Cẩn trọng với sáp nhập ngân hàng Báo chí đưa tin về một vụ sáp nhập ngân hàng sẽ xảy ra, ngoài một số đã sáp nhập trong thời gian qua. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là công việc quan trọng. Xóa sổ các ngân hàng yếu kém là kết cục của việc tái cơ cấu hệ thống đó.Sáp nhập không phải là cách hay nhất để tái cơ cấu ngân hàng.
Cách hay nhất, nhưng “đau đớn” nhất là bắt các ngân hàng yếu thanh lý theo thủ tục phá sản và rút giấy phép của chúng. Một cách khác là cho sáp nhập. Ngân hàng bị xóa sổ như vậy bị sáp nhập vào một ngân hàng khác. Đây là cách làm được ưa chuộng ở Việt Nam thay cho cách để ngân hàng bị sáp nhập làm thủ tục thanh lý phá sản. Tuy nhiên, cách này cũng tiềm ẩn một số rủi ro không nhỏ. Số ngân hàng thương mại cổ phần đô thị trước cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998 là khoảng 30. Sau khủng hoảng một loạt ngân hàng thương mại cổ phần bị xóa sổ và số ngân hàng thương mại cổ phần còn hoạt động đã giảm xuống 20 cho đến 2002. Từ 2003 và nhất là từ 2006 đã có chủ trương “tái sinh” một số ngân hàng đã chết, lập các ngân hàng mới hoặc nâng cấp một số ngân hàng nông thôn với quy mô nhỏ ở địa phương thành ngân hàng đô thị với quy mô hoạt động toàn quốc.
Vì thế, đến 2008 đã có tổng cộng 35 ngân hàng thương mại tư nhân hoạt động. Nghị định số 141 ban hành cuối 2006 quy định các ngân hàng phải tăng vốn quá nhanh trong thời gian quá ngắn (từ mức tối thiểu 70 tỉ đồng lên 3.000 tỉ đồng). Và đến 15.6.2012 vốn đăng ký của các ngân hàng thương mại tư nhân đã tăng 45 lần so với 1998. Việc tăng số lượng và buộc tăng vốn quá nhanh là nguyên nhân chính gây ra sở hữu chéo, vốn ảo và những bất ổn hiện nay của hệ thống ngân hàng.
Sáp nhập các ngân hàng yếu lại với nhau sẽ tạo ra một ngân hàng to hơn nhưng chắc chắn rất yếu và đấy là cách “tái cơ cấu” hết sức nguy hiểm vì chẳng giải quyết được gì cả, còn rủi ro hệ thống thì tăng cao. Không mấy ai cho phép việc làm ngớ ngẩn như vậy, nhưng bản thân các ngân hàng yếu lại có động cơ để làm vậy.
Thường ngân hàng đi sáp nhập là ngân hàng mạnh hơn. Nếu ngân hàng đó không thực sự mạnh thì rất có thể bị chết theo.
Nếu để ngân hàng yếu bị thanh lý và ngân hàng mạnh mua lại (toàn bộ hay một phần) tài sản của nó, thì ngân hàng mạnh không phải ôm đống tài sản xấu của ngân hàng kia (các ông chủ của nó và những người cho nó vay bị thiệt đầu tiên hay mất sạch) nên ngân hàng đó về cơ bản vẫn lành mạnh như trước.
Ngược lại nếu ngân hàng mạnh sáp nhập ngân hàng yếu (tức là ôm mọi tài sản của ngân hàng yếu) thì tất cả các khoản nợ xấu vẫn còn nguyên, tuy tỉ lệ nợ xấu (so với của ngân hàng yếu) có thể giảm, nhưng chắc chắn tăng (so với trước khi sáp nhập). Nói cách khác khả năng xử lý nợ xấu có thể cao hơn song bản thân khối nợ xấu không thay đổi.
Cách sáp nhập cũng có thể không giải quyết được vấn đề sở hữu chéo và vốn ảo (hai vấn đề cốt tử phải giải quyết khi tái cơ cấu hệ thống bên cạnh xử lý nợ xấu). Ngân hàng sáp nhập có thể vin cớ vốn điều lệ của nó lớn (bằng tổng của vốn điều lệ của các ngân hàng tham gia sáp nhập), trong khi vốn ảo không được giải quyết, tức là vốn trên giấy đăng ký thấp hơn vốn thực, làm cho tỉ lệ đòn bẩy thực (số tiền nó huy động/vốn riêng) có thể cao hơn tỉ lệ đòn bẩy được báo cáo rất nhiều, gây ra rủi ro nghiêm trọng. Ngoài ra, việc sáp nhập có thể tạo điều kiện cho một số người thâu tóm, lũng đoạn.
Như thế sáp nhập không phải là cách hay nhất để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và vấn đề nan giải nếu không thận trọng sẽ gây ra những vấn đề khó cho tương lai.
Theo Mai Quang Hòa Lao động |
,