Luật thông thoáng, lo doanh nghiệp “ma” hoành hành?

Dân trí Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, dù chặt chẽ đến đâu cũng sẽ luôn có tình trạng lách luật. Chính phủ sẽ có biện pháp, chế tài để kiểm soát và xử lý số ít vi phạm nhưng vẫn tạo ra sự thông thoáng vì lợi ích chung cho toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Hôm nay giá gas giảm 13.000 đồng/bình 12 kg

Những gì luật pháp không cấm, người dân được tự do kinh doanh 

Giá dầu thế giới sẽ chạm đáy lịch sử vào năm 2015

Kinh tế vượt dốc: Quốc tế soi kỹ Việt Nam            

Tại chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, 2 luật là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa mới được Quốc hội thông qua vừa qua gần như đã “lột xác”, nhằm khắc phục những khiếm khuyết của hơn một chục năm qua triển khai thực hiện 2 luật cũ.

Cụ thể, nội dung cơ bản nhất được thay đổi trong Luật Đầu tư là phương pháp tiếp cận. Nếu trước đây, phương pháp tiếp cận trước đây là “chọn- cho”, có nghĩa là trong luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh, thì nay đã được thay bằng phương pháp minh bạch hơn và rõ ràng hơn là “chọn - bỏ”.
 
Bộ trưởng lý giải, “chọn - bỏ” là phương pháp khó mà trên thế giới không phải nước nào cũng dám áp dụng. Tuy nhiên ở Việt Nam, Quốc hội vẫn quyết định áp dụng phương pháp này: cái gì cấm, cái gì hạn chế thì ghi vào trong luật. Điều này cũng thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp. Những gì luật pháp không cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh.
 
Vấn đề thứ 2 là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam không cần được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh theo những lĩnh vực mà luật pháp đã quy định, cho phép.
 
Nếu kinh doanh ở những lĩnh vực có điều kiện, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng những điều kiện đó. Cơ quan quản lý Nhà nước sau đó sẽ kiểm tra, nếu thấy chưa đúng thì yêu cầu chỉnh sửa, nếu mức độ vi phạm là quá lớn thì có thể dừng.
 
Theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, việc chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” cũng là điểm rất thông thoáng, minh bạch và giảm bớt chi phí cho người dân. Ngoại trừ các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam (FDI) thì cần phải có việc cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lần đầu tiên.

Nói về số lượng 6 ngành nghề bị cấm, trong khi có tới 267 ngành nghề kinh doanh có điều điều kiện, Bộ trưởng cho rằng, số lượng lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhiều hay ít không phải là vấn đề.

Theo đó, đối với những nước càng phát triển thì càng có nhiều điều kiện trong các lĩnh vực kinh doanh để đảm bảo rằng, ngành nghề kinh doanh phải phục vụ lợi ích phát triển con người, như các vấn đề sức khỏe, an ninh và môi trường.
 
Trong 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Chính phủ sẽ quy định những loại ngành nghề phải được cấp phép song việc cấp phép sẽ được hạn chế ở mức tối thiểu. Còn lại, sẽ có những ngành nghề mà người dân không cần xin phép hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ sẽ đi kiểm tra, giám sát (như mở hàng ăn, hàng phở…người dân tự do, thoải mái trong việc mở cửa hàng).

Về vấn đề cho phép doanh nghiệp được chủ động sử dụng con dấu, theo Bộ trưởng, trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã bỏ con dấu, thay vào đó là chữ ký của người có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại Việt Nam và một số ít nước bây giờ vẫn có quy định rất chặt chẽ về con dấu. Thậm chí, người ta không quan tâm tới chữ ký nhiều mà chỉ nhìn con dấu mà cho đó là tính pháp lý. Đây là điều cần phải thay đổi.
 
Ngoài ra, thủ tục xin cấp con dấu, khắc dấu cũng tiêu tốn nhiều chi phí, thời gian của doanh nghiệp và con dấu cũng gây ra nhiều phiền toái khác.

“Chúng ta mong muốn sửa đổi theo hướng là bỏ con dấu đó đi. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam thì ngay lập tức chưa thể bỏ được vì trình độ quản lý còn hạn chế và nhiều vấn đề liên quan khác” – Bộ trưởng nói.
 
Trong luật lần này, doanh nghiệp sẽ được quyết định nội dung cũng như là hình thức con dấu, được tự chủ trong việc quyết định và tự chịu trách nhiệm với con dấu của mình. Hơn nữa, Việt Nam vẫn tiếp tục thúc đẩy mạnh tính pháp lý của chữ ký, nhất là chữ ký điện tử và từng bước tiến tới có thể loại bỏ con dấu.

Liên quan đến những lo ngại khi việc thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục có thể làm phát sinh các hệ lụy như doanh nghiệp bỏ trốn, thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn, Bộ trưởng Bủi Quang Vinh cho rằng, xã hội nào, dù chặt chẽ đến đâu cũng luôn có những hành động lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kinh doanh trái phép, vi phạm luật pháp. Về việc này, các cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra và xử lý vi phạm.
 
Trong nguyên tắc làm luật, điều gì gì có lợi ích nhất cho đại chúng thì phải áp dụng, không thể lấy vi phạm của một vài cá nhân, một vài tập thể nhỏ để mà bắt tất phải đi theo, phải bị quản lý chặt lại. Do vậy, theo Bộ trưởng, Chính phủ sẽ có biện pháp, chế tài để kiểm soát và xử lý số ít vi phạm nhưng vẫn phải tạo ra sự thông thoáng vì lợi ích chung cho toàn xã hội.

Bích Diệp

 

,