Bộ trưởng Công Thương: 'Lẽ ra giá điện đã tăng'

Bộ trưởng Công Thương: 'Lẽ ra giá điện đã tăng'

Trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết giá điện 2014 chịu nhiều áp lực, song vẫn nằm trong khả năng điều tiết của doanh nghiệp.

- Hơn một năm qua, dù giá điện không tăng, Tập đoàn Điện lực (EVN) vẫn liên tục cho biết chi phí nguyên nhiên liệu tăng hàng nghìn tỷ, khiến dư luận luôn trong trạng thái phấp phỏng chờ giá. Thực hư việc tăng chi phí ra sao, thưa ông?

bt-vuhuyhoang-0-8552-1414691060.jpg

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định từ năm 2015, giá điện sẽ có tăng, có giảm.

- Giá điện năm nay đúng là chịu rất nhiều tác động của chi phí đầu vào như giá than, giá khí, biến động tỷ giá…

Dù Chính phủ đã yêu cầu giá điện phải theo cơ chế thị trường, tức là tăng giảm theo các yếu tố đầu vào nhưng hiện nay, việc điều chỉnh giá cũng phải dựa trên tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, sức chịu đựng của doanh nghiệp...

Sự thật là 14 tháng qua, giá điện không đổi, trong khi việc kinh doanh của EVN có thua lỗ nhất định. Chủ trương chung là phải cân đối cả yếu tố chi phí đầu vào - tức không để cho EVN quá lỗ, dẫn đến khó khăn, mặt khác tiến dần tới cơ chế thị trường và vẫn cần điều tiết của Nhà nước. Do đó, việc không tăng giá điện trong năm qua đã đóng góp quan trọng cho kiềm chế lạm phát, không gây thêm khó khăn cho đời sống người có thu nhập thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Việc "nén" tăng giá khi chi phí đầu vào tăng cao liệu có gây ra tình trạng điều hành giật cục, giá điện tăng cao vào năm sau hay không?

Ở đây không hẳn là nén lại. Các Bộ, EVN đều đã tính toán, sẽ điều chỉnh có mức độ. Vừa rồi không tăng giá một phần vì chi phí đầu vào cũng tăng có mức độ, doanh nghiệp vẫn chịu được. Giá than, khí có tăng nhưng cũng có thuận lợi là nước về các hồ chứa nhiều, nên ngành điện chủ trương tăng huy động từ các nhà máy thủy điện. Khi đó, EVN cũng hạn chế việc phát từ các nguồn có chi phí cao như chạy dầu hay nhiệt điện, tăng huy động nguồn này thay vì cứ đủ kế hoạch đầu năm thì thôi.

Cũng phải nói thật là theo quy định thì trong năm qua, EVN đã có thể tăng giá được rồi.

- Vậy khi áp dụng cơ chế thị trường vào năm sau, giá điện sẽ như thế nào thưa ông?

- Theo quyết định của Thủ tướng thì đến năm 2015, giá điện sẽ phải điều chỉnh hoàn toàn theo giá thị trường. Khi đó giá sẽ biến động nhưng cũng có nghĩa là có tăng thì cũng có khả năng giảm nếu thị trường than, khí hạ nhiệt. EVN cũng phải quán triệt tinh thần đó.

Nếu khi đó tình hình kinh tế xã hội vẫn khó khăn, giá điện có thực sự 100% thị trường hay Nhà nước vẫn điều tiết, kiềm chế ?

- Đó là một lưu ý quan trọng vì nền kinh tế Việt Nam có hai vế, "thị trường" và “xã hội chủ nghĩa”. Do đó dù có điều chỉnh giá điện thì vẫn phải tính đến hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác. Nhưng doanh nghiệp thì phải kinh doanh, tính toán chi phí theo thị trường. 

Lần gần đây nhất, khi điều chỉnh giá điện, Nhà nước vẫn hỗ trợ cho các hộ nghèo khoảng 30.000 đồng một tháng. Nhưng cũng có chuyện phần nhiều các hộ miền núi không dùng hết số đó. Thực tế, đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo là không tính chuyện hiệu quả, lời lỗ về tài chính được, nhưng đó là chính sách xã hội. Có nơi hiệu quả kinh tế âm vẫn phải đưa điện tới.

Chí Hiếu


 

,