Doanh nghiệp kiến nghị lương tối thiểu 2015 chỉ tăng dưới 12%

Doanh nghiệp kiến nghị lương tối thiểu 2015 chỉ tăng dưới 12%

Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động cho rằng nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 trên cơ sở mục tiêu GDP và lạm phát.

Là năm thứ hai Hội đồng Tiền lương Quốc gia đi vào hoạt động, mức tăng lương tối thiểu 2015 sẽ được xây dựng sự thống nhất của đại diện giới chủ sử dụng lao động, người lao động và Chính phủ. Giới chủ sử dụng lao động đang thảo luận các phương án đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2015 sẽ không quá 12%.

Đây là một trong những nội dung tại cuộc hội thảo “Đề xuất của người sử dụng lao động về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa tổ chức. Hội thảo còn có sự tham gia của Hợp tác xã Việt Nam (VCA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)…

lao-dong1-JPG-4555-1402142001.jpg

Ngành giày da, dệt may... sẽ ảnh hưởng nhiều nhất khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu.Ảnh: Ngọc Tuyên

Theo VCCI, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2010-2011 nhưng đến năm 2012 lại cao gấp tới 3 lần.

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng Lao động, cho rằng việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015 cần được cân nhắc ở mức phù hợp, vừa đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, năm tới sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, nếu mức tăng lương tối thiểu cao thì các doanh nghiệp sẽ siết chặt việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự.

Cũng theo ông Huy, trong quá trình lấy ý kiến các doanh nghiệp về đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2015, một số đơn vị đang gặp nhiều khó khăn đề nghị tạm dừng việc tăng lương. Một số khác có cho rằng mức tăng nên thấp hơn của năm 2014, chỉ dưới 12% để tạo điều kiện củng cố thêm việc làm bền vững cho người lao động.

VCCI còn cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng mạnh nhất tới các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giầy và thủy sản. Riêng ngành dệt may hiện sử dụng trên 2,5 triệu lao động, trong đó 80-85% là lao động nữ.

“Mức độ tăng lương tối thiểu sẽ tác động rất lớn tới mức tăng của các loại phụ cấp và các khoản chế độ chính sách liên quan do đó khi tăng lương tối thiểu thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động tăng thêm hơn 17%”, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng Lao động khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Huyền Lê, Trưởng phòng sử dụng lao động, Viện Lao động xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), kết quả nghiên cứu của cơ quan này cho thấy, nếu tăng lương tối thiểu từ 10-24% sẽ làm tăng chi phí tiền lương doanh nghiệp từ 17-29% trong ngành da giày, chi phí đầu vào những ngành khác tăng khoảng 7-8%... Điều đó có thể khiến 85% doanh nghiệp Việt Nam và 30% ở nhóm FDI không đạt được năng suất sẽ gặp khó khăn.

“Như vậy sẽ làm thu hẹp sản xuất và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh doanh nghiệp”, bà Lê cho hay.

Ông Phillip Hazelton, Cố vấn trưởng Dự án Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam cho rằng, việc thảo luận, đàm phán mức tăng lương cần tập trung vào nhu cầu của người lao động và các yếu tố kinh tế như khả năng chi trả của doanh nghiệp và tính cạnh tranh.

“Chúng tôi kêu gọi những đề xuất về phương án điều chỉnh lương tối thiểu của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn phải dựa trên những số liệu thống kê đáng tin cậy và những phân tích dữ liệu chính xác, tính đến cả các tiêu thức xã hội và kinh tế,” ông Hazelton cho biết thêm.

Ngọc Tuyên


 

,