí 2 tuyến đường từ 1/4. Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, đây là việc làm không mong muốn và ông rất chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, song nếu không làm thì phương án tài chính đầu tư tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ bị phá vỡ. Lý giải việc phải tăng phí liên tiếp tại trạm BOT quốc lộ 5 (lần gần nhất là tháng 12/2015), ông Đào Văn Chiến cho biết, việc tăng phí để có nguồn vốn sửa chữa hư hỏng của tuyến đường do phương tiện lưu thông quá tải. Năm 2014, Bộ Giao thông đã đầu tư 100 tỷ đồng sửa chữa (trong đó Vidifi bỏ ra 60 tỷ). Năm 2016 dự kiến việc sửa chữa ước tính bổ sung 300 tỷ đồng, trong đó Tổng cục Đường bộ chỉ bố trí được từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ 20 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ để nạo vét, cắt cỏ rác rãnh hai bên đường. Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải lưu thông trên quốc lộ 5, chủ đầu tư tuyến đường sẽ nghiên cứu thời gian đầu miễn giảm hoặc giảm giá vé quý, vé tháng cho phương tiện vận tải. |
,