Đưa ly thân ra công chứng?

Sáng qua, Thường vụ Quốc hội đã họp góp ý dự luật Bảo hiểm y tế, dự luật Hôn nhân và gia đình. Những vấn đề còn đang gây tranh cãi tiếp tục “nóng” trong phiên họp này.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều ý kiến quan tâm tới việc dự luật lần này quy định BHYT bắt buộc toàn dân. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

 

Ly thân là việc vợ chồng giải quyết mâu thuẫn nên không thể bắt công chứng. Ly thân có khi là trạng thái để người ta có thời gian suy nghĩ lại, có thể là yêu thương nhau hơn. Hành chính hóa càng khoét sâu hơn khoảng cách giữa hai vợ chồng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý

Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH thiên về lý lẽ đóng BHYT bắt buộc, toàn dân hưởng thì toàn dân đóng, gần như cả thế giới là như vậy. Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch QH thì lại ngả về hướng không quy định bắt buộc ngay trong thời điểm này. Ông Sơn phân tích: “Chúng ta có bệnh viện tư, bệnh viện công. Tôi có tiền thì tôi có quyền khám ở đâu là tùy vào tôi. Còn rất nhiều bệnh viện tư, tôi muốn vào khám, lý do gì lại bắt tôi đóng tiền BHYT. Hướng tới toàn dân thì được nhưng đưa vào ngay thì chưa nên”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng: nếu không quy định bắt buộc thì không thể trở thành BHYT toàn dân được. Giá dịch vụ sẽ tiến tới tính đúng tính đủ, ngân sách không cấp nữa mà thông qua nguồn tiền từ BHYT. Dân nghèo và các đối tượng chính sách sẽ được hỗ trợ để đóng BHYT.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần hạn chế tối đa quy định điều trị theo tuyến. “Có lý gì mà nhà tôi ở xã này, ngay cạnh bệnh viện trung ương mà bắt tôi phải đến một chỗ 9 - 10 km mới được khám chữa bệnh? Thẻ có mã số toàn quốc, tôi đang ở Hà Nội mà đau ốm tại sao lại bắt tôi phải chạy về tận xã ở quê thì mới đúng tuyến? Quy định về trái tuyến là rất vi phạm quyền con người, làm khổ dân” - ông Hùng nói.

Người làm luật không hiểu về đồng tính

Cùng ngày, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Dự luật bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới nhưng cũng khẳng định “không thừa nhận hôn nhân đồng giới”. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Tôi xem trên đài truyền hình, có ý kiến người đồng tính nhận xét những người làm luật chưa hiểu về đồng tính. Bản thân tôi đến hôm nay nghe nhiều nhưng cũng không hiểu người đồng tính có những trạng thái gì”. Chủ tịch QH dẫn lại câu hỏi của những người đồng tính: “Tại sao cho rằng không cấm là xu hướng tiến bộ mà QH lại không công nhận đi?”. Từ thực tế này, Chủ tịch QH đề nghị chỉ cần bỏ quy định cấm kết hôn giữa người cùng giới tính. Còn những vấn đề khác phát sinh khi những người đồng giới chung sống thì sẽ được xử lý và giải quyết theo bộ luật Dân sự.

Ly thân cũng gây tranh cãi

Ly thân là chế định hoàn toàn mới được đưa vào dự luật lần này. Lý giải về chế định này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: dự thảo mới nhất đã bỏ quy định ly thân cũng cần phải ra tòa án mà chỉ đưa ra công chứng. Nếu sau thời gian ly thân mà cặp vợ chồng vẫn quyết định ly hôn thì cần xem bản công chứng về ly thân này như một bằng chứng về nỗ lực cố gắng hàn gắn của hai bên nhưng không thành. Khi đã có chứng cứ này thì tòa án cũng không nên tiến hành thêm bước hòa giải nữa.

Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải nhiều phản đối của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng: “Công chứng là công nhận một sự kiện khách quan về mặt pháp lý chứ không phải là một văn bản để được thi hành như quy định của tòa án”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nói: “Ly thân là việc vợ chồng giải quyết mâu thuẫn nên không thể bắt  công chứng. Ly thân có khi là trạng thái để người ta có thời gian suy nghĩ lại, có thể là yêu thương nhau hơn. Hành chính hóa càng khoét sâu hơn khoảng cách giữa hai vợ chồng”. 

Tuệ Nguyễn


 

,