Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|Print

Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế

Dự kiến từ tháng 11, tất cả bệnh viện cả nước cùng áp dụng một khung giá dịch vụ y tế, khoảng 1.800 dịch vụ kỹ thuật điều chỉnh tăng chi phí.

Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện trên toàn quốc được Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính xây dựng. Theo đó, liên Bộ sẽ ban hành mức giá cố định (thay vì khung giá tối đa, địa phương tự xây dựng giá cụ thể như hiện nay) và các bệnh viện trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng. Người không có thẻ bảo hiểm y tế vẫn áp dụng mức giá hiện nay. Giá khám bệnh, ngày giường vẫn theo hạng bệnh viện, riêng giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng bệnh viện. Lý do vì chi phí cho một kỹ thuật giữa các bệnh viện là như nhau. 

Dự kiến thông tư này sẽ được ban hành vào tháng 11 thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, trong năm 2015 khi thông tư có hiệu lực thì thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Từ 1/3/2016 mức giá gồm cả tiền lương. Trong năm 2016, liên Bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế.

Lấy ví dụ, đặt nội khí quản cấp cứu sơ sinh + thở máy giá khi chưa có tiền lương là 950.600 đồng; tiền lương 138.535 đồng; phụ cấp 91.500 đồng. Như vậy giá sẽ tăng lên 1.042.100 đồng và sau đó 1.186.000 đồng. Tương tự phẫu thuật nội soi cắt tử cung sẽ điều chỉnh từ 11.362.100 đồng lên 11.952.100 đồng - tăng 590.000 đồng và sau đó tăng tiếp lên 12.494.300 đồng. 

tang-gia-1800-dich-vu-y-te

Dự kiến tháng 11, tất cả các bệnh viện trên cả nước sẽ áp dụng cùng mức giá. Ảnh minh họa: N.P.

Dự kiến có khoảng 1.800 dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh lần này, trong đó tăng nhiều nhất là các phẫu thuật thủ thuật đặc biệt. Chẳng hạn, phẫu thuật nội soi nhi khoa rôbốt, thay khớp háng do lao... phụ cấp cộng thêm vào lên đến 1,5 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho biết, lần điều chỉnh này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Bộ Y tế dự báo nhóm bị ảnh hưởng là những người phải đồng chi trả 20% tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. 

Theo ông Liên, giá dịch vụ y tế tính đúng tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hiện giá viện phí mới tính 3 yếu tố đầu tiên. Sau 3 năm điều chỉnh giá, hầu hết địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60-80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế ngồi, cải tạo, sửa chữa phòng khám...

Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế:

- Đến năm 2016: Giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp.

- Đến năm 2018: Giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý.

- Đến năm 2020: Giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Nam Phương


 

,