Bộ Tài chính: Không nên so sánh giá xăng Việt Nam với Mỹ Bộ Tài chính: Không nên so sánh giá xăng Việt Nam với MỹTrả lời báo chí sau chỉ đạo minh bạch giá thành xăng dầu của Thủ tướng, đại diện Bộ Tài chính cho rằng giá bán lẻ nhiên liệu ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực. - Thời gian gần đây, giá xăng dầu trong nước tăng liên tục. Tại sao Bộ Tài chính không giảm thuế nhập khẩu để bình ổn? - Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính: Giá xăng dầu thời gian qua được điều hành theo đúng quy định của Nghị định số 84, theo nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Và với nguyên tắc đó thì trong thời gian qua vừa có điều chỉnh tăng, vừa có giảm.
Từ đầu năm đến ngày 7/7, cơ quan quản lý có 15 lần xem xét điều chỉnh giá, nhưng thực chất chỉ có 5 lần điều chỉnh tăng, 5 lần điều chỉnh giảm, còn lại là các lần xem xét nhưng chỉ điều chỉnh mức sử dụng quỹ bình ổn và trích lợi nhuận định mức để giữ giá. Về thuế đối với xăng dầu, nếu theo barem quy định và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%. Nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tuỳ loại). Như vậy, mức này vẫn thấp hơn thuế nhập khẩu công bố của barem. - Trong cơ cấu giá xăng dầu, tỷ lệ thuế, phí trong giá ở Việt Nam là bao nhiêu và so với các nước trên thế giới thì tỷ lệ này thế nào? - Mỗi nước có các loại thuế, phí áp dụng đối với xăng dầu khác nhau, ngoài các sắc thuế chung hầu như các nước đều áp dụng các sắc thuế như nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt. Một số nước có chung đường biên giới với Việt Nam còn áp dụng thêm các loại thuế, phí đặc thù khác đối với xăng dầu, như: Trung Quốc có thêm thuế giáo dục, thuế kiến thiết; Lào có thêm phí cầu đường, phí rủi ro doanh nghiệp và chi phí hao phí; Campuchia có thêm phụ thu. Tính bình quân thì tỷ lệ thuế, phí chiếm trong giá bán xăng dầu của Việt Nam thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới hoặc nước có điều kiện tương đồng. Cụ thể với mặt hàng xăng, tỷ lệ thuế chiếm 32% giá bán, thấp hơn so với mức trên 36% của Lào, gần 36% của Thái Lan và xấp xỉ 34% của Trung Quốc. Vì vậy, giá bán lẻ xăng (RON 92) của Việt Nam cũng thấp hơn các nước đó. Đối với dầu diezen, tỷ lệ thuế ở Việt Nam chỉ chiếm có 21% trong giá bán nên giá cũng thấp hơn các nước này. Như vậy, có thể thấy giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới mà một trong các nguyên nhân là do trong cơ cấu giá, tỷ lệ thuế, phí bình quân thấp hơn. Nay nếu lại điều chỉnh giảm thuế thì sẽ lại phát sinh tình trạng buôn lậu như đã từng xảy ra. - Có ý kiến cho rằng giá xăng dầu ở Việt Nam cao hơn so với Mỹ khoảng trên dưới 4.000 đồng . Ông bình luận gì về sự so sánh này? - Đúng là giá xăng dầu ở Mỹ thấp hơn Việt Nam nhưng để so sánh, cần phải xem xét nhiều yếu tố và những đặc thù khác nhau chứ không chỉ đơn thuần về mức giá. Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên và xã hội, Mỹ là nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn và ngành lọc hoá dầu phát triển rất mạnh nên là nước xuất khẩu xăng dầu thành phẩm lớn. Đồng thời, cũng là nước có dự trữ xăng dầu lớn nhất thế giới trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu. Thứ hai, về căn cứ xác định mức giá cũng khác biệt. Cụ thể như giá xăng dầu ở Mỹ thay đổi từng ngày, thậm chí theo giờ như giá buổi sáng có thể khác buổi chiều. Trong khi Việt Nam là tính bình quân 30 ngày (của dự trữ lưu thông xăng dầu) và thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá chỉ được thực hiện tối thiểu là 10 ngày đối với trường hợp tăng giá. Hơn nữa, cơ cấu và mức giá xăng dầu giữa các bang của nước Mỹ cũng rất khác nhau. Cụ thể như tại thời điểm ngày 14/7, giá xăng dầu tại các bang quy đổi theo đơn vị lít và tính theo tiền đồng tương đương như sau: Califonia là 23.196 đồng một lít, Washington chỉ 22.447 đồng và New York là 21.880 đồng.... Như vậy, không thể và không nên chỉ so sánh đơn thuần về mức giá bán xăng dầu của Việt Nam với một số nước đặc thù khác như Mỹ. Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng, người dân ở một số nước Châu Phi dù có thu nhập thấp hơn ở Việt Nam nhiều thì cũng không nên so sánh giá gạo ở nước họ với giá gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. - Với sự biến động giá xăng dầu thế giới như hiện nay, xin ông cho biết định hướng điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu trong thời gian tới như thế nào? - Thời gian tới, việc điều hành đối với thuế nhập khẩu xăng dầu cũng cần đảm bảo theo định hướng chung về điều hành giá mặt hàng này. Thứ nhất, việc điều hành sẽ kiên định theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thứ hai, để bảo đảm định hướng như nêu trên thì thuế nhập khẩu xăng dầu cần tiếp tục giữ ổn định. Ngoài việc tránh buôn lậu sang các nước có giá bán thấp hơn, còn để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng có sự chủ động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Kỳ Duyên |
,