“Quận sẽ không ngưng dự án” xây mới chợ Tân Bình

“Quận sẽ không ngưng dự án” xây mới chợ Tân Bình

23/09/2014 08:16 GMT+7

TT - Đó là khẳng định của ông Lê Sơn - phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, TP.HCM - trước những phản ảnh của tiểu thương chợ Tân Bình về dự án xây chợ mới.

                          

Chiều 22-9, nhiều tiểu thương chợ Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) tụ tập thành nhóm bàn tán về việc đến giờ họ vẫn chưa biết được thông tin chính thức nào về dự án xây mới chợ Tân Bình - Ảnh: Tiến Long

Ông Sơn cho rằng chợ đã xuống cấp trầm trọng, nếu xảy ra cháy, nổ, mưa bão, sập chợ... như chợ Quảng Ngãi, Quy Nhơn thì chịu thiệt hại trước hết là bà con tiểu thương, chịu trách nhiệm là UBND quận. Nếu quận ngưng dự án thì không bao giờ có thể xúc tiến dự án được. Vì vậy, quận sẽ không ngưng dự án.

Không ưu ái cho chủ đầu tư (?)

Trả lời câu hỏi UBND quận có ưu ái gì cho Công ty Tân Quang không, khi công ty này được tham gia cùng lúc hai phần của dự án (trung tâm thương mại và chợ mới Tân Bình), ông Lê Sơn khẳng định: “Không có ưu ái gì cho Công ty Tân Quang. Họ hợp tác thực hiện dự án trung tâm thương mại cũng phải đóng tiền thuê đất theo giá thị trường cho Nhà nước. Còn phần chợ thì không có đơn vị nào tham gia đấu thầu. Công ty Tân Quang chứng minh được năng lực tài chính và kinh nghiệm nên được chọn”.

Tiểu thương đã biết dự án từ lâu?

* Trước khi thực hiện dự án, UBND quận có khảo sát ý kiến của tiểu thương không?

- UBND quận đã khảo sát ý kiến của bà con tiểu thương năm 2009.

Lúc đó, UBND quận phát phiếu khảo sát cho tất cả bà con tiểu thương, đã thu hồi được 60% số phiếu. Nhưng sau đó đơn vị chủ đầu tư rút đột ngột nên UBND quận không thu hết 100% phiếu khảo sát.

Phần lớn bà con ủng hộ chủ trương, đồng ý xây dựng lại vì chợ đã xuống cấp quá rồi. Ban quản lý chợ còn giữ phiếu khảo sát của tiểu thương.

Thật ra tiểu thương đã biết chủ trương xây dựng chợ từ năm 2006, UBND quận cũng đã khoan khảo sát địa chất.

Hơn nữa, đây là chợ do Nhà nước quản lý, khai thác, trong quá trình sử dụng đã xuống cấp nên Nhà nước có quyền cải tạo, sửa chữa.

* Tiểu thương sang quyền kinh doanh sạp giá rất cao, từ 2-8 tỉ đồng. Nếu chuyển đến chỗ mới, tiểu thương sẽ mất đi giá trị này, mất một tài sản lớn của dân? Quận có biết chuyện này không, thưa ông?

- Bà con tự thỏa thuận sang quyền kinh doanh tại sạp với nhau, UBND quận không biết và không can thiệp chuyện này.

Nếu bà con có báo và UBND quận cho phép chuyển sạp với giá cao như vậy thì mới đặt trách nhiệm của UBND quận. Đằng này tiểu thương tự thỏa thuận với nhau là chuyện của các bên thương lượng.

Ở đây, UBND quận khẳng định không thu hồi sạp của bà con, chỉ chuyển từ chợ cũ lên chợ mới thôi. Lợi thế kinh doanh được giữ nguyên.

UBND quận cam kết đủ điểm kinh doanh thuận lợi cho dân như cũ. Bà con không thiệt hại gì, chỉ thay đổi vị trí kinh doanh từ trệt lên lầu.

Điểm kinh doanh là nơi giao dịch để trưng bày hàng hóa, bà con không bán lẻ nên đưa lên tầng cao cũng không ảnh hưởng gì.

Chợ mới có đủ phương tiện như thang máy, thang cuốn, thang nâng hàng, kho... Tôi nghĩ vì hiện bà con kinh doanh ở tầng trệt nên ngại kinh doanh ở tầng cao thôi.

* Người dân thay đổi vị trí kinh doanh sẽ mất mối hàng, người mua sỉ ngại lên lầu cao để mua hàng. UBND quận có tính đến những yếu tố này không?

- Chợ Tân Bình mới tầng trệt chỉ thiết kế 600 sạp, trong khi có khoảng 2.500 sạp kinh doanh vải vóc, quần áo thì không đủ bố trí cho tất cả hàng vải ở tầng trệt.

Vì vậy, quận quyết định từ tầng 2 trở lên bố trí hàng may mặc, vải vóc và nguyên phụ liệu, còn tầng trệt bố trí các ngành hàng khác để khỏi so bì.

* Chúng tôi gặp nhiều người mua sỉ hàng đã chuyển từ chợ An Đông sang chợ Tân Bình vì vô chợ An Đông phải lên lầu cao?

- Bất kỳ sự thay đổi thói quen nào ban đầu cũng khó khăn. Thói quen của người dân là muốn buôn bán ngoài lề đường, tầng trệt chứ không lên lầu.

Nhưng hướng kinh doanh thương nghiệp văn minh là phải lên lầu. Hiện nay, ở chợ An Đông, những sạp ở tầng trên cao lại có giá đắt hơn sạp tầng dưới.

Tôi biết những thay đổi ban đầu sẽ khó khăn, có thiệt hại nhất định cho bà con trước mắt nhưng về lâu dài thì có lợi. Bà con chia sẻ với Nhà nước việc này, đừng thấy khó trước mắt rồi yêu cầu không xây lại chợ cũng không được.

* Dân bỏ tiền ra mua sạp ở chợ cũ, nay qua chợ mới phải đóng tiền để thuê sạp mới?

- Bà con có sạp rộng bao nhiêu sẽ được bố trí lại diện tích tương đương. Chẳng qua Nhà nước thu một ít tiền để... bù đắp lại một phần xây dựng mới.

Ngày xưa bà con cũng đóng tiền để cùng Nhà nước xây dựng chợ. Thời gian khấu hao sạp đã hết, giờ bà con chung tay cùng Nhà nước xây dựng chợ mới chứ.

Số tiền quận thu không phải tiền Nhà nước bán sạp mà số tiền này nhằm bù đắp phần xây dựng Nhà nước bỏ ra.

Sau khi đủ số tiền thì Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là giấy cho phép công dân kinh doanh chứ không phải giấy chứng nhận sở hữu sạp.

* Nếu tiểu thương không nhận sạp mới thì chỉ được hỗ trợ 30 triệu đồng, mức này quá thấp?

- Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/tiểu thương nếu bà con không nhận sạp mới là theo quy định của UBND TP chứ không phải tự quận đặt ra.

* Về vấn đề chợ tự phát xung quanh bốn mặt của chợ Tân Bình, tiểu thương cho rằng đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được. Việc này có đúng không, thưa ông?

- Người dân xung quanh khu vực chợ Tân Bình hiện nay có quyền kinh doanh các mặt hàng Nhà nước không cấm. UBND quận cũng đã nhận thấy việc kinh doanh của các hộ ở các tuyến đường xung quanh chợ ảnh hưởng đến tiểu thương trong chợ nên đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc lấn chiếm lòng lề đường, kiểm soát chất lượng hàng hóa...

Sau khi xây dựng chợ mới, UBND quận sẽ tham mưu UBND TP quy hoạch ngành hàng được kinh doanh tại các tuyến đường này sao cho không trùng với ngành hàng kinh doanh trong chợ.

Điểm nhấn kinh tế của quận

* Việc thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình (chợ Tân Bình mới) được lên kế hoạch từ khi nào? Căn cứ pháp lý và mục đích của dự án là gì, thưa ông?

- Sau khi chia tách quận (năm 2003), UBND quận quyết định chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập trung cho thương mại dịch vụ.

Từ đó có phương án xây dựng trung tâm thương mại và cải tạo lại chợ Tân Bình để làm điểm nhấn phát triển kinh tế của quận. Kinh tế của quận phát triển hay không phụ thuộc việc có phát triển chợ hay không.

Năm 2007, UBND quận Tân Bình xin ý kiến UBND TP và UBND TP đã quyết định giao phần đất 7.000m2 để UBND quận kêu gọi đầu tư.

Có đến 10 nhà đầu tư tìm hiểu nhưng sau khi nghiên cứu xong thì bỏ vì vốn không có, điều kiện cũng ngặt nghèo vì phải bố trí lại chỗ kinh doanh cho tiểu thương, chia lợi nhuận cho ngân sách quận. Đến nay mới mời được Công ty Tân Quang đầu tư.

* Tiểu thương cho rằng UBND quận dành vị trí đẹp cho trung tâm thương mại, còn chợ ở vị trí ít đẹp hơn. Tại sao không để chợ ở mặt tiền đường Lý thường Kiệt như hiện nay?

- Trung tâm thương mại là bộ mặt của quận nên phải đặt phía ngoài. Vị trí chợ cũng không xấu, bốn mặt tiền. Ở đây không có chuyện quận thu hẹp diện tích chợ để lấy đất cho thuê.

Hiện tại, phần đất của trung tâm thương mại thuộc quyền quản lý của UBND quận, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Tân Bình chỉ là đại diện Nhà nước trong liên doanh với Công ty Tân Quang.

Lãi được chia trong quá trình kinh doanh sẽ nộp vào ngân sách chứ không phải Công ty Dịch vụ công ích được hưởng.

D.NGỌC HÀ - DŨNG TUẤN thực hiện

 

,