Chủ đầu tư bắt tay tư vấn, nâng giá công trình gấp 2-3 lần
Thứ tư, 12/3/2014 18:35 GMT+7

Chủ đầu tư bắt tay tư vấn, nâng giá công trình gấp 2-3 lần

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho rằng trong bối cảnh khó khăn, nhiều đơn vị tư vấn không còn giữ được quan điểm độc lập, mà bắt tay với chủ đầu tư, ban quản lý gây thất thoát vốn.

Tại Hội nghị thảo luận hoàn thiện các nội dung dự án Luật đầu tư công tổ chức sáng nay (12/3), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng bản dự thảo lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội sắp tới sẽ phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý công trình và đơn vị tư vấn, những bên đang bị coi là làm thất thoát vốn Nhà nước nhiều nhất.

Đặc biệt, chất lượng nhà tư vấn, giám sát đã bị vị tư lệnh ngành phê bình nghiêm khắc. Trước đây, mỗi công trình thiết kế đều gắn với danh dự của người kỹ sư, song khi kinh tế khó khăn, nhiều đơn vị “thấy chủ đầu tư bảo gì thì làm nấy”.

“Đây là chỗ rất dở”, Bộ trưởng Vinh nói. Ông cũng phản ánh có những công trình chủ đầu tư và công ty tư vấn bắt tay nhau, nâng đơn giá lên gấp 2-3 lần so với giá trị thực tế. Do vậy, ông nhấn mạnh dự thảo Luật Đầu tư công sẽ phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn, cùng với chủ đầu tư và ban quản lý để răn đe, truy cứu trách nhiệm và phòng ngừa sai phạm.

hoi-thao-dau-tu-cong-6049-1394621419.jpg

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh không thể lùi việc ban hành Luật đầu tư công. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề cập đến đến vai trò giám sát của cộng đồng. Với các dự án quan trọng khiến lượng dân phải di dân, tái định cư lớn và tác động nhiều tới môi trường, cơ quan quản lý sẽ phải tham khảo ý kiến dân cư nơi thực hiện dự án trước khi trình cấp trên phê duyệt. Ngoài ra, người dân cũng có quyền giám sát để phát hiện những sai phạm về chấp hành quy hoạch xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định dư, tiến độ thực hiện dự án cũng như những công trình nào đang gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề xuất lập một cơ quan thẩm định dự án đầu tư thuộc cấp tỉnh. Cơ quan này có thể do Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính... để đánh giá toàn diện hơn về công trình.

Theo dự thảo Luật đầu tư công, các dự án sẽ được phân thành 4 loại, gồm dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C, dựa trên quy mô tổng vốn đầu tư. Tiêu chí phân loại định lượng sẽ được điều chỉnh khi lạm phát bình quân cả năm tăng từ 10% trở lên.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, sẽ phải nghiên cứu thêm sau bao năm phải điều chỉnh lại giới hạn này. "Nếu để mãi thế như vậy, 10 năm không điều chỉnh thì không hợp lý. Do vậy, ban soạn thảo phải nghiên cứu sau bao nhiêu năm, tốc độ trượt giá bao nhiêu thì nên điều chỉnh cách phân loại dự án", vị này đề nghị.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật cho rằng phải kiên quyết hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, bởi tái đầu tư công thành công thì mới dẫn dắt được tái cơ cấu nền kinh tế.

Không chỉ vậy, Luật Đầu tư công ra đời cũng giúp Việt Nam thực hiện được cam kết với các đối tác phát triển đang cung cấp vốn ODA. Ngân hàng Thế giới đã từng cấp cho Việt Nam một khoản vốn để cải cách thể chế với yêu cầu phải có ngay Luật Đầu tư công, song mãi chúng ta chưa làm được, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế phản ánh.

Do vậy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, chỉnh lý gấp rút để có bản dự thảo Luật gửi đến Đại biểu Quốc hội vào ngày 15/3/2014. Tuy nhiên, ông khuyến nghị không nên quá cầu toàn, khi mà việc ban hành Luật Đầu tư công không lùi được. "Chúng ta có rất nhiều Luật, song quan trọng nhất là Luật Đầu tư công thì lại chưa có", ông phát biểu.

Tại Việt Nam, đầu tư công đang đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu hệ thống luật và các chế tài quản lý, giám sát nên đã phát sinh nhiều hạn chế trong đầu tư công như phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc từng năm làm thất thoát, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao cũng tạo nên các khoản nợ đọng khổng lồ, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách các cấp, đẩy Ngân sách Trung ương vào thế bị động trong nhiều năm qua.

Huyền Th
ư


 

,