Giá xăng lên cao kỷ lục đẩy CPI Hà Nội tăng mạnh nhất 5 tháng (Dân trí) - Giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục 25.640 đồng một lít RON 92 đã làm chi phí vận tải tăng. Việc siết chặt xe trở quá tải khiến các chủ xe đẩy giá vận chuyển vật liệu lên cao đã kéo theo một số mặt hàng tăng theo do chi phí vận chuyển tăng.Không có mặt hàng nào có chỉ số giá giảm so với tháng trước tại Hà Nội.
Chỉ số giá tháng này có 10 nhóm hàng tăng và 1 nhóm hàng giữ nguyên bằng tháng trước. Có 3 nhóm hàng chính làm chỉ số giá tháng này tăng là nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 0,55%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng (tăng 0,53%); nhóm giao thông (tăng 0,51%). Theo cơ quan thống kê, nguyên nhân chính do giá xăng dầu điều chỉnh tăng 2 lần vào cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy. Giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục 25.640 đồng một lít RON 92 đã làm chi phí vận tải tăng, ngoài ra, việc siết chặt xe trở quá tải khiến các chủ xe đẩy giá vận chuyển vật liệu lên cao và đã kéo theo một số mặt hàng tăng theo do chi phí vận chuyển tăng. Bên cạnh đó lượng người tăng đột biến vào kỳ thi Đại học, cao đẳng nên nhu cầu chỗ ở và ăn uống tăng, giá phòng cho thuê và một số dịch vụ khác cũng tăng trong thời điểm này. Nằm ngoài rổ tính CPI, chỉ số giá vàng trên địa bàn Hà Nội vào tháng 7 cũng đã tăng 1,97% so tháng trước và giảm 2,51% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,56% so tháng trước và tăng 0,76% so cùng kỳ. Cũng theo số liệu Cục Thống kê Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính tháng Bảy đạt gần 1.140 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước và tăng 8,9% so tháng 12/2013. Trong đó, tiền gửi tăng 3,1% và 7,6% (tiền gửi tiết kiệm tăng 0,7% và 2,2%, tiền gửi thanh toán tăng 4,9% và 11,6%), phát hành giấy tờ có giá giảm 5,5% và tăng 48,2%. Tổng dư nợ cho vay ước tính tháng Bảy gần 927 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước và giảm 2% so tháng 12/2013, trong đó dư nợ ngắn hạn giảm 1,3% và giảm 8,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 4,1% và 12,1%. Bích Diệp |
,