Tăng cường kiểm tra, giám sát năng lực tài chính của doanh nghiệp

Để góp phần thực hiện mục tiêu định hướng tăng trưởng nền kinh tế quốc dân năm 2015 do Quốc hội phê duyệt đạt mức tăng trưởng 6,2%, thì việc ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia đăng ký thành lập doanh nghiệp (TLDN) để khởi nghiệp là xu thế tất yếu, phù hợp với mục tiêu định hướng của Quốc gia. Song việc quản lý kinh doanh và cấp phép đăng ký kinh doanh cần được tiến hành chặt chẽ hơn để các doanh nghiệp khi được thành lập sẽ có sức sống bền lâu thì nền kinh tế mới thực sự vững mạnh.

TLDN quá dễ dàng

Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta gồm có nhiều thành phần kinh tế tham gia, như là: Doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ phần lớn vốn pháp định, DN cổ phần, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN liên doanh, Cty cổ phần, Cty TNHH, kinh tế hộ gia đình... muốn được tham gia hoạt động kinh doanh, pháp luật quy định việc đăng ký thành lập doanh nghiệp phải tuân thủ những qui định của pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Quản lý Thuế...) là nhằm góp phần phát triển kinh tế- xã hội ổn định, bền vững, là quyền lợi và mục đích chính đáng của tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu TLDN. Để được cấp phép hoạt động kinh doanh, tổ chức hoặc cá nhân phải lập bộ hồ sơ đăng ký trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trên thực tế, việc cấp phép TLDN của ta trong thời gian qua đã có nhiều cải tiến và những quy định của pháp lý đã được sửa đổi theo xu hướng mở nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, phiền hà đối với tổ chức hoặc cá nhân tham gia TLDN. Song việc điều chỉnh, sửa đổi những quy định có tính pháp lý hoặc cơ chế phân cấp quản lý hành chính sâu, nhưng lại quá thoáng và thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, nên đã dẫn đến tình trạng TLDN ồ ạt (chủ yếu DN nhỏ và siêu nhỏ), không thiếu những DN được thành lập với nhiều mục đích khác nhau như: bán hóa đơn, trốn thuế, DN ma, DN mất tích...

Hiện nay, theo quy định, tổ chức hay cá nhân muốn TLDN (Cty CP, Cty TNHH) chỉ cần lập bộ hồ sơ đăng ký TLDN theo các tiêu chí gồm: Tên người đứng đầu, tên cổ đông hoặc sáng lập viên, đăng ký vốn pháp định và địa chỉ dự kiến mở văn phòng... gửi đến văn phòng đăng ký TLDN thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư (nếu trực tiếp đăng ký) hoặc là gửi đến văn phòng luật sư tư nhân thuê dịch vụ tư vấn trọn gói là xong. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ khi đăng ký TLDN thường chọn dịch vụ tư vấn trọn gói cho thuận tiện đỡ phải đi lại. Về khách quan, đa số các văn phòng luật sư tư nhân tư vấn giải quyết một vài sự kiện về pháp lý đã đạt được hiệu quả nhất định về kinh  tế - xã hội. Song cũng có không ít văn phòng luật sư tư nhân dựng lên để hành nghề nhưng người hiểu biết về pháp luật rất ít hoặc vì lý do gì đó nên đã bỏ qua những quy định cần thiết của pháp luật trong quy định đăng ký TLDN. Theo quy định, các doanh nghiệp muốn thành lập phải chứng minh được số lượng vốn pháp định. Tùy theo ngành nghề sẽ có quy định về số vốn pháp định khác nhau nhưng nhiều văn phòng tư vấn luật đã bỏ qua thủ tục này, xác nhận hồ sơ theo lời khai của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một lỗ hổng khác trong quy định hiện nay, là việc các doanh nghiệp muốn đăng ký bao nhiêu ngành nghề cũng được, không cần biết doanh nghiệp đó có đủ năng lực về tài chính, nhân lực hay không? Ví dụ, Cty X được cấp Giấy đăng ký hoạt động kinh doanh, tên Cty “Tư vấn xây dựng dân dụng và điện lực”, vốn đăng ký 3 tỷ VNĐ, nhân lực 10 người, ngành nghề kinh doanh gồm có 20 ngành nghề thuộc các lĩnh vực: Xây dựng dân dụng; kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ ô tô, máy móc thiết bị xây dựng, vận tải; sản xuất gang, sắt, thép; sản xuất điện, truyền tải và phân phối điện; xây dựng nhà dân dụng; xây dựng các loại công trình giao thông đường sắt, đường bộ... Những kẽ hở này đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp “ma” thành lập ra để bán hóa đơn, trốn thuế…

Sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy

Để tránh tình trạng dự án bất động sản bán “trên giấy” cũng như “tay không bắt giặc” của các doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản, thời gian vừa qua, Luật Kinh doanh bất động sản đã yêu cầu các công ty kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 – 50 tỷ đồng. Luật này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng “chạy đua” để có giấy phép thành lập trước khi quy định này được áp dụng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2015, cả nước có hơn 14.000 DN được cấp phép đăng ký thành lập mới, trong số đó đăng ký TLDN  kinh doanh bất động sản (BĐS) chiếm tỷ trọng lớn, tăng 89% so cùng kỳ 2014. Trước hiện tượng bất thường trên, giới chuyên môn đã nhận định nguyên nhân của việc đăng ký TLDN mới BĐS tăng là do họ tranh thủ tận dụng cơ hội cuối cùng của pháp luật qui định về tiêu chí hạn mức vốn pháp định để “lách luật”. Bởi vốn pháp định hiện hành chỉ 6 tỷ VNĐ/DN, quy định mới từ ngày 01/7/ 2015 sẽ là từ 20 - 50 tỷ VNĐ. Đó là chưa kể đến việc thay đổi chỉ tiêu tính doanh thu kinh doanh BĐS mới sẽ là “Không được hạch toán doanh thu giao dịch theo phân khúc thị trường” vào chỉ tiêu “Thu nhập DN”.

Việc thành lập doanh nghiệp một cách ồ ạt như trên nhiều khi dễ dẫn đến hệ lụy các doanh nghiệp sẽ sớm rơi vào vòng phá sản vì không đủ năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính. Phần lớn những DN kinh doanh BĐS thành lập mới trong những tháng đầu năm 2015 nhiều khi không phải do nhu cầu kinh doanh thực sự mà chỉ để tận dụng cơ hội cuối cùng về hạn định vốn thấp (6 tỷ VNĐ/DN), thì liệu có đủ sức cạnh tranh trên thị trường BĐS khắc nghiệt trong tương lai hay không?

Từ thực tế của việc cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh nói trên và việc điều chỉnh những chỉ tiêu pháp lý trong kinh doanh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát năng lực tài chính của doanh nghiệp có phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh hay không, tránh tình trạng bất cập như thực tế đã qua, để hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia TLDN. Một khi chúng ta làm đúng quy định của pháp luật mà vẫn ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký TLDN mới, như thế mới là cách đi đúng hướng, phù hợp mục tiêu định hướng của quốc gia, đồng thời cũng góp phần làm giảm tải công tác quản lý của các ngành chức năng, góp phần làm lành mạnh hóa nền kinh tế - xã hội nước nhà./.


 

,