Doanh nghiệp nữ trang kêu khó với quy định mới
Thứ bảy, 23/11/2013 06:25 GMT+7

Doanh nghiệp nữ trang kêu khó với quy định mới

Nguồn vàng mà các doanh nghiệp gom vào lâu nay nhiều khi là hàng trôi nổi nên Thông tư 22 có hiệu lực trong thời gian tới yêu cầu phải chứng minh đầu ra đầu vào sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị thông tin hướng dẫn thực hiện thông tư 22 về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường do Hội Mỹ nghệ TP HCM tổ chức ngày 22/11, phần lớn đại biểu cho biết đây là cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự cho thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ.

nu-tran-1378701714-1361-1385146651.jpg

Doanh nghiệp kêu khó với Thông tư 22. Ảnh: Anh Quân

Bà Võ Đình Liên Ngọc, Trưởng phòng quản lý đo lường chất lượng thuộc Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học công nghệ TP HCM cho rằng, thông tư này ra đời sẽ giảm bớt hiện tượng vàng không đủ tuổi lưu thông trên thị trường như từ trước đến nay. Đồng thời, theo bà Ngọc, cơ quan thanh tra, giám sát cũng có đủ cơ sở để dựa vào đó mà xử phạt.

Các doanh nghiệp nữ trang kỳ vọng, những quy định về chất lượng ban hành trong Thông tư 22 sẽ giúp họ cạnh tranh lành mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm sẽ được công bố đúng tuổi...

Bên cạnh đó có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về một số quy định mới trong Thông tư này. Trước hết là trang bị cân có phạm vi đo và cấp chính xác phù hợp với khối lượng vàng cần đo. Ông Trần Phi Hùng, Giám đốc doanh nghiệp vàng Tân Bình An (quận 8) nêu lên bất cập về sự không đồng nhất trong việc đo lường tại cơ sở so với lúc đem đi giám định.

Ông Hùng cho biết, cân của đơn vị ông được mua vài nghìn USD và được kiểm định dán tem định kỳ từ Chi cục đo lường chất lượng thành phố. Tuy nhiên, mỗi khi thanh kiểm tra, sản phầm nữ trang của ông lại được giám định bằng một loại cân khác dẫn đến sai số rất lớn. "Vậy thì cơ quan thanh tra chấp nhận loại cân nào?", ông đặt câu hỏi.

Do đó, ông Hùng lo ngại rằng, nếu áp dụng Thông tư 22, những người kinh doanh vàng như ông chỉ có thể chọn giải pháp bán vàng 18K nhưng niêm yết là 17K. "Lần nào đo tại cơ sở thì chất lượng vàng 18K là 75%, nhưng khi đem đi giám định chỉ còn lại 73%. Sai số này là quá lớn", ông nói.

Việc chứng minh nguyên liệu đầu vào trong quy định của Thông tư 22 cũng bị doanh nghiệp kêu khó. Bởi theo các doanh nghiệp, trước giờ phần lớn người mua bán vàng đều thuận mua vừa bán. "Những nguồn vàng mua vào có thể có giấy tờ chứng minh nhưng cũng có thể là vàng trôi nổi trên thị trường", đại diện của một doanh nghiệp nữ trang chia sẻ.

Theo vị này, thậm chí những doanh nghiệp lớn khi gom nguyên liệu sản xuất vàng 4 số chín (hay còn gọi là vàng Y) cũng không có giấy tờ chứng minh. Vì việc mua lại nguyên liệu từ các tiệm vàng nhỏ lẻ đôi khi chỉ thông qua giấy tờ viết tay.

"Nay Thông tư quy định phải chứng minh đầu ra đầu vào sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mức phạt vài trăm triệu đồng trên một lần vi phạm cũng thật sự rất nặng", ông này bày tỏ.

Trước những thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, việc thực hiện lúc đầu chắc chắn sẽ chưa thuận lợi, nhưng về lâu dài là tốt cho người tiêu dùng vì chất lượng nữ trang được đảm bảo.

Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ mới ban hành và chính thức có hiệu lực vào 1/6/2014 được kỳ vọng thiết lập lại trật tự trong thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ vốn bị thả nổi lâu nay.

Đây là bước đi tiếp theo trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, việc ban hành và thực thi thông tư này có thể thanh lọc các điểm kinh doanh không đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kiểm định và đo lường sản phẩm, cũng như không tuân thủ nghiêm túc quy định về công bố chất lượng, hàm lượng.

Lệ Thanh


 

,