Tâm lý chờ đợi khiến bất động sản khó hồi phục
Thứ ba, 24/12/2013 01:25 GMT+7

Tâm lý chờ đợi khiến bất động sản khó hồi phục

Một số dự án đã giảm giá 50-60% so với năm 2009, doanh nghiệp kêu than địa ốc đã thủng đáy nhưng người mua nhà vẫn chê giá ảo. 
'Bất động sản đang ở vùng đáy'

Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa cho biết: "Giá bất động sản năm 2013 đã rẻ hơn rất nhiều so với cách đây 5 năm. Một số dự án thậm chí đã giảm xuống đến 60% nhưng không ai dám chắc đâu là điểm dừng".

Theo ông Nghĩa, đà giảm giá đã chậm lại nhưng thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do hệ lụy từ những dự án đình trệ, dang dở, chậm bàn giao. Các nhà đầu tư thứ cấp, thậm chí là chính chủ đầu tư vì bức bách về tài chính hoặc áp lực phải xoay dòng vốn, tranh thủ chi phí cơ hội cho những kênh đầu tư mới đều có thể xả hàng giá rẻ bất cứ lúc nào. "Tình trạng của thị trường bất động sản hiện nay là tuy đã xuyên đáy nhưng ngày phục hồi còn xa", ông Nghĩa nhận xét.

a-tb-ngay-phuc-hoi-cua-dia-oc-8519-6936-

Các chuyên gia dự báo ngày phục hồi của thị trường bất động sản hãy còn xa. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi đó, CEO một công ty bất động sản chuyên kinh doanh căn hộ cao cấp tại TP HCM dự báo: "Phải đến năm 2016 may ra địa ốc mới có hy vọng phục hồi, còn hiện nay dù giá đã giảm nhiều nhưng tình hình chung vẫn khó khăn".

Điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi theo vị CEO này là các định chế tài chính, tổ chức tín dụng giải quyết xong nợ xấu bất động sản, kinh tế vĩ mô ổn định, giao dịch nhà đất tăng đều trở lại, lãi suất hạ.

Theo chuyên gia này, các phân khúc đã có nhiều chuyển biến trong 5-6 năm qua, giá nhà đất điều chỉnh khá mạnh song thanh khoản vẫn khiêm tốn vì niềm tin của khách hàng khủng hoảng quá lâu. "Muốn dân đem tiền đổ vào bất động sản phải cần thêm thời gian củng cố niềm tin cho thị trường này", ông nói.

Khảo sát của VnExpress.net về nguyên nhân giá bất động sản liên tục giảm đã nhận được gần 3.000 ý kiến phản hồi. Trong đó có 1.995 ý kiến cho rằng giá trước đây là giá ảo, chiếm tỷ lệ 67%. Có 367 phiếu cho rằng giá nhà đất giảm suốt 5 năm qua là do ảnh hưởng của chính sách vĩ mô, chiếm 13%. Trong khi đó, có 313 bạn đọc nhìn nhận địa ốc rớt giá liên tục là do khủng hoảng niềm tin, chiếm 11%. Chỉ có 8% phiếu cho rằng giá nhà đất giảm là do hàng tồn kho nhiều còn nguyên nhân chậm bàn giao chỉ nhận được 39 phiếu, tương đương 1%.

a-tb-1-dia-oc-da-xuyen-day-7017-13877891

VnExpress.net đã Khảo sát gần 3.000 ý kiến thì có đến gần 1.995 phiếu cho rằng nguyên nhân giá nhà giảm suốt 5 năm qua vì giá trước đây chỉ là ảo. Ảnh chụp màn hình

Giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Bình, Phạm Thị Phương Liên nhận định: "Hiện giá bất động sản đã rẻ nhất so với 5 năm trở lại đây.  Nhiều đơn vị phải gồng mình cắt lỗ nhưng không ai dám lạc quan về sự phục hồi. Có lẽ vẫn cần thêm vài năm nữa thị trường mới gượng dậy nổi sau cơn bạo bệnh".

Theo bà Liên, bất động sản hiện nay đa phần đều đã bán ở mức giá bằng hoặc dưới giá thành (mức giá không lãi, cắt lỗ). Do địa ốc có giá trị lớn, đòi hỏi sự tích lũy lâu dài mới mua nổi nên dù giá giảm nhiều vẫn bị cho là giá ảo. Trường hợp khách hàng công nhận giá rẻ là khi họ mua nhà đất xong, chỉ một thời gian ngắn giá bất động sản này bật lên. Còn nếu thị trường vẫn đang khủng hoảng và trên đà giảm thì khách hàng không bao giờ công nhận giá rẻ dù có giảm mạnh đến đâu.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cengroup), Phạm Thanh Hưng cho rằng rất khó để dò “đáy” thị trường bất động sản bởi các đơn vị đo lường như chỉ số giá cũng như lượng căn hộ, đất nền chưa được thống kê cụ thể. Do đó, khái niệm đáy chỉ mang tính chất cảm tính và đúng với một số phân khúc.

“Phân khúc nhà giá rẻ đã giảm nhiều, nay không thể giảm thêm, thích hợp cho những người có nhu cầu mua nhà để ở. Riêng phân khúc nhà cao cấp sẽ giảm thêm do giá nhà vẫn còn cao”, ông Hưng nói.

Trưởng khoa tài chính Ngân hàng Trường Đại học Mở TP HCM, Nguyễn Văn Thuận nên quan điểm: "Chừng nào các doanh nghiệp bất động sản chưa áp dụng triệt để công cụ kích cầu là đại hạ giá trên diện rộng thì chừng đó ngày phục hồi của thị trường vẫn mịt mờ".

Theo ông Thuận, thời gian qua chỉ xuất hiện một vài doanh nghiệp giảm giá cục bộ, chưa đủ sức kích cầu. Thị trường cần một làn sóng giảm giá mạnh mẽ hơn của nhiều doanh nghiệp, tập trung vào nhiều phân khúc và đặc biệt nhấn vào những sản phẩm vừa túi tiền, có tính thanh khoản cao, tạo nên sự cởi mở để kích thích người mua.

"Cứ cho là giá bất động sản đã xuyên đáy, doanh nghiệp không thể giảm thêm. Nhưng lúc này không thể há miệng chờ sung. Cần chủ động giành lại lòng tin của người mua nhà bằng các chương trình kích cầu mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa", ông Thuận đề xuất.

Vũ Lê - Hoàng La
n


 

,