Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm27/06/2014 16:57 (GMT + 7) TTO - Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm kéo dài từ năm 2010, thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm ngày càng gia tăng, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên, tiền lương thực tế của lao động trên đà giảm sút. Đó là một phần nội dung mà ông Nguyễn Trí Dũng, thành viên nhóm tư vấn chính sách vĩ mô Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trao đổi với Tuổi Trẻ nhân việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chính thức công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế: chìa khóa cho tái cơ cấu” diễn ra hôm 26-6. Báo cáo nhằm đánh giá những diễn biến kinh tế vĩ mô và chính sách của năm 2013, qua đó chỉ ra một số điểm nghẽn về mặt thể chế đang cản trở quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Ông Dũng nói: "Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam chỉ tăng 5,42% so với năm 2012, cao hơn mức 5,25% năm 2012 nhưng thấp hơn mục tiêu 5,5%. Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm kéo dài từ năm 2010, thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm ngày càng gia tăng, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên, tiền lương thực tế của lao động trên đà giảm sút". Lạm phát thấp chưa hẳn đã mừng * Tuy nhiên năm 2013 lạm phát giảm mạnh, đây là điều đáng ghi nhận. Đánh giá chung của báo cáo năm nay thế nào? - Chúng tôi đánh giá cao những kết quả đạt được. Nhưng bên cạnh đó không phải không còn những yếu tố cần lưu ý. Lạm phát năm 2013 giảm sâu và ổn định ở mức 6,04%. Nếu đánh giá từ các nhóm hàng, yếu tố chủ yếu làm mức lạm phát thấp là giá lương thực và giá hàng hóa cơ bản trên thế giới giảm mạnh so với các năm trước. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng trong hai năm qua song lạm phát vẫn có xu hướng giảm thấp, cho thấy tổng cầu của nền kinh tế suy giảm và phản ứng yếu ớt đối với các chính sách mở rộng, chủ yếu do chi tiêu tư nhân giảm sút trong khi các doanh nghiệp không có động lực đầu tư do thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn. Về khu vực sản xuất của nền kinh tế cũng không có dấu hiệu cải thiện tích cực do chúng ta chưa thực hiện các chính sách cải cách về phía cung quyết liệt và hiệu quả, trong đó có chính sách tái cơ cấu, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghệ… Thực tế, báo cáo của chúng tôi nhận định nền kinh tế kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, nhưng đổi lại là tăng trưởng sản lượng vẫn suy giảm, khu vực sản xuất trì trệ, thiếu động lực phát triển và bị thu hẹp, lao động thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, thu nhập và đời sống thực tế của đa số người dân giảm… * Ông nói cung và cầu của nền kinh tế chưa tích cực, nhưng thu thuế của Nhà nước năm 2013 vẫn đạt kế hoạch, ở mức khá cao? - Thực tế thu ngân sách nhà nước (NSNN) ở VN vẫn tiếp tục dựa phần lớn vào các nguồn thu không bền vững như thu từ dầu thô, giao quyền sử dụng đất, từ việc bán các tài sản sở hữu nhà nước đã chiếm khoảng 25% tổng thu NSNN. Các nguồn thu khác (thu từ khu vực doanh nghiệp, xuất nhập khẩu) suy giảm do chính sách thuế thay đổi và cam kết cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại. Việc thúc ép thu nợ thuế và nghĩa vụ tài chính khác trong khi nguồn thu không có thực tất yếu ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp năm 2014. Trong khi đó, chi ngân sách có một số vấn đề đáng quan tâm: chi trả nợ (cả lãi và gốc) trong tổng chi ngân sách đang gia tăng, chi thường xuyên cho bộ máy đã lớn hơn tổng thu thuế và phí của Nhà nước... * Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đưa ra nhiều nhận định khác với những điều có thể rút ra từ các số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê? - Đây là nghiên cứu độc lập của nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (MAG) nhằm cung cấp đến các đại biểu Quốc hội, những người quan tâm một cái nhìn khách quan về nền kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển chung của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi đã nhận ra những vấn đề về các con số thống kê trong nhiều năm qua nên năm nay, báo cáo có một chương riêng nói về thống kê. Chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế cũng như số liệu thống kê có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng và sự hợp lý của các chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ đưa ra cũng như chất lượng công tác thẩm tra, giám sát, dự báo tình hình, yêu cầu hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng theo năm tiêu chí đánh giá chất lượng công tác thống kê là bao quát, kịp thời, nhất quán, minh bạch và chính xác thì thống kê Việt Nam còn nhiều tồn tại. Vì vậy nhóm nghiên cứu đề nghị việc sửa đổi Luật thống kê trong thời gian tới cần đảm bảo hướng tới tính minh bạch, trung thực và khoa học của số liệu thống kê. Cơ quan thống kê cần có tính độc lập tương đối với Chính phủ, có thể thành lập một hội đồng chuyên môn độc lập, hoạt động theo các quy định của pháp luật và đặt dưới sự giám sát trực tiếp của một cơ quan chuyên môn của Quốc hội và Quốc hội. Đổi mới thể chế - chìa khóa cho tái cơ cấu kinh tế * Vậy báo cáo của Ủy ban Kinh tế đề xuất gì, chúng ta nên bắt đầu từ đâu để nền kinh tế VN thật sự mạnh lên? - Những diễn biến kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế chưa có những thay đổi căn bản về nền tảng tăng trưởng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa có tiến triển đáng kể và nền kinh tế mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu trong ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ bất ổn, động lực tăng trưởng suy yếu. Vì vậy một trong những giải pháp hàng đầu vẫn phải là tư duy dài hạn, tiến hành thực chất những chính sách như tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cần lộ trình cụ thể cho những việc quan trọng này. Một trong những nguyên nhân căn bản là do điều kiện tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế là đổi mới tư duy và thể chế vẫn chưa được công phá quyết liệt. Theo đó, nhiều điểm nghẽn thể chế đang hằng ngày cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường phổ quát và khách quan cần được tôn trọng, làm méo mó thị trường và phân bổ nguồn lực. Những điểm nghẽn quan trọng có thể kể đến là vấn đề quản trị DNNN và còn duy trì ở diện rộng DNNN, phân cấp phân quyền đi đôi với ràng buộc trách nhiệm chưa đúng mức trong quản lý đầu tư công. Nếu tính ngân sách nhà nước phân cho địa phương, bao gồm cả phần hỗ trợ có mục tiêu, thì tỉ trọng vốn đầu tư công do địa phương quản lý đã lên tới 70%. Chúng ta cần ưu tiên thực hiện một số định hướng chính nhằm tăng cường hiệu quả công tác phân cấp quản lý đầu tư công. * Nghĩa là cải cách DNNN vẫn là một trong những yêu cầu cần VN thực hiện để phát triển? - Đúng. Là một trong những yêu cầu quan trọng nhất. Phân tích của anh Vũ Thành Tự Anh ở chương 6 chỉ ra rằng có sự đáng tiếc là ở VN, những cải cách thể chế đáng kể nhất đều thuộc về giai đoạn “tiền WTO”, còn trong giai đoạn “hậu WTO” thì gần như ít có cải thiện, thậm chí một số khía cạnh còn thụt lùi. Nói cách khác, trước WTO, cải cách thể chế đi trước trình độ hội nhập của nền kinh tế, còn sau WTO mối quan hệ này bị đảo ngược lại. Có thể thấy các chương phân tích các vấn đề kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng tựu trung chúng ta có thể thấy để xử lý những vấn đề đó phải từ cải cách thể chế một cách quyết liệt. Những điểm nghẽn về thể chế nếu được giải quyết có thể coi là chìa khóa quan trọng để tạo điều kiện phân bổ và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. C.V.KÌNH - L.THANH |
,