Lại bàn sửa điều kiện vay từ gói 30.000 tỉ đồng TT - Không chỉ được vay mua nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội, tới đây người thu nhập thấp còn được vay vốn để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở...
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo lần 2 thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cho vay hỗ trợ nhà ở từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên cũng trong dự thảo này, một số quy định có thể cản đường khiến người dân có thể khó tiếp cận vốn vay hơn. Được vay ưu đãi để xây, sửa nhà
Ngày 15-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết theo dự thảo này, cán bộ công chức, viên chức... (nói chung là người lao động có thu nhập thấp - PV) được vay tối đa khoảng 800 triệu đồng khi mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chỉ những hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không quá 1.050.000.000 đồng/căn hộ mới được vay vốn ưu đãi. Giải thích lý do đưa ra quy định này, NHNN cho biết vì đây là nhà ở xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp. Nếu không khống chế giá trị hợp đồng mua bán căn hộ thì sẽ hỗ trợ sai đối tượng. Ngoài ra, lãi suất cho vay vẫn giữ 6%/năm và thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa đối với mua nhà là 15 năm nhưng không vượt quá thời điểm 1-6-2031. Đặc biệt, những người có đất rồi nhưng vì khó khăn về tài chính nên chưa thể xây được nhà, hoặc nhà ở quá chật chội, không đủ điều kiện sinh hoạt... cũng sẽ được vay ưu đãi để xây mới hoặc cải tạo nhà đang ở. Mức tối đa được vay lên tới 700 triệu đồng và có thể vay ưu đãi tới 10 năm, nhưng cũng chỉ hỗ trợ lãi suất đến hết tháng 5-2026. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết tới đây hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội để cho học sinh, sinh viên thuê; để bán hoặc cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuê cũng được vay ưu đãi từ gói này. Thời hạn được vay vốn ưu đãi đối với các chủ đầu tư, hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội tối đa là năm năm nhưng chỉ được hỗ trợ đến hết tháng 5-2021. Nhưng vay được không dễ Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đực - phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, ngoài những điểm thuận lợi nêu trên, dự thảo thông tư mới đã “vẽ” thêm quy định mới khiến khách hàng gặp khó. Theo đó, điều 1 dự thảo nêu rõ: Ngân hàng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng thông qua việc phân tích dòng tiền của doanh nghiệp hoặc thu nhập của cá nhân, hộ gia đình để thỏa thuận mức cho vay, thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ phù hợp đối với khách hàng. “Nghe qua tưởng hay nhưng thật tình lại dở, bởi quy định này như một dây thòng lọng siết chặt đối với khách hàng và loại bỏ các điều kiện thuận lợi ở các quy định trước. Mở ra vài cánh cửa nhưng lại đóng ở cánh cửa cuối cùng thì còn gì ý nghĩa. Nói là điều kiện cho vay dễ nhưng “ông” quyết định cuối cùng là ngân hàng. Dù có đủ điều kiện thế nào nhưng nếu như “ông” không thẩm định cho thì không thể lọt cửa được” - ông Đực phân tích. Ngoài ra, ông Đực nhận định điều khoản này chẳng biết “vô tình hoặc cố ý” ban cho người thụ lý duyệt vay thêm quá nhiều quyền lực, dễ dẫn tới lạm quyền hoặc nảy sinh tiêu cực. Thêm nữa, theo ông Đực, quy định được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai - điều kiện rất thuận lợi cho người vay vốn đồng thời đảm bảo an toàn trong thu hồi vốn của ngân hàng - không hề được đề cập trong dự thảo thông tư mới. Như vậy không công bằng cho khách hàng. Giám đốc một công ty bất động sản cũng có cùng quan điểm khi cho rằng việc xác minh tài sản, thu nhập của người vay là rất khó bởi ở VN, nguồn thu của cá nhân không phụ thuộc cố định một chỗ mà từ nhiều nguồn khác nhau. Do vậy, việc xác minh thu nhập là tương đối và sai số thường cho ra kết quả thấp hơn so với thực tế, điều này gây thiệt cho người muốn vay vốn. “Theo tôi là nên bỏ quy định đó vì khiến khả năng tiếp cận vốn vay của ngân hàng khó hơn. Đồng thời bổ sung quy định thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để tạo điều kiện cho người dân dễ vay vốn hơn” - vị này nói. Ông Đào Minh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho rằng việc mở rộng đối tượng vay ưu đãi về nhà ở sẽ hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế khi thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bày tỏ băn khoăn rằng chính sách là một chuyện, có khả thi trong thực hiện hay không lại là chuyện khác. “Nếu ngân hàng quá thận trọng, lo ngại rủi ro quá mức thì e rằng người dân sẽ khó tiếp cận được chính sách này” - ông Tuấn nói. LÊ THANH - LÂM HOÀI |
,