Rửa tiền qua bất động sản rất tinh vi
 

Rửa tiền qua bất động sản rất tinh vi

22/08/2011 16:40
“Rửa tiền qua bất động sản (BĐS) rất tinh vi, nếu chỉ quy định sơ sài như dự thảo thì khó chống được”, ông Đặng Hùng Võ (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói.

Lâu nay, nguồn tiền mua bán BĐS không ai kiểm soát, dù có giá trị rất lớn (trong ảnh; một căn nhà liền kề tại Lê Văn Lương - Hà Nội có giá gần chục tỷ đồng).

Ông Võ nhận định như trên khi trao đổi với PV, về dự thảo Thông tư chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS, vừa được Bộ Xây dựng công bố nhằm lấy ý kiến góp ý.

* Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng rửa tiền qua BĐS?

Hiện chưa có nghiên cứu, con số cụ thể về hoạt động rửa tiền trong kinh doanh BĐS, nhưng thực tế có nhiều trường hợp có biểu hiện rửa tiền BĐS với giá trị rất cao. Việc Bộ Xây dựng soạn thảo Thông tư về chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS về ý tưởng là hoàn toàn đúng, điều đó chúng ta nên làm. Đây cũng là việc phòng chống tham nhũng nói chung.

* Dự thảo quy định nhiều hành vi nghi vấn hoạt động mua bán BĐS với mục đích rửa tiền, theo ông, có khả thi không?

Có lẽ một số quy định cụ thể trong dự thảo cần phải xem lại. Hiện nay, nhiều hợp đồng chuyển nhượng BĐS, họ ghi trên hợp đồng chỉ bằng 10% giá thị trường thôi, để trốn thuế. Do hệ thống quản lý và tính thuế không hợp lý, đến mức chúng ta coi việc này là bình thường.

Trong dự thảo Thông tư chống rửa tiền qua BĐS có quy định giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp với giá cả thị trường cũng bị coi là dấu hiệu rửa tiền, phải quy định cụ thể hơn. Ví dụ, nó cao hơn là bao nhiêu, phải cụ thể hơn, lượng hóa được thì luật mới đi vào cuộc sống.

Tôi cho rằng, những quy định trong dự thảo còn khá sơ sài. Hành vi rửa tiền thường rất tinh vi, thủ đoạn, nên chúng ta phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu mới có thể đưa ra được những quy định chống lại sự tinh vi của nó, chứ với những cái chúng ta nói thì chắc chưa đủ sức để phát hiện được.

Cần nghiên cứu toàn diện hơn

* Quy định các giao dịch BĐS phải thông qua sàn cũng có nghĩa chủ sàn phải là người phát hiện ra hành vi rửa tiền. Điều này có hiệu quả không, theo ông?

Việc quy định chống rửa tiền cũng là biểu hiện chống tham nhũng. Nên việc yêu cầu các chủ sàn nếu phát hiện hành vi rửa tiền thì phải báo cho cơ quan nhà nước là chưa hợp lý. Bởi bản thân doanh nghiệp sống bằng lợi nhuận, người ta luôn luôn có ý thức bảo vệ lợi nhuận, đi theo những cái gì mang tính có lợi và người ta làm điều đó không sai. Nên không có doanh nghiệp nào lại tố cáo khách hàng, người đã mang lại lợi nhuận cho họ, nếu làm như vậy, họ sẽ mất khách.

Vì vậy, yêu cầu các tổ chức kinh doanh BĐS phải có trách nhiệm phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng về các giao dịch có dấu hiệu rửa tiền là không hợp với logic.

* Dự thảo Thông tư không quy định chế tài với tổ chức, cá nhân phát hiện ra hành vi rửa tiền qua BĐS mà không báo cơ quan chức năng. Như vậy, làm sao xử lý?

Phải có chế tài chứ. Tôi nghĩ, nó giống như việc che giấu tội phạm mà trong Bộ Luật hình sự cũng có quy định. Bản thân rửa tiền được coi như tội phạm thì không báo cũng phải coi như một hành vi che giấu tội phạm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, chúng ta nên có nghiên cứu xem nên quy định hành vi che giấu đó có xử lý hình sự hay chỉ xử lý hành chính, phạt tiền cho phù hợp.

* Có ý kiến cho rằng, để kiểm soát các giao dịch BĐS rửa tiền, nên quy định khi giao dịch, các bên phải chuyển tiền qua ngân hàng?

Tôi nghĩ, không nên quy định bắt buộc các giao dịch thông qua ngân hàng, dù đây là biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao dịch. Bởi ở đây còn có vấn đề liên quan quyền công dân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Một giao dịch dân sự mà buộc phải qua ngân hàng là hạn chế quyền công dân. Nhưng nhà nước có thể đưa ra khuyến nghị việc giao dịch qua ngân hàng thì không sao.

Cảm ơn ông.


Các dấu hiệu nhận biết hoạt động mua bán BĐS rửa tiền: Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp, hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết, hoặc có trong danh sách cảnh báo do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp.

Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo (ví dụ: con dấu giả, chữ ký giả, chứng minh thư giả, hộ chiếu giả, địa chỉ bất động sản không đúng thực tế...). Giá cả thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá cả thị trường...

Tổ chức, cá nhân phát hiện các dấu hiệu trên phải báo cho Cục Phòng chống rửa tiền (NHNN) hoặc Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ XD).

(Trích dự thảo Thông tư chống rửa tiền qua BĐS của Bộ Xây dựng)


Hoạt động rửa tiền BĐS chủ yếu nằm ngoài sàn

Theo ông Nguyễn Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Maxland, việc rửa tiền có nghĩa là biến những đồng tiền bất hợp pháp thành tiền hợp pháp, nhưng về nguyên tắc, mình không biết những đồng tiền của người ta có hợp pháp hay không.

BĐS Việt Nam, nhất là thị trường Hà Nội, giá gốc thì ít mà giá chênh thì nhiều. Những cái giá chênh nằm ngoài hệ thống sổ sách, và giao dịch bằng tiền mặt. Như vậy, khó có thể phát hiện việc rửa tiền ở đây. Rõ ràng, khó khả thi do phần lớn tiền giao dịch BĐS lại nằm ngoài hóa đơn chứng từ.

Còn nhiều chuyện đáng quan tâm hơn chống rửa tiền

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, cho rằng: người ta rửa tiền bằng nhiều cách, chống rửa tiền là cần thiết nhưng chắc không chỉ là chống trong BĐS. Trong lĩnh vực BĐS còn rất nhiều việc cấp bách cần xử lý, nhất là thời điểm này.

Ví dụ, việc minh bạch hóa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh BĐS. Việc này liên quan nhiều việc như: huy động vốn cho các dự án BĐS đều không minh bạch, dùng tiền của người dân nhưng không triển khai dự án, mà dùng vào việc gì khách hàng không biết, thậm chí ẵm cả tiền ra nước ngoài… Những cái này không thấy quy định trong dự thảo.



ThinhVuongcorp - Theo Tiền Phong


 

,