Chi tiền 'bôi trơn' để được cấp sổ đỏ

Tiêu cực trong làm sổ đỏ tại các dự án chung cư; tình trạng khai thác trái phép khoáng sản gây thiệt hại cho nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân... là những vấn đề trọng tâm được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29.9 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang.

 Chi tiền 'bôi trơn' để được cấp sổ đỏ
Không phải dự án chung cư nào người dân cũng gặp thuận lợi trong việc xin cấp sổ đỏ (ảnh minh họa không phải chung cư nêu trong bài) - Ảnh: Ngọc Thắng

Là một trong những đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng TN-MT ngay đầu phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Sỹ Cương cho biết ông nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về tình trạng phổ biến phải chi tiền "bôi trơn" để được cấp sổ đỏ, số tiền lên tới 8 triệu đồng, điển hình là tại dự án chung cư Mễ Trì Thượng, Q.Nam Từ Liêm và Hapulico, Q.Thanh Xuân.

“Thực tế có rất nhiều dự án người mua nhà đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng hàng năm nay nhưng không thấy nói gì đến việc cấp sổ đỏ. Theo người dân thì nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu. Tôi xin hỏi Bộ trưởng có biết việc này không và trách nhiệm quản lý của Bộ TN-MT trong vấn đề này như thế nào?”, ông Cương chất vấn.

“Việc cấp sổ đỏ có rất nhiều nguyên nhân chậm trễ, rồi kéo dài, rồi nhũng nhiễu, có rất nhiều nguyên nhân như chúng tôi đã nêu. Chúng tôi cho rằng trong đó có trách nhiệm của văn phòng đăng ký đất đai các địa phương, mà nhất là đối với các đô thị như Hà Nội, TP.HCM thì tình hình này khá phức tạp”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình.

Cũng theo Bộ trưởng Quang, Bộ đã cử rất nhiều đoàn xuống làm việc trực tiếp với Hà Nội, tình hình hiện nay đã được cải thiện hơn rất nhiều. “Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa vừa là hướng dẫn, vừa là tìm ra những giải pháp, đồng thời tăng cường hơn công tác thanh tra và kiểm tra trong việc thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ và liên quan đến các thủ tục hành chính.

Về nội dung chất vấn trên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng TN-MT: "Bộ trưởng đã nói tình hình chung như thế, nhưng ĐB Cương nói là cần phải quan tâm và trong vấn đề này có những biểu hiện tiêu cực mà cơ quan quản lý nhà nước phải chú ý phối hợp chặt chẽ với TP.Hà Nội, các TP lớn và các địa bàn để xử lý".

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) tiếp tục: "Rất nhiều cử tri nói rằng trong cấp sổ đỏ chung cư có rất nhiều vấn đề tiêu cực. Đoàn ĐBQH chúng tôi đã được UBND TP.Hà Nội báo cáo những chuyện đó được giải quyết về cơ bản và đã báo cáo lên Bộ. Nhưng vừa rồi, Bộ trưởng lại khẳng định có hiện tượng đó, cho nên xin Bộ trưởng cho biết thẩm định thông tin này để chúng tôi trả lời cho cử tri, cũng như có trách nhiệm lại với UBND TP".

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang hứa sẽ "trả lời rõ hơn bằng văn bản". 

Phải truy cứu hình sự cả người vi phạm cấp phép khai khoáng

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH Đỗ Văn Đương hỏi thẳng: "Xin Bộ trưởng trả lời là có sự tiếp tay, thông đồng của cán bộ có thẩm quyền cấp giấy phép đối với các đối tượng khai thác trái phép hay không? Ví dụ như lâm tặc, cát tặc, vàng tặc. Không dễ gì lấy được giấy phép, một ngày khai thác cát trên sông Hồng một tàu có thể thu được 50, 60 triệu, người dân phản ánh như vậy", ông Đương nói.

ĐB Đương cho rằng việc xử lý vi phạm khiển trách, kỷ luật, xử lý hành chính, thu hồi giấy phép là quá nhẹ. "Ăn dần hết tài sản quốc gia mà chỉ thu hồi và xử lý hành chính? Phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản, cụ thể ở đây là khoáng sản. Tới đây phải quy định thẳng trong bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 tội cấp giấy phép trái phép về khai thác tài nguyên, khoáng sản, hình phạt cao nhất đến chung thân và tử hình", ĐB Đương kiến nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận việc xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản là quá nhẹ. "Chúng tôi đồng tình với ý kiến của ĐB Đỗ Văn Đương là chúng ta cần phải có một quy định nặng hơn nữa và thậm chí phải thu hồi bằng tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất nhiên nó sẽ liên quan đến các bộ luật khác, còn trong phạm vi nghị định của Chính phủ chỉ quy định hình thức xử phạt bằng tiền là chính", Bộ trưởng Quang nói.

Nợ xấu có chiều hướng gia tăng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình thừa nhận như vậy khi trả lời các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nợ xấu, tăng trưởng tín dụng, trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm trong hoạt động của một số ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết sau 3 năm tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH), lạm phát đã kiểm soát được dưới 1 con số (năm 2012 là 6,8%, 2013 hơn 6% và 2014 khoảng 5%).

Nhờ ổn định được vĩ mô, từ chỗ hệ thống NH thiếu thanh khoản nghiêm trọng, lãi suất tăng cao, đến nay thanh khoản được đảm bảo trở lại, mặt bằng lãi suất vay được kéo về mức của năm 2006 (dao động từ 8 - 13%/năm - PV). Tương tự, nếu như trước kia thị trường vàng luôn rình rập “nổi sóng”, giới đầu cơ thao túng tỷ giá thì đến nay hai thị trường này dần đi vào ổn định. Dự trữ ngoại hối từ mức khoảng 7 tỉ USD hồi năm 2011, nay đã tăng lên 35 tỉ USD.

Với “cục máu đông” nợ xấu, ông Bình công bố, con số tuyệt đối năm 2011 là 464.000 tỉ đồng, đến nay đã xử lý được 249.000 tỉ đồng, tức tương đương 53,6%. Tăng trưởng tín dụng nếu như trước quý 2 còn tắc nghẽn thì nay đã đạt xấp xỉ gần 7%. Cuối năm hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 12 -14% để đảm bảo tăng trưởng GDP ở mức 5,8%.

Tuy nhiên, những con số “ấn tượng” đó chưa khiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yên tâm. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn: “Nợ xấu vẫn chưa được kiểm soát, đáng lo ngại sự gia tăng của nợ xấu có nguy cơ mất vốn”.  ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) hoài nghi về khả năng Công ty quản lý tài sản có thể giải quyết được nợ dù đã mua được tổng dư nợ gốc gần 56.000 tỉ đồng thời gian vừa qua, nhưng chỉ bán “nhỏ giọt” được khoảng 2,5%, tức tương đương 1.500 tỉ đồng.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận nợ xấu có chiều hướng gia tăng vào các tháng đầu trong năm 2014. Nguyên nhân, do tổng cầu vẫn còn yếu, sức khỏe doanh nghiệp còn chưa hồi phục. Kết quả giám sát của NHNN cho thấy nợ xấu là khoảng 8% tổng dư nợ, trong khi theo số liệu báo cáo từ các NH thì nợ xấu chiếm khoảng 4,11% tổng dư nợ (tương đương hơn 160.000 tỉ đồng). Sở dĩ có sự chênh lệch này là do thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại khoảng 157.000 tỉ đồng nợ xấu. Nếu không cơ cấu lại, đó là các khoản nợ tiềm năng sẽ biến thành nợ xấu.

Bốc thuốc quá liều, con bệnh cũng chết

Cho rằng nợ xấu vẫn đang có xu hướng tăng, ĐB Phùng Văn Hùng chất vấn rằng có phải NHNN bắt bệnh, kê thuốc chưa đúng đến bây giờ nợ xấu có nguy cơ quay trở lại?

Thống đốc NHNN trả lời: “Chúng ta bắt bệnh nợ xấu cũng đúng, chữa bệnh cũng trúng nhưng đôi khi liều lượng phải biết sử dụng. Cho uống nhiều con bệnh chóng khỏi, nhưng liều lượng cao quá có khi chưa chết vì bệnh đã chết vì thuốc”. Theo ông Bình, liều lượng thuốc trị nợ xấu không đủ do ngân sách nhà nước còn khó khăn. Thực tế, nếu chỉ cần chi 10% GDP thì không cần đến năm 2015, ngay lập tức có thể xử lý dứt điểm nợ xấu. Thứ hai là không thể áp dụng ngay thông lệ quá cao tiêu chuẩn nợ xấu quốc tế vào cho các NH trong nước vì điều kiện, hoàn cảnh không phù hợp.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu NHNN cần tập trung kiểm soát nợ xấu, không để phát sinh tăng thêm, tránh vòng xoáy nợ xấu quay trở lại.

Anh Vũ

Bảo Cầm


 

,