Để doanh nghiệp lỗ, không chỉ miễn nhiệm tổng giám đốc là xong Để doanh nghiệp lỗ, không chỉ miễn nhiệm tổng giám đốc là xongLần đầu tiên, Tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước bị miễn nhiệm do để thua lỗ hai năm liên tiếp. Việc xử lý này, theo các chuyên gia kinh tế, cần được mở rộng và quyết liệt hơn nữa nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này.Có thể sẽ thay thế Chủ tịch HĐQT nếu VN STEEL tiếp tục thua lỗ trong năm 2014
Tổng giám đốc về làm chuyên viên
Ngày 20/4 vừa qua, Bộ Công thương đã ra quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Phú Hưng - Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) do Công ty mẹ VNSTEEL kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong hai năm 2012 và 2013, khoản lỗ lần lượt là 538 tỷ đồng và xấp xỉ 290 tỷ đồng.
Hiệu quả kinh doanh kém là nguyên nhân chính khiến VNSTEEL không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, năm 2011, sau khi tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), đã có bốn nhà sản xuất thép lớn của nước ngoài muốn trở thành cổ đông chiến lược của VNSTEEL, song đã rút lui. Đây cũng là thời điểm ông Hưng được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc VNSTEEL (từ 1/3/2011) và chính thức nhận nhiệm vụ từ ngày 1/10/2011.
Rời cương vị Tổng giám đốc VNSTEEL, ông Hưng được điều động về làm chuyên viên tại Vụ Phát triển nguồn nhân lực của Bộ Công thương. Người thay thế ông Hưng từ ngày 21/4 là ông Nghiêm Xuân Đa - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc VNSTEEL (được bổ nhiệm có thời hạn). Theo kế hoạch kinh doanh năm 2014, VNSTEEL đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 12.702 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp xấp xỉ 36 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là trường hợp đầu tiên, tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bị miễn nhiệm do để doanh nghiệp thua lỗ hai năm liên tiếp. Cơ quan chủ quản cũng thể hiện sự cương quyết với lãnh đạo VNSTEEL khi công bố, năm 2014, nếu VNSTEEL tiếp tục thua lỗ, Bộ sẽ xem xét trách nhiệm theo hướng có thể thay thế Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp.
Trước đó, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn khác thuộc Bộ Công thương cũng bị xử lý, đó là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng và Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh. Tuy nhiên, ông Đào Văn Hưng - đã phải nhận kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và bãi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT - ngoài nguyên nhân để EVN thua lỗ (năm 2011 và 2012 lỗ lần lượt 3.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng) còn gây ra một số hậu quả nghiêm trọng khác. Ông Phạm Lê Thanh, nhận hình thức kỉ luật là khiển trách, song vẫn tại vị Tổng giám đốc. Do vậy, có thể nói, ông Lê Phú Hưng gần như là lãnh đạo DNNN đầu tiên bị miễn nhiệm do để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hai năm liên tiếp.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN cũng đã phải nhận hình thức kỷ luật vì làm ăn thua lỗ
Thua lỗ nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc VNSTEEL là việc làm cần thiết trong chuyển đổi cách thức quản lý nhằm cải thiện, nâng cao năng lực quản trị DNNN.
Thực tế cho thấy, hoạt động của khối DNNN còn tồn tại nhiều yếu kém, thể hiện như: Tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản cũng như trên vốn chủ sở hữu thấp; Hệ số sử dụng vốn (ICOR) cao; Nợ/vốn lớn... mà một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là tính chất “cha chung không ai khóc” cả về đồng vốn lẫn trách nhiệm khi để xảy ra yếu kém, sai phạm.
Trên thực tế, ngoài VNSTEEL, còn nhiều doanh nghiệp hoạt động yếu kém, trong thời gian dài, song người đứng đầu doanh nghiệp vẫn tại vị. Đơn cử Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), tính đến cuối năm 2013, có tới 19/44 doanh nghiệp trực thuộc thua lỗ, trong số này nhiều trường hợp thua lỗ hai năm liên tục với khoản lỗ từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng, chưa kể nhiều khoản nợ khó đòi cũng tới vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay vẫn đang yêu cầu lãnh đạo Vinafood 2 giải trình.
Báo cáo về tình hình tài chính các DNNN của Chính phủ với Quốc hội cho thấy, tính đến hết năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới gần 49.000 tỷ đồng, trong đó EVN “đóng góp” tới 78% số lỗ này. Một số doanh nghiệp lỗ còn “ăn mòn” vốn, như Tổng công ty Dâu tằm tơ, vốn chủ sở hữu âm 281 tỷ đồng; ngoài ra còn nhiều khoản nợ khó đòi hàng trăm tỷ đồng...
“Miễn nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ được cho là một động thái kiên quyết, song cũng vẫn chưa triệt để”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sĩ Kiêm nhận định. Theo ông Kiêm, các bộ, ngành chủ quản cùng các cơ quan có trách nhiệm vẫn phải tiếp tục làm rõ nguyên nhân gây ra thua lỗ, yếu kém trong hiệu quả hoạt động tại DNNN, trên cơ sở đó quy trách nhiệm, xử lý nghiêm minh với người đứng đầu, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Theo Thảo Nguyên Báo Giao thông Vận tải |
,