VFF làm các câu lạc bộ thiệt hại tiền tỷ
Hà Nội T&T và Ninh Bình có nguy cơ phải đền bù số tiền lớn cho các ngoại binh sau quyết định tiền hậu bất nhất của các cơ quan quản lý bóng đá.
han-9120-1389168037-7404-1389692288.jpg

Cầu thủ Hàn Quốc Sim Woon Sub được CLB Ninh Bình ký hợp đồng theo chủ trương các đội bóng dự AFC Cup được tung ra sân cầu thủ ngoại thứ tư người châu Á. Ảnh: Mai Hương.

Theo chủ trương của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) về việc các đội bóng tham dự sân chơi châu lục được sử dụng ngoại binh thứ tư người châu Á, các đội bóng đại diện cho Việt Nam dự sân chơi này là Hà Nội T&T và Ninh Bình được bật đèn xanh để tìm 4 ngoại binh trong mùa giải 2014. Trong cuộc họp giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với các câu lạc bộ trước khi tiến hành bốc thăm, vấn đề này được đưa ra bàn và các câu lạc bộ tham dự biểu quyết ủng hộ việc 2 câu lạc bộ tham dự cúp châu lục được ký hợp đồng với ngoại binh thứ tư người châu Á.

Chủ tịch câu lạc bộ Ninh Bình Phạm Văn Lệ cho biết: “Trước khi ký hợp đồng với ngoại binh thứ tư, tôi đã gọi điện cho Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn để hỏi thì mới đặt bút ký. Thế nhưng, chỉ vài ngày trước giải chúng tôi mới biết rằng điều lệ giải do VFF ban hành không chấp nhận cho chúng tôi đá với 4 cầu thủ ngoại. Số tiền chúng tôi bỏ ra để ký hợp đồng với một cầu thủ ngoại lên tới cả tỷ đồng đang có nguy cơ bị phí phạm”.

Ông Lệ khẳng định đội bóng của mình không bao giờ ký hợp đồng với một cầu thủ chỉ để thi đấu vài trận ở AFC Cup. Chỉ khi nhận được thông tin là cầu thủ thứ tư có thể ra sân ở V-League thì đội bóng đất cố đô mới chịu bỏ ra khoản tiền tỷ để lấy tiền vệ người Hàn Quốc Sim Woon Sub về.

Ông Lệ ước tính, tiền lương của cầu thủ ngoại ít nhất là 5.000 USD mỗi tháng và đội bóng phải trả tối thiểu 40.000 USD cho một mùa giải kéo dài 8 tháng. Ngoài ra, còn có tiền chuyển nhượng, lót tay, chi phí di chuyển, ăn ở… nên rẻ nhất các câu lạc bộ cũng phải bỏ ra số tiền tỷ. Trong trường hợp không được tung ra cầu thủ ngoại thứ tư, đội Ninh Bình có thể mất trắng số tiền này cho cầu thủ ngoại.

Ghallagher1-4994-1389692289.jpg

CLB Hà Nội T&T khá hài lòng với chuyên môn của cầu thủ người Australia - Ghallagher. Ảnh: GC.

Cùng quan điểm với ông Lệ, Chủ tịch câu lạc bộ Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội cũng phản ứng mạnh mẽ với đại diện ban tổ chức giải ngay tại sân Hàng Đẫy vào cuối tuần qua. Đội bóng thủ đô cũng đã ký hợp đồng với trung vệ Ghallagher (người Australia) để tận dụng quy định mới. Tuy nhiên, do sự thay đổi bất ngờ từ bên trên nên Hà Nội T&T đang phải đối mặt với khả năng phải đền bù hợp đồng cho một trong số 4 ngoại binh (Gonzalo, Hector, Goran và Ghallagher).

Trong số này, Gonzalo và Hector khá chắc suất, còn Ghallagher cũng chơi ấn tượng ở vòng một V-League nên có thể Goran là người phải chia tay với đội bóng. Cầu thủ này có mức lương lên tới 6.500 USD mỗi tháng nên số tiền đền bù của đội bóng bầu Hiển là không nhỏ.

Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cũng là người ủng hộ chủ trương cho 2 đội bóng trên được ký hợp đồng với ngoại binh thứ tư người châu Á nhưng VFF mới là nơi ban hành điều lệ thi đấu. Ông Viễn cho biết: “Không chỉ đội tuyển quốc gia mà các câu lạc bộ khi thi đấu quốc tế cũng là bộ mặt của bóng đá Việt Nam. Việc chỉ có 3 cầu thủ ngoại sẽ khiến các đội bóng Việt Nam chịu thiệt một ngoại binh so với các đối thủ ở châu lục. Theo tôi, đây là cuộc chơi của các câu lạc bộ và khi chính họ đã biểu quyết cho 2 đội bóng trên được bổ sung ngoại binh thì không nên ngăn cản”.

VFF cũng chịu áp lực từ cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao khi ban hành quyết định tiền hậu bất nhất như trên. Chủ trương của lãnh đạo ngành là nên giảm số cầu thủ ngoại ở mỗi đội bóng nhưng việc can thiệp khi các đội bóng đã thống nhất quy tắc chung khiến cho các câu lạc bộ chịu thiệt.

Ông Phạm Văn Lệ cho biết là VPF đang thuyết phục VFF cùng Tổng cục thể dục thể thao thay đổi quyết định trên để tránh cho các câu lạc bộ chịu thiệt hại tiền tỷ.

Nguyễn Tùng


 

,