Địa ốc Sài Gòn phân hóa theo 2 cực Đông - Nam Thị trường nhà ở TP HCM đang có xu hướng hút về hai cực Đông và Nam khi nguồn cung được chào bán hoặc công bố ở hai khu vực này vượt trội hơn phần còn lại. Khu Đông bất ngờ bùng nổ lượng nhà ở cao cấp với các dự án quy mô lớn ăn theo cao tốc, vành đai, metro. Khu Nam ít dự án hạ tầng mới nhưng nguồn cung vẫn tăng đều, ăn theo các tiện ích sẵn có của đô thị Phú Mỹ Hưng. Thống kê mới nhất của Savills Việt Nam, điểm nhấn thị trường nhà ở tại TP HCM đang phân hóa thành 2 trục chính. Khu Đông gồm quận 2, 9, Thủ Đức và một phần quận Bình Thạnh công bố 10.191 căn (bao gồm chung cư, nhà phố và biệt thự). Trong khi đó, khu Nam gồm quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh và một phần quận 8 đạt 5.450 căn. Với kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong ngành bất động sản tại TP HCM, chuyên gia bất động sản Phạm Văn Hải ước tính hiện nay nguồn cung toàn thị trường khoảng 20.000 sản phẩm nhà ở mới. Mỗi căn chào bán trung bình 2 tỷ đồng, vị chi giá trị vốn hóa toàn thị trường lên đến hơn 400.000 tỷ đồng. Xét về nguồn hàng và giá trị vốn hóa, khu Đông dẫn đầu (chiếm 50% nguồn cung toàn thị trường), kế đến là khu Nam (chiếm 25% nguồn cung). Các trục phía Tây, Tây Bắc cũng đang phát triển nhưng không thể bắt kịp tốc độ của trục Đông - Nam. Không chỉ "so găng" về nguồn cung nhà ở, hai điểm nóng này còn nổ ra cuộc chạy đua nguồn cung mặt bằng bán lẻ và khu Đông tiếp tục chiếm thế thượng phong. Thống kê của VnExpress, có ít nhất 300.000 m2 sàn thương mại mới là khối đế của hàng loạt dự án nhà ở sẽ đi vào hoạt động ở phía Đông thành phố giai đoạn 2015-2018. Trong khi đó, đến cuối năm 2016, dự kiến khu Nam Sài Gòn có thêm khoảng 80.000 m2 mặt bằng mua sắm, chủ yếu đến từ cụm khối đế bán lẻ của các dự án căn hộ cao tầng. Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Cushman & Wakefield, Jonathan Tizzard nhận xét, cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Đông (tiếp giáp sông Sài Gòn) đang được tập trung phát triển nhanh hơn so với phần còn lại của thị trường nên nguồn cung nhà ở, thương mại của khu Đông cũng tăng mạnh hơn. Việc khởi công xây dựng tuyến tàu điện metro đầu tiên và sự hoàn thành các dự án cầu Sài Gòn 2 cũng như hầm Thủ Thiêm, tuyến đường cao tốc Long Thành Dầu Giây và các đường vành đai đã cải thiện diện mạo của vùng cửa ngõ phía Đông. Điều này thúc đẩy sự phát triển bất động sản của trục đô thị phía Đông. Theo ông Jonathan Tizzard, phía Đông Sài Gòn xuất hiện khá nhiều dự án nhà ở mới, nguồn cung "khủng" như một hệ quả tất yếu từ sự bùng nổ hạ tầng. Việc đầu cơ tích trữ và mua cho thuê hứa hẹn tăng lên ở khu vực này dẫn đến niềm tin thị trường đối với phân khúc nhà ở tăng cao nên giới đầu tư càng đổ về đây triển khai dự án.
Chuyên gia bất động sản Phạm Văn Hải nhận xét: "Cuộc so găng nguồn cung khủng của trục Đông và Nam Sài Gòn cho thấy đa phần lực hút thị trường dồn về hai điểm nóng này. Tuy nhiên dù là hướng Đông hay Nam đều có lợi thế và rủi ro nhất định". Chuyên gia này phân tích, có nhiều lý do để các doanh nghiệp ngành bất động sản đổ về phía Đông phát triển dự án, tạo nên nguồn cung khủng như hiện nay. Thứ nhất, khu Đông trước đây chưa được đầu tư đúng mức, nay đang hưởng lợi từ chính sách phát triển hạ tầng mạnh mẽ của thành phố (ước tính khoảng 250.000 tỷ đồng) nên bất động sản tại đây sôi động là điều tất yếu. Thứ hai, đây là vị trí cửa ngõ phát triển liên vùng từ TP HCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ với độ cao cốt san nền vượt trội, nền đất cứng và cao rất phù hợp để phát triển đô thị vì ít tốn kém chi phí xây dựng . Thứ ba, với quỹ đất lớn, được triển khai sau nên quy hoạch đồng bộ hơn các khu vực khác và điều đặc biệt hơn cả là diện mạo khu này đang thay da đổi thịt từng ngày. Đây chính là yếu tố càng khiến cho các nhà phát triển bất động sản đua nhau tiến về phía Đông. Chỉ xếp sau khu Đông nhưng khu Nam đã định hình hạ tầng xã hội, giao thông và dịch vụ tiện ích nội khu từ khá sớm, cộng thêm sự thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã tạo nên lực hút mạnh mẽ đối với cộng đồng mua nhà để ở cũng như đầu tư. Từ thời hoàng kim của thị trường địa ốc (năm 2007) khu Nam đã dẫn dắt thị trường. Hiện nay, tuy không còn là hiện tượng mới, địa bàn này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn cung rất cao. Lợi thế của khu Nam là đô thị hình thành trước với đầy đủ dịch vụ tiện ích hiện hữu, ổn định có thể về ở ngay lập tức. Rủi ro của khu vực này là hạ tầng chưa đồng bộ, ngoại trừ Phú Mỹ Hưng đã hoàn chỉnh, phần còn lại của khu này chưa xứng tầm với khu đô thị đang phát triển. Dù thừa nhận tiềm năng to lớn và triển vọng tươi sáng của khu Đông TP HCM, ông Hải cho rằng chưa hẳn là địa bàn này không có rủi ro. Điều nhà đầu tư cần phải cân nhắc là viễn cảnh của khu vực này quá hoành tráng, tập trung nguồn lực đầu cơ lớn, nếu sự phát triển đô thị chậm thì tỷ lệ lấp đầy cũng bị trì hoãn theo. Ngoài ra, bất động sản tại trục đô thị phía Đông TP HCM có mặt bằng giá cao hơn mặt bằng chung toàn Sài Gòn. Điều này khiến cho áp lực cạnh tranh về giá lớn dần. Để hình thành một khu đô thị hoàn chỉnh, trong lòng nó có cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội với đầy đủ tất cả các tiện ích, dịch vụ cho cuộc sống chất lượng, theo ông Hải cần khoảng 10-15 năm. Giả định khu Đông sẽ phát triển nhanh hơn tốc độ thông thường, tối thiểu cũng cần thêm 5 năm nữa để định hình dáng dấp đô thị hiện đại. "Nhà đầu tư, đặc biệt là đầu cơ bất động sản đang đổ dồn về khu Đông cần tính toán dòng vốn cũng như những thách thức tiềm ẩn chứ không nên chỉ chăm chăm hướng tới kịch bản lạc quan thái quá", ông Hải khuyến cáo.
|
,