Sân bay Long Thành và giấc mơ trạm trung chuyển quốc tế

Sân bay Long Thành và giấc mơ trạm trung chuyển quốc tế

"Nếu Việt Nam không có những hãng hàng không mạnh và nền du lịch phát triển thì Long Thành khó trở thành cảng trung chuyển quốc tế", chuyên gia Lương Hoài Nam nhận định

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Chính phủ báo cáo Quốc hội để cơ quan quyền lực cao nhất quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp khai mạc ngày 20/10 tới đây.

Khi nói về sự cần thiết đầu tư, trong tờ trình của mình, yếu tố đầu tiên mà Bộ Giao thông kể đến là nhằm hình thành, phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ khu vực. Mục địch tiếp đến mới là chia lửa cho sân bay Tân Sơn Nhất khi cảng quốc tế này trở nên quá tải.

Tại buổi thông tin dự án cho báo chí lần đầu được Bộ Giao thông tổ chức giữa tuần qua, chuyên gia phản biện độc lập - GS Lã Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh rằng vấn đề xây cảng Long Thành không chỉ để giảm tải cho Tân Sơn Nhất mà mấu chốt là để có được một cảng trung chuyển quốc tế, nhằm tạo một cú “lật cánh” cho nền kinh tế. “Nếu chậm chân, Việt Nam sẽ chỉ là vệ tinh, phụ thuộc vào các nước trong khu vực”, ông Khuê cảnh báo.

images1063069-DSC-0330-2154-1413002802.j

GS Lã Ngọc Khuê.

Theo các chuyên gia, để trở thành một cảng trung chuyển quốc tế, ngoài “điều kiện cần” chung như quy hoạch khoa học, quy mô diện tích, công nghệ vận hành, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và giá cả trong sân bay thì còn cả những “điều kiện đủ” không nằm bên trong hàng rào cảng hàng không đó.

GS Khuê nhận định, xét về yếu tố địa lý thì Long Thành hội đủ các điều kiện để thành cảng trung chuyển, khi nằm giữa trung tâm của vùng kinh tế năng động nhất nước và hơn cả là tập hợp các cơ sở hạ tầng đồng bộ của tất cả các chuyên ngành vận tải từ đường sắt, đường sông, đường biển, đường bộ. “Với việc đưa cả đường sắt quốc gia mà tương lai sẽ là đường sắt cao tốc vào trục trung tâm của cảng Long Thành là một hình thế vận hành độc đáo và hấp dẫn mà chưa sân bay nào trong khu vực ASEAN làm được”, ông Khuê nhận xét.

Tuy nhiên, với góc nhìn của một chuyên gia hàng chục năm gắn bó với hàng không, TS Lương Hoài Nam lại có cái nhìn thận trọng hơn. Theo cựu Tổng giám đốc Jetstar, bản thân các hãng hàng không của quốc gia mà yếu thì cảng không của nước đó khó có thể trở thành một cảng trung chuyển. Cho nên, ông Nam quả quyết, muốn Long Thành trở nên là cảng trung chuyển thì Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air phải trở thành hãng hàng không mạnh. Trong đó, chất lượng của hãng hàng không quốc gia phải chủ chốt, phải đạt đẳng cấp 4 sao thì mới có cơ hội cạnh tranh trung chuyển quốc tế được. Bên cạnh đó, các hãng bay nội địa như Vietjet, Jestar cũng phải nhanh chống mở rộng mạng đường bay quốc tế của mình

Đặc biệt hơn, từ lăng kính của người kinh doanh du lịch kết hợp với hàng không, ông Nam khẳng định, cảng trung chuyển hàng không phải gắn liền với kinh tế du lịch. Vị này dẫn chứng, Thái Lan, Singapore có được những cảng trung chuyển tầm cỡ thế giới bởi họ dựa trên sườn của ngành công nghiệp không khói này. Thống kê hiện nay cho thấy Việt Nam mới đón 7 triệu khách mỗi năm, chỉ bằng số lẻ của Thái Lan (27 triệu) và Singapore (17 triệu).

Khi nói về sức hút của Long Thành để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, báo cáo của chủ đầu tư cũng đã liệt kê một loạt yếu tố như đây là vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, là nơi thuận lợi cho việc chuyển tiếp, đi đến Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông… Với trong nước, đây là cơ sở trung tâm để hình thành mạng lưới giao thông khu vực phía Nam. 

tien-si-Nam-2637-1406901993-9139-1413002

Ông Lương Hoài Nam.

Thế nhưng, ông Lương Hoài Nam lưu ý: “Trung chuyển không chỉ khách quốc tế đến rồi chờ ở sân bay vài tiếng để bay tiếp mà phần đông trong số đó đều dừng chân vài ngày, nghỉ ngơi mua sắm, du lịch xong mới bay chặng tiếp theo”. Vì vậy, để Việt Nam có được một cảng trung chuyển, theo ông Nam, cần thiết phải thiết kế lại rất nhiều chính sách cho ngành du lịch để chúng ta thành một điểm đến hấp dẫn hơn và giữ khách ở lại thông qua các dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí.

Báo cáo giải trình cũng đưa ra những yếu tố nổi trội của Long Thành so với các sân bay tầm cơ trong khu vực có điều kiện mở rộng, hình thành một liên hoàn công nghiệp hàng không từ bảo trì, sửa chữa, sản xuất thiết bị… Đặc biệt, với sản lượng hành khách năm 2030 dự báo sẽ tăng gấp đôi hiện nay thì đây là khu vực có sản lượng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, các phân tích nói trên vẫn chưa thể làm yên lòng Hội đồng nghiệm thu nhà nước khi cơ quan này nhận định chưa thấy được các lợi thế cạnh tranh nổi trội và tính hấp dẫn của Long Thành trong việc trở thành cảng trung chuyển. “Báo cáo của chủ đầu tư chưa xác định được những tồn tại, thách thức của Long Thành với chức năng trung chuyển trong điều kiện các cảng hàng không quốc tế có cùng tính chất, quy mô trong khu vực đã được đầu tư hiện đại, hoạt động ổn định với chất lượng dịch vụ cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn”, cơ quan thẩm định từng không ít lần lo ngại.

Chí Hiếu


 

,