ADB nghi ngại về gói tín dụng bất động sản 50.000 tỷ đồng

ADB nghi ngại về gói tín dụng bất động sản 50.000 tỷ đồng

Chuyên gia của ADB cho rằng việc kiến thiết chương trình cho vay bất động sản trị giá 50.000 tỷ đồng là khá tham vọng và khó giải ngân nhanh.

Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vừa công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực xây dựng thông qua chuỗi liên kết ngân hàng, nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà thầu, chủ đầu tư. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của VnExpress.net, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng gói tín dụng này khá tham vọng.

Theo vị này, năm 2013, Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng, nhưng đến tháng 2/2014 tỷ lệ giải ngân của gói này mới là 4%. Do vậy, để giải ngân cao gói 50.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn là điều thách thức.

bat-dong-san-3995-1396343832.jpg

Chuyên gia ADB cho rằng để giải ngân nhanh gói 50.000 tỷ đồng là một thách thức lớn.  Ảnh: Hữu Công

Bên cạnh đó, ADB cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng bất động sản. "Vấn đề chính nằm ở phía cầu chứ không phải phần cung, bởi ngân hàng khó xác định được những khoản vay tốt và quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế. Những điều này đã kìm giữ tăng trưởng tín dụng", ông Mellor cho hay.

Giải quyết nợ xấu cũng là vấn đề các chuyên gia ADB quan tâm. Giám đốc ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho rằng kinh tế sẽ chuyển biến tích cực nếu nợ xấu của hệ thống ngân hàng được giải quyết triệt để, một phần thông qua quá trình mua nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Tuy nhiên, thách thức mà VAMC đang phải đối mặt là năng lực tài chính còn quá hạn chế, khi mà dự kiến mua tới 4,8 tỷ USD nợ xấu từ các ngân hàng trong năm 2014.

VAMC đang phải tiến hành các hoạt động tái cơ cấu nợ phức tạp và thực thi nhiệm vụ với số vốn ban đầu ít ỏi 24 triệu USD (khoảng 500 tỷ đồng), báo cáo của ADB cho biết. Và theo ông Mellor, con số này là "chưa đủ".

Trả lời báo chí đầu năm nay, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch VAMC cũng nhận định vốn điều lệ 500 tỷ đồng là không đủ để thu mua nợ xấu hoặc bảo lãnh tài sản thế chấp. Do vậy, cơ quan này đề xuất xin tăng vốn điều lệ lên khoảng 2.000 tỷ đồng (khoảng 95 triệu USD) nhưng chưa được thông qua.

Ngoài ra, việc thực thi Thông tư 02 một lần nữa bị trì hoãn sang năm 2015 và không yêu cầu cao như dự định ban đầu sẽ ảnh hưởng đến những yêu cầu phân loại nợ dựa trên các dữ liệu từ trung tâm thông tin tín dụng và các ngân hàng có thể lợi dụng dư địa khi văn bản này chưa có hiệu lực để tiếp tục "né nợ xấu", chuyên gia của ADB nhận xét.

"Việc thực hiện Thông tư 02 sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về tiêu chuẩn phân loại nợ của Việt Nam với quốc tế, nếu càng trì hoãn thi hành thì rủi ro càng cao", ông Mellor nhấn mạnh. Song, vị này cũng thừa nhận không thể trong một sớm một chiều có thể thay đổi thông lệ kế toán tại Việt Nam, do vậy cần đặt ra những chỉ tiêu cục thể và lộ trình thực hiện.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần thực hiên tốt việc giám sát tại chỗ để đảm bảo các ngân hàng thương mại không vượt quá giới hạn. "Mục đích của ngân hàng thương mại là tạo lợi nhuận và họ luôn có động cơ đẩy các giới hạn đi quá xa, do vậy Ngân hàng Nhà nước không thể giả định các ngân hàng đang hoạt động tốt mà cần có hệ thống giám sát hiệu quả", vị này nói

Liên quan đến việc gọi vốn ngoại để tái cơ cấu các ngân hàng trong nước, ông Mellor đánh giá việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% là đúng hướng. Trước mắt, ông tán đồng với quyết định của Chính phủ là sẽ giữ trần ở 30%, song trong tương lai, vị này cho rằng cần phải nới lỏng hơn nữa. "Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý muốn tham gia nhiều hơn vào ngân hàng Việt Nam, song họ sẽ khó trở thành nhà đầu tư chiến lược nếu lượng cổ phần nắm giữ còn quá thấp", vị này cho hay.

Nhận định về giá của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng một số dự án bị đội giá so với ban đầu, chủ yếu do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. "Giải phóng mặt bằng ở Việt Nam kéo dài và rất lâu. Trước đây, lạm phát của Việt Nam cũng ở mức cao, do vậy nếu bị trì hoãn 1-2 năm thì chi phí sẽ bị đội lên nhiều", ông Kimura cho biết.

Về việc quản lý sử dụng vốn ODA, vị này khẳng định sẽ yêu cầu các đối tác phải tuân thủ sự minh bạch nhằm bảo vệ nhà đầu tư, bởi trong các dự án ODA sẽ có nhiều chương trình đấu thầu mua sắm.

Phương Linh


 

,