“Chưa phát hiện dấu hiệu bất thường”
TT - Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) vừa công bố kết quả xác minh dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh trong vụ đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G của ba nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone, khẳng định việc tăng giá là hợp lý. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng bản kết luận của VCA giống như giải thích cho nhà mạng.
Trái ngược với kết luận của VCA, các chuyên gia cho rằng quyền lợi của người tiêu dùng đã không được dung hòa - Ảnh: T.Thắng

Các luật sư, chuyên gia kinh tế đều cho rằng quyền lợi của người tiêu dùng đã không được dung hòa.

“Chưa có cơ sở”

"Họ tổng hợp và phân tích dựa trên những báo cáo của các bên liên quan, không có điều tra độc lập. Vì thế, những thông tin mà VCA đưa ra chỉ lý giải tính hợp pháp của việc tăng giá cước 3G"

TS NGUYỄN NGỌC SƠN
(khoa Luật cạnh tranh Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM)

Kết luận của VCA thật ra không khác gì nhiều so với những điều Cục Viễn thông và các nhà mạng đã công bố trước đó. Về dấu hiệu thỏa thuận tăng giá cùng thời điểm, VCA khẳng định việc tăng giá là đúng theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình điều chỉnh giá, từng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký riêng. Thời điểm nộp hồ sơ và thời điểm đề nghị áp giá cước mới cũng như phương án với từng gói cước cũng có sự khác biệt. Sau khi Bộ Thông tin - truyền thông có văn bản đồng ý phương án điều chỉnh cước 3G, ba doanh nghiệp đã ban hành quyết định ở các thời điểm khác nhau.

Về việc các nhà mạng cùng tăng giá cước vào ngày 16-10, VCA kết luận do chu kỳ tính cước thường vào ngày đầu hoặc giữa tháng. Văn bản của Cục Viễn thông ban hành ngày 4-10. Để phù hợp chu kỳ tính cước, cả ba nhà mạng đều quyết điều chỉnh giá từ 16-10.

Đặc biệt, VCA đã dẫn thông tin từ Cục Viễn thông để giải thích, đồng thời thừa nhận một số gói cước có điều chỉnh giống nhau, đó là các gói thông dụng và phương án đã được Cục Viễn thông phê duyệt. Ngoài gói cước thông dụng, ba doanh nghiệp đều có các gói cước với mức giá, tính năng kỹ thuật khác nhau... Vì thế, VCA khẳng định: “Chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự câu kết, bắt tay thỏa thuận giữa ba doanh nghiệp trong đợt điều chỉnh giá ngày 16-10”.

Liên quan đến mức cước tăng tới 20%, 40%, thậm chí tăng thêm 333%, trong khi Vinaphone, MobiFone và Viettel là ba doanh nghiệp đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường cung cấp dịch vụ 3G, nhiều ý kiến cho rằng các nhà mạng đã vi phạm Luật cạnh tranh, với hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng, VCA kết luận chưa có cơ sở để coi đó là hành vi phạm luật.

Cụ thể, theo VCA, mức độ tăng giá cước, theo số liệu của Bộ Thông tin - truyền thông, tổng mức điều chỉnh trung bình là 20%, vượt quá mức 5% theo quy định tại nghị định 116 hướng dẫn Luật cạnh tranh (nghị định này quy định trường hợp áp đặt giá bán hàng hóa bất hợp lý là khi cầu về hàng hóa không tăng đột biến và giá đầu vào không tăng quá 5% thì doanh nghiệp không được tăng giá dịch vụ quá 5%). VCA thừa nhận giá dịch vụ đầu vào không có biến động bất thường làm tăng giá thành dịch vụ 3G vượt mức 5%. Tuy nhiên, VCA viện lý do số thuê bao 3G tăng, dung lượng cũng tăng mạnh, vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của nhà mạng, nên chưa đủ cơ sở để coi đây là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng.

Kết luận đầy mâu thuẫn

Là người theo dõi thường xuyên về việc tăng cước 3G của các nhà mạng, sau khi xem bản kết luận của VCA, TS Nguyễn Ngọc Sơn, khoa Luật cạnh tranh Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, cho biết hoàn toàn không bất ngờ. “Bản kết luận này không nằm ngoài dự đoán của tôi. Nó cho thấy những điểm yếu của Luật cạnh tranh và cơ quan kiểm soát cạnh tranh đã không dung hòa quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Họ cũng đi giải thích cho doanh nghiệp, giống như cơ quan chuyên ngành là Cục Viễn thông” - TS Sơn nói.

Theo ông Sơn, “điều tra” của VCA thể hiện qua bản kết luận cho thấy họ tổng hợp và phân tích dựa trên những báo cáo của các bên liên quan, không có điều tra độc lập. Vì thế, những thông tin mà VCA đưa ra chỉ lý giải tính hợp pháp của việc tăng giá cước 3G. Đó là việc tăng giá sinh ra từ quyết định nào, nhà mạng đã xin phép ai, ai đã cho phép... VCA đã không lý giải được nguyên nhân, tính hợp lý của việc tăng giá dưới góc độ kinh tế, phân tích các yếu tố làm tăng giá, quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại như thế nào...

Điều mâu thuẫn là trong khi VCA khẳng định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, giá đầu vào không có biến động, đầu ra lại tăng giá đến 20%, vượt xa mức 5% theo quy định của luật nhưng lại cho rằng doanh nghiệp không làm sai, vì số lượng thuê bao tăng lên 18,9 triệu thuê bao tính đến đầu tháng 11-2013. Tuy nhiên, VCA lại không chứng minh được tăng mạnh là tăng bao nhiêu, năng lực của nhà mạng đến đâu để dẫn đến hậu quả phải tăng giá tới 20%. Chưa kể một nghịch lý được chỉ ra trong bản kết luận là giá đầu vào giảm nhưng đầu ra lại tăng. Bản kết luận ghi rõ: “Bộ Thông tin - truyền thông xác nhận đối với dịch vụ 3G của cả ba nhà mạng, giá thành kế hoạch năm 2013 giảm so với giá thành thực tế năm 2012”.

Cùng quan điểm, luật sư Hà Hải - trưởng văn phòng luật sư Hà Hải (TP.HCM) - cho rằng quy định tại nghị định 116 quá mập mờ, dẫn đến VCA có thể giải thích cho việc tăng giá của nhà mạng là hợp lý theo cách trên. Ông Hải nhấn mạnh: “Luật quy định tăng đột biến, nhưng không nói cụ thể mức đột biến là bao nhiêu. Và giả sử có đột biến thì doanh nghiệp được tăng giá cụ thể bao nhiêu, lộ trình như thế nào, chứ không phải muốn tăng lên vài trăm phần trăm như các nhà mạng đã làm cũng là hợp lý”.

Trong khi đó, tại thời điểm tăng giá, các nhà mạng đều giải thích việc tăng giá cước là do cước cũ bán dưới giá thành, chứ không phải do cung cầu thị trường có sự thay đổi mất cân đối, làm tăng chi phí của nhà mạng. Ngoài ra, so với lần tăng cước trước, vào tháng 4-2013, số lượng thuê bao chỉ tăng thêm 1,44%. “Hơn nữa, sau khi tăng cước, các nhà mạng cũng chưa có tăng đầu tư để tăng chất lượng dịch vụ 3G. Mạng 3G vẫn chập chờn, chất lượng không được cải thiện so với trước ngày 16-10. Vì thế, ngay cả khi cứ tạm cho rằng tăng cước để cải thiện chất lượng, nhà mạng lại không làm đúng cam kết” - TS Sơn nhấn mạnh.

B.HOÀN - CẦM VĂN KÌNH

Không thể “dựa hơi” Luật viễn thông, bỏ qua Luật cạnh tranh

Một trong những lý do khiến doanh nghiệp có thể áp đặt mức cước 3G tăng tới 20% là quy định tại Luật viễn thông không cho phép doanh nghiệp được bán dưới giá thành. Trong khi điều mâu thuẫn là pháp luật cạnh tranh quy định nếu giá đầu vào không tăng quá 5% thì doanh nghiệp không được tăng giá quá 5%.

Theo luật sư Hà Hải, luật ngành (Luật viễn thông) để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trong ngành và áp dụng trong trường hợp tranh chấp giữa các đơn vị trong nội bộ ngành. Nếu đã có tranh chấp về quyền lợi với bên thứ ba, nằm ngoài ngành, ở đây là người tiêu dùng, thì phải áp dụng một luật có tính phổ quát hơn là Luật cạnh tranh.


 

,