Tạo cơ chế cho ngân hàng phá sản Nhà băng mất thanh khoản, không còn thuộc diện kiểm soát đặc biệt cũng như không áp dụng các biện pháp phục hồi sẽ bị tuyên phá sản trong 15 ngày. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua đã họp cho ý kiến về Luật Phá sản sửa đổi, trong đó có nội dung cho phép các tổ chức tín dụng đóng cửa. Luật Phá sản ban hành năm 2004 chưa đề cập đến các trường hợp phá sản của ngân hàng. Tuy vậy, nội dung này đã được nhắc tới tại Nghị định 05 của Chính phủ, quy định về việc áp dụng phá sản cho các tổ chức tín dụng. Trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo muốn gộp nội dung này vào Luật Phá sản để thống nhất. Theo dự thảo, khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì trong vòng 15 ngày, tòa án có quyền tuyên phá sản. Về thứ tự phân chia tài sản, tiền gửi, tiền vay…, dự thảo luật quy định ưu tiên cho các khoản hoàn trả đặc biệt. Đây là số tiền mà tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng khác nhằm phục hồi thanh khoản trước phá sản. Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi tòa tuyên, người gửi tiền, tài sản tại ngân hàng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với chấp hành viên để nhận lại. Trong trường hợp có tranh chấp, tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành bố trí một chương riêng để quy định về việc phá sản ngân hàng.
Tại buổi thảo luận, trước tình hình số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng nhanh, cơ quan soạn thảo và nhiều ý kiến góp ý đã chia sẻ về vai trò quan trọng của dự luật. Luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phá sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội hồi sinh pháp nhân mới. Sau khi lấy ý kiến tại kỳ họp vừa qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu bỏ hạn mức không trả được nợ trên 200 triệu mới được phá sản. Theo đó, dự thảo mới chỉ quy định “chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu”. Quy định như vậy nhằm tạo sự thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đóng cửa và có cơ hồi sinh, thành lập doanh nghiệp mới. Vấn đề gây tranh luận tại buổi thảo luận là tòa nào và cấp nào sẽ xử doanh nghiệp phá sản. Dự thảo luật đưa ra quy định chỉ TAND cấp tỉnh trở lên mới đủ thẩm quyền, do lo ngại trình độ thẩm phán. Tuy nhiên, quan điểm này không được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đồng tình. Từ thực tế hàng chục năm qua, ông Hiền đặt vấn đề vì sao bao nhiêu vụ việc cứ phải giao cho TAND cấp tỉnh trong khi nhiều thẩm phán cấp huyện có trình độ còn cao hơn bởi thường xuyên xét xử, cọ xát thực tế. Vị trưởng ban cũng cho rằng cơ quan soạn thảo chỉ nghĩ đến thuận tiện của cơ quan quản lý, chưa nghĩ đến người dân. “Làm luật phải nghĩ đến quyền lợi của người dân, các huyện vùng sâu vùng xa đi lại rất khó khăn. Không thể lúc nào người dân, doanh nghiệp cũng lên TAND tỉnh để làm việc được”, ông Hiền nói. Ý kiến này được Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tán thành. Theo bà, nên cho tòa án các cấp giải quyết thủ tục phá sản. “Tôi thấy cấp huyện vẫn giao được, chỉ cần quy định trong luật các cấp có quyền giải quyết, thế là xong làm gì mà phải nói nhiều”, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị. Về thời gian tuyên bố phá sản, các ý kiến đồng thuận với ba trường hợp tuyên phá sản. Thứ nhất, doanh nghiệp bị phá sản trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tòa án gửi giấy báo nếu chủ doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không còn tiền và tài sản khác để nộp tiền lệ phí, tạm ứng phí phá sản thì tòa sẽ ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Hoặc, sau khi thụ lý đơn yêu cầu và nhận các tài liệu, giấy tờ do người tham gia thủ tục phá sản có liên quan gửi đến, Tòa án ra quyết định nếu DN mất khả năng thanh toán không còn tài sản hoặc còn nhưng không đủ để thanh toán phí phá sản. Thứ hai, đối với trường hợp mà các chủ nợ tổ chức hội nghị nhưng bất thành: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp hội nghị chủ nợ, thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản khi chủ doanh nghiệp không tham gia hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng. Hoặc không đủ số chủ nợ quy định tham gia Hội nghị chủ nợ sau khi đã được hoãn một lần. Thứ ba, trong trường hợp hội nghị chủ nợ thành công và ra được nghị quyết, dự thảo quy định trong 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết phá sản, thẩm phán xem xét quyết định tuyên bố phá sản. Khi hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết đồng ý cho doanh nghiệp cơ cấu lại để hồi phục trả nợ… nhưng tòa vẫn có thể tuyên phá sản nếu doanh nghiệp không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định. Hoặc hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kể cả, khi doanh nghiệp thực hiện không đúng hoặc không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Nguyễn Hưng |
,