Ngân hàng Nhà nước sẽ là Ngân hàng Trung ương chứ không chỉ là cơ quan ngang Bộ, có thêm nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu lạm phát, chủ trì phòng chống rửa tiền, mua bán ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng, theo nghị định Chính phủ mới ban hành.
|
Sau hơn 50 năm, Ngân hàng Nhà nước được nhận lại quyền hạn của một Ngân hàng Trung ương. |
Nghị định số 156/2013 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ ban hành ngày 11/11. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được xác định là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Với nghị định này, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước được trao quyền của một Ngân hàng Trung ương, hoạt động độc lập và tự chủ, theo các chuẩn mức quốc tế, với nhiệm vụ quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cho các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh trong khuôn khổ luật pháp. Lâu nay, với tư cách một cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước cũng phải kiêm thêm trách nhiệm đảm bảo tăng trưởng kinh tế hài hòa với mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhiệm vụ dường như bất khả thi với một cơ quan điều tiết dòng tiền trong nền kinh tế.
Nghị định 156 dành tới 35 đầu mục để quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, thay vì chỉ có 27 đầu mục như Nghị định 96 ban hành từ 2008. Trong đó, công việc liên quan tới lạm phát là nhiệm vụ mới nhất trong vai trò của một Ngân hàng Trung ương. Theo nghị định này, Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để trình Chính phủ, sử dụng các công cụ như tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Liên quan tới quản lý ngoại hối, Nghị định 156 cũng bổ sung nhiều quyền hạn và nhiệm vụ, mà một phần các công việc này Ngân hàng Nhà nước đã triển khai trong thực tế thời gian qua. Theo quy định cũ, Ngân hàng Nhà nước chỉ phải quản lý các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam; quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước; kiểm soát dự trữ quốc tế; xác định tỷ giá giữa Việt Nam đồng và ngoại tệ; tổ chức và phát triển thị trường ngoại tệ; xây dựng cơ chế tỷ giá trình Thủ tướng quyết định.
Nhưng với nghị định mới, cơ quan này còn được phép mua bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia; mua bán ngoại hối với ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác; mua bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Nghị định 156 bổ sung chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng, công việc mà Ngân hàng Nhà nước đang làm hơn một năm qua theo quy định tại Nghị định 54 của Chính phủ.
Một số trách nhiệm, quyền hạn mới cũng được bổ sung cho Ngân hàng Nhà nước theo yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế cũng như phù hợp với thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Chẳng hạn chức năng quản lý nhà nước liên quan tới hoạt động thanh toán, bảo hiểm tiền gửi, phòng chống rửa tiền và đặc biệt là quyền quyết định khi tổ chức tín dụng mất an toàn, đe dọa tới hệ thống. Ngân hàng Nhà nước còn được tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, một công cụ có liên quan tới vấn đề nợ và an toàn tài chính quốc gia.
Với các nhiệm vụ mới này, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước cũng được mở rộng hơn, từ 19 vụ, cục chức năng lên 20 đơn vị và 5 đơn vị sự nghiệp lên thành 7 đơn vị. Trong đó các đơn vị mới bổ sung là Vụ Ổn định tiền tệ - Tài chính; Đại học Ngân hàng TP HCM và Học viện Ngân hàng.
Nghị định 156 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2013, thay thế Nghị định 96/2008 do Chính phủ ban hành từ 2008.
Song Linh