Nâng thuế, tăng kiểm soát chất lượng Nâng thuế, tăng kiểm soát chất lượng14/02/2014 05:50 (GMT + 7) TT - Nhiều chuyên gia cho rằng cần đưa ra nhiều giải pháp hạn chế thay vì khuyến khích sản xuất và tiêu thụ bia, không thể chạy theo “hiệu quả kinh tế” rồi bỏ quên hậu quả mà xã hội phải gánh chịu khi tình trạng lạm dụng bia rượu ngày càng gia tăng. Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ Công thương phê duyệt năm 2009, đến năm 2015 sản lượng bia sản xuất sẽ đạt 4 tỉ lít và chạm mốc 6 tỉ lít vào năm 2025. Cũng theo quy hoạch này, quan điểm phát triển ngành công nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát theo hướng “huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, dưới mọi hình thức để đẩy mạnh sản xuất bia, rượu, nước giải khát đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội” (!). Không nên khuyến khích
Một chuyên gia ngành thực phẩm - đồ uống cho rằng do không có thông tin chi tiết mức tiêu thụ bao nhiêu lít bia/người/năm, nên không biết Bộ Công thương dựa vào đâu để tính toán dung lượng thị trường, từ đó xây dựng quy hoạch như đã nêu. Chưa kể, định hướng “đẩy mạnh sản xuất bia, rượu, nước giải khát đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội” cũng cần phải xem lại. Theo chuyên gia này, dù tạo ra nguồn thu ngân sách lớn nhưng cũng không nên khuyến khích cho việc đầu tư lĩnh vực sản xuất bia. Trong thực tế, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu, bia cũng như sử dụng công cụ thuế để phần nào hạn chế “năng lực” uống bia của nhiều thành phần, độ tuổi. Tuy nhiên, luật sư Ngô Quý Linh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng cần có nhiều giải pháp mạnh hơn để hạn chế việc lạm dụng sản phẩm bia rượu. Chẳng hạn như tăng cường kiểm tra giấy phép kinh doanh tại các điểm bán, có lộ trình bắt buộc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm bia để hạn chế việc sản xuất các sản phẩm bia có chất lượng thấp, giá rẻ. “Với giá bia khá rẻ và việc mua rất dễ dàng thì chẳng cách gì ngăn được tình trạng tiêu thụ bia một cách vô tội vạ như hiện nay” - ông Linh nhận xét. Ngoài ra, theo ông Linh, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân tránh lạm dụng bia rượu ngay tại chính các điểm bán, cũng như tăng cường xử phạt các hành vi lạm dụng bia rượu khi điều khiển các phương tiện giao thông từ các lực lượng chức năng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần được thực thi mạnh mẽ hơn. Cần tăng thuế Từ ngày 1-7-2015, theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia sẽ được nâng từ 50% lên 65%. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN - cho rằng việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia như đề xuất là động thái cần thiết. Nó không chỉ định hướng tiêu dùng mà còn định hướng cho các nhà sản xuất khi các doanh nghiệp đang chạy đua xây nhà máy bia. Theo bà Cúc, bia là một mặt hàng mà dùng nhiều thì gây bao hệ lụy như bệnh tật, giảm chất lượng sống và cả tệ nạn xã hội... Do đó, cùng với các giải pháp kỹ thuật, công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần hạn chế việc lạm dụng bia rượu của một bộ phận người dân. Một thành viên ban soạn thảo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia xuống còn 45% (từ 1-1-2010) và 50% (từ 1-1-2013), thay vì 75% như trước đó, đã góp phần hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ, nhưng đồng thời cũng góp phần khuyến khích các nhà máy bia thi nhau mọc lên. Do đó, vị này cho rằng việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia lên mức 65% từ ngày 1-7-2015 cũng là bước đi hợp lý. “Chắc chắn các nhà sản xuất và kinh doanh bia sẽ không thích thú với việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi lượng tiêu thụ mặt hàng này có thể sẽ giảm, lợi nhuận bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là việc cần làm ngay để hạn chế việc lạm dụng bia rượu, tránh hiện tượng đua nhau xây nhà máy bia” - vị này nói. Bà Cúc cũng khuyến cáo việc nâng thuế đối với bia cần có lộ trình và cơ quan quản lý nên công khai để các nhà sản xuất và kinh doanh bia nắm được để định hướng chiến lược kinh doanh. “Chi phí đầu tư một nhà máy bia rất lớn, khoảng vài trăm tỉ đồng/nhà máy. Nếu chúng ta ồ ạt xây nhà máy bia và rồi vài năm sau phải sản xuất cầm chừng thì sẽ gây lãng phí cho nhà đầu tư nói riêng và cho xã hội nói chung” - bà Cúc nói. TRẦN VŨ NGHI- LÊ THANH
|
,