Căn hộ cao cấp chuyển mình

Dòng tiền từ nhu cầu để ở, để đầu tư, để đón đầu cơ hội kinh tế phục hồi khiến thanh khoản ở phân khúc bất động sản cao cấp tăng mạnh.

Căn hộ cao cấp chuyển mình

Bất động sản phân khúc cao cấp đang chuyển mình tích cực - Ảnh: Lê Quân

Giá tăng trở lại

Thị trường phân khúc cao cấp tại Hà Nội chứng kiến cuộc ngược dòng ngoạn mục của dự án Times City (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Tập đoàn Vingroup đầu tư, nhiều người bán đi trước đó đang phải mua lại căn hộ với giá không dưới 35 - 40 triệu đồng/m2. Theo Vingroup, đến nay giai đoạn 1 của dự án Times City đã hoàn thiện và bán hết hàng. Giai đoạn 2 của dự án đang được rốt ráo triển khai, dù chưa chính thức mở bán nhưng theo giới nhà đất hiện đã có khá nhiều người quan tâm và khả năng sẽ trở thành cơn sốt mới trên thị trường. Theo phân tích của một môi giới có thâm niên, sức hút của dự án này là vị trí đẹp, sở hữu hệ thống hạ tầng đồng bộ và đặc biệt là các dịch vụ, tiện ích khép kín đã được hoàn thiện như Bệnh viện Vinmec, trường học Vinschool, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí... Không ít các khách thuê nhà tại Times City, sau một thời gian sinh sống, sử dụng dịch vụ và tận hưởng các tiện ích tại dự án, đã quyết định mua nhà tại đây.

 

Những đô thị lớn, hiện đại như Hà Nội, TP.HCM cần có những dự án hạng sang để đáp ứng nhu cầu đầu tư, ở của những người có tiền, từ đó góp phần làm cho bộ mặt đô thị hiện đại hơn

TS Đinh Thế Hiển

Các dự án khác cũng mở bán với tốc độ bán hàng tốt như Thăng Long Number One (Q.Thanh Xuân) của Tổng công ty Viglacera, Diamond Flower Tower (Q.Thanh Xuân) của Công ty Handico 6, Star City trên đường Lê Văn Lương của Ocean Group... với giá trên 30 triệu đồng/m2 đang có tốc độ bán hàng khá tốt.

Ghi nhận thực tế thị trường TP.HCM cũng cho thấy, tại nhiều dự án sức mua đã tăng mạnh trở lại. Mới đây, Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng phát đi thông báo cho biết trong tổng số 262 căn hộ, với mức giá thấp nhất từ 31 triệu đồng/m2 tại dự án Green Valley hồi cuối tháng 3.2014 đến nay, khoảng 80% căn hộ đã có khách đặt mua. Thậm chí, có những dự án giá trị căn nhà lên đến hàng triệu USD tiến độ cũng bán khá tốt. Như dự án lâu đài Chateau có mức giá từ 22 - 72 tỉ đồng/căn (khoảng 80 - 100 triệu đồng/m2) mở bán hồi tháng 5.2012 đến nay đã bán gần hết 103 căn. Trong 2.200 căn tại dự án Sunrise City (Q.7) với giá từ 27 - 45 triệu đồng/m2 đã bán được gần 1.600 căn hộ.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland Phan Thành Huy, lý do khiến phân khúc căn hộ cao cấp khởi sắc trở lại đầu tiên là tiến độ thanh toán linh hoạt, ưu đãi lãi suất, hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Với Sunrise City, trong 2 năm đầu, chủ đầu tư cam kết thuê lại căn hộ với mức giá từ 16 - 30 triệu đồng/căn hộ/tháng. Đây cũng là cách mà nhiều chủ đầu tư đang thực hiện để hỗ trợ khách hàng ở phân khúc căn hộ cao cấp. Tại dự án căn hộ cao cấp Him Lam Riverside của Công ty Him Lam Land đang chào bán với giá bán từ 30 triệu đồng/m2, nếu khách hàng không có nhu cầu sử dụng, chủ đầu tư cam kết thuê lại với giá từ 16 - 24 triệu đồng/căn hộ/tháng.

Theo báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường, hiện giá thuê bình quân của các dự án căn hộ dịch vụ hạng A ở khu vực trung tâm TP.HCM là 32 USD/m2 một tháng, tỷ lệ trống ở phân khúc này chỉ 14%. Có thể thấy, lợi nhuận từ kênh mua nhà cho thuê nhiều hơn nhiều so với gửi ngân hàng nên đã hấp dẫn nhiều người có tiền bỏ vốn vào đây.

Lợi thế dòng tiền

Nhận xét về sự ấm lên của phân khúc bất động sản (BĐS) cao cấp, TS Đinh Thế Hiển cho rằng phân khúc này có đối tượng khách hàng riêng. Điểm vượt trội của phân khúc này là dòng tiền, khách hàng có khả năng thanh toán tốt. "Những đô thị lớn, hiện đại như Hà Nội, TP.HCM cần có những dự án hạng sang để đáp ứng nhu cầu đầu tư, ở của những người có tiền, từ đó góp phần làm cho bộ mặt đô thị hiện đại hơn"- ông Hiển nói.

Theo Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam Richard Leech, thị trường BĐS từ khoảng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 đã có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt là những dự án cao cấp ở khu vực trung tâm các TP có chất lượng tốt đều giữ giá, lượng giao dịch rất tốt. Khi thị trường có dấu hiệu phục hồi như hiện nay, theo đà đó, lượng giao dịch tại những dự án này đang tăng lên rất mạnh. Nhu cầu sở hữu BĐS cao cấp của giới người Việt có tiền vẫn rất cao, tiềm năng vẫn còn nhiều.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đánh giá thị trường BĐS cao cấp đã có những bước chuyển mình khá rõ. Đặc biệt, chính sách cho Việt kiều, người nước ngoài được sở hữu, mua bán nhà ở trong nước dù chưa được ban hành nhưng đã có tác động tích cực đến phân khúc cao cấp. “Mỗi năm, lượng kiều hối đổ về nước khá lớn. Việt kiều hay người nước ngoài khi đầu tư về nước cũng quan tâm đến phân khúc cao cấp nhiều nhất. Đây là nguyên nhân khiến các chủ đầu tư bắt đầu rục rịch khởi động dự án trở lại để đón đầu chính sách này”, ông Thành nói. Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng theo ông Thành, cũng đã có bước chuyển đổi từ "chết lâm sàng" sang chuẩn bị, chờ đợi thời cơ.

TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhận định nhiều dự án BĐS cao cấp đang có những bước chuẩn bị để đón đầu những chính sách mới, cụ thể là chính sách mở cửa cho Việt kiều, người nước ngoài vào tham gia thị trường. Ông Liêm cho rằng thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp đang rất cần những chính sách thoáng để tăng cầu, khơi thông lượng tồn kho đang chủ yếu nằm ở phân khúc này.

Đình Sơn - Lê Quân


 

,