Vừa tăng trở lại sau phiên rớt đáy, giá vàng tiếp tục rơi vào xu thế giảm khi có những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/11 tại Mỹ, giá vàng giảm gần 1% xuống 1.242 USD một ounce. Tác nhân chính là số liệu tích cực về nhà ở tại Mỹ làm dấy lên mối lo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm giảm nới lỏng. Trước đó, trong phiên châu Á, vàng có lúc lên hơn 1.256 USD - cao nhất trong vòng một tuần.
Căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, giá mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện vào khoảng 31,64 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Giá đóng cửa ngày 26/11 của vàng miếng trong nước xoay quanh 35,35-35,5 triệu đồng.
|
Giá vàng giảm do thị trường lo ngại FED giảm kích thích. Ảnh: Bloomberg |
Mở cửa phiên giao dịch tại Sydney (Australia) sáng nay, giá vàng hầu như không thay đổi. Kim loại quý chỉ dao động quanh 1.242 USD một ounce, tính đến 7h (giờ Hà Nội).
Vàng chịu sức ép giảm giá khi các dữ liệu cho thấy số nhà mới được cấp phép xây dựng tại Mỹ đã lên cao nhất 5 năm trong tháng 10. Chỉ số S&P/Case Shiller, đo giá nhà tại 20 thành phố lớn cũng tăng 13,3% trong tháng 9. Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ sau tin tức này. Chỉ số Nasdaq còn lần đầu tiên chạm mốc 4.000 điểm trong 13 năm.
Thomas Capalbo - nhà môi giới kim loại quý tại Newedge (Mỹ) nhận xét: "Các số liệu lạc quan về xây dựng và giá nhà chính là tín hiệu FED sắp giảm kích thích. Việc này đã gây áp lực giảm giá lên vàng". Chứng khoán tăng điểm cũng khiến sức hấp dẫn của vàng giảm sút.
Trong khi đó, giá vàng tương lai tăng 20 cent lên hơn 1.241 USD một ounce. Khối lượng giao dịch vẫn ở mức cao, gần gấp đôi trung bình 30 ngày, khi nhà đầu tư dần chuyển sang các hợp đồng giao tháng 2.
Nhu cầu vàng vật chất tại châu Á vẫn chưa không thể kích thích giá vàng như hồi đầu năm, các nhà buôn nhận xét. Trong khi đó, các quỹ đầu tư vàng vẫn liên tục giảm lượng nắm giữ. SPDR Trust - quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã bán ra 3,3 tấn hôm 25/11. Tổng cộng từ đầu năm, họ đã bán 450 tấn kim loại quý.
Hà Th
u