Cần đơn giản hóa thủ tục trong cấp phép xây dựng Mới đây, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam năm 2015, Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia ASEAN-6 về chỉ số cấp phép xây dựng, sau Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, chuyển biến tích cực này dường như vẫn cần nhiều “chế tài” để tháo gỡ các thủ tục hành chính trong xin và cấp phép xây dựng được thông thoáng hơn. Khó trong quản lý Vẫn biết, mặc dù trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, Việt Nam chỉ đứng sau hai quốc gia có trình độ phát triển khá cao là Singapore và Thái Lan. Song nếu so sánh trên phạm vi rộng hơn trên thế giới thì Việt Nam vẫn đang có vị trí thấp xếp thứ 22. Theo đánh giá của các chuyên gia WB, những quy định về cấp giấy phép xây dựng mới chỉ dừng lại ở mức cạnh tranh trung bình tốt. Báo cáo này của WB được lấy mẫu từ việc xây dựng một công trình nhà kho tại TP. HCM với diện tích hơn 1.300m2 cao 3 tầng. Báo cáo cho thấy, điểm yếu nhất của thủ tục cấp giấy phép xây dựng vẫn là thời gian thực hiện. Theo đó, thời gian để được cấp phép xây dựng tại Việt Nam đang khá dài so với các nước trong ASEAN-6, đặc biệt là gấp 4 lần so với Singapore, 2 lần so với Brunei và Indonesia. Cụ thể, tại Việt Nam cộng đồng doanh nghiệp phải mất tới 114 ngày để hoàn tất thủ tục cấp giấy phép xây dựng, trong khi tại Singapore vấn đề này chỉ mất 26 ngày, Malaysia là 74 ngày, Brunei là 89 ngày. Việc cấp giấy phép xây dựng không chỉ lâu mà phí còn khá cao so với các nước trong khu vực. Hiện nay phí cấp phép xây dựng theo tài sản tại Việt Nam đang cao gấp 7 lần so với Singapore và Brunei, gấp 3 lần so với Thái Lan. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay giữa Việt Nam và các nước khác như Sigapore, Thái Lan còn có điểm khác biệt khá lớn trong công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng nên các thủ tục con trong cấp phép xây dựng cũng khác nhau. Tại Việt Nam các doanh nghiệp phải chờ khoảng 30 ngày để thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Sở Tài nguyên và môi trường. Sau khi xây dựng xong công trình lại phải mất phí đăng ký, lệ phí trước bạ trong khi Singapore và Thái Lan không có thủ tục này. Ngoài ra, riêng đối với thủ tục đấu nối nguồn cấp nước và thoát nước cho công trình xây dựng tại Việt Nam cũng đã mất khoảng 16 ngày, cùng với đó là phải tiếp khá nhiều đoàn kiểm tra khiến cho chi phí phát sinh khá nhiều. Trong khi tại nhiều quốc gia, công việc này các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký qua mạng với bên cấp thoát nước là sẽ được giải quyết trong vòng khoảng 5 ngày. Kiến nghị sửa đổi Trước những rắc rối, phiền hà trong công tác quản lý hành chính cấp phép xây dựng nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã kiến nghị Bộ Xây dựng. Theo đó, đề nghị Bộ này nghiên cứu trình Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2012 của Chính phủ về phần cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, thời gian cấp giấy phép cần rút ngắn xuống dưới 15 ngày (ngày làm việc) đối với công trình, dưới 10 ngày đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị và 5 ngày đối với nhà ở nông thôn. Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố cần chỉ đạo Công ty cấp nước thống nhất về quy trình đấu nối nguồn cấp nước, đấu nối trực tuyến, giảm thời gian đấu nối xuống dưới 15 ngày. Quan điểm của WB thì cho rằng, đối với thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, nếu không cần thiết thì nên loại bỏ. Nếu trong trường hợp phải giữ lại thì cần giảm thời gian thực hiện thủ tục xuống khoảng 23 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay vì các giấy tờ liên quan đã được doanh nghiệp nộp từ giai đoạn làm thủ tục xin giấy phép xây dựng. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, hiện doanh nghiệp muốn có được tờ giấy phép xây dựng phải thông qua 4 cơ quan quản lý là công an phòng cháy chữa cháy, ngành xây dựng, tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương, đồng thời trải qua 10 bước thực hiện thủ tục từ xin thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy đến đăng ký quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cùng với đó là hàng loạt các giấy phép con. Đã đến lúc cần thống nhất 1 đầu mối cấp giấy phép xây dựng, người dân chỉ cần nộp hồ sơ tại đó còn lại những thủ tục hành chính giữa các cơ quan quản lý Nhà nước thì các cơ quan tự kiểm tra trên hệ thống nội bộ với nhau./. |
,