Thị trường vàng 'ấm' nhờ nhẫn tròn trơn

Trong khi vàng miếng ế ẩm, thị trường vàng nhẫn trong những ngày gần đây lại có dấu hiệu sôi động, trở thành nguồn thu chính của nhiều doanh nghiệp.

Thị trường vàng miếng đang trải qua những tuần nguội lạnh. Ghi nhận tại nhiều thương hiệu lớn cũng chỉ cho thấy doanh số giao dịch chỉ đạt vài ba trăm lượng mỗi ngày, thua xa con số vài ngàn lượng khi thị trường còn đỉnh điểm. Các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh đó, cũng thường xuyên diễn ra cảnh vắng khách, thừa vàng, dù chỉ được tổ chức mỗi tuần một lần.

Trái ngược với không khí ấy, thị trường Hà Nội và một số nơi tại TP HCM lại chứng kiến hiện tượng "lạ" khi vàng nhẫn vẫn ghi nhận doanh số lớn , thậm chí còn ngày càng đắt hàng ở nhiều nơi.

nhan-9976-1384401988.jpg

Vàng nhẫn bán ngày một đắt hàng khi giá giảm. Ảnh: Anh Quân

Tại Hà Nội, ông Vũ Minh Châu, chủ của thương hiệu vàng nhẫn Vàng Rồng Thăng Long cho biết nhu cầu đối với mặt hàng này tăng đột biến những ngày gần đây. "So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số sản phẩm này tháng vừa rồi tăng 1,5 đến 2 lần", ông Châu nói. Cũng nhờ vàng nhẫn, trang sức mà tháng 10 vừa qua, doanh nghiệp của ông đạt kỷ lục về doanh số, tăng 300% so với mức cao nhất trước đây.

Không sôi động bằng ở Hà Nội, nhưng tại TP HCM, các doanh nghiệp kinh doanh lớn như SJC cũng bắt đầu ghi nhận sự khởi sắc của nữ trang. Lãnh đạo công ty SJC cho biết, mảng vàng miếng bị sụt giảm,  nhưng từ đầu năm, doanh thu từ nữ trang tăng trưởng trung bình hơn 25%. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng chứng kiến mức tăng trưởng 15 - 20% so với tháng trước đối với riêng mặt hàng vàng nhẫn.

Lý giải về nhu cầu mua nhẫn vẫn cao trong khi vàng miếng ế ẩm, ông Vũ Minh Châu cho rằng kinh tế khó khăn hiện nay khiến nhiều người không đủ tiền để mua cả một lượng, nên họ tích dần từng chỉ một bằng cách mua nhẫn. "Bán chạy nhất hiện nay là loại 2 đến 3 chỉ", ông Châu cho biết.

Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng, Trưởng phòng Kinh doanh của PNJ cho biết vàng miếng loại nhỏ một chỉ, hai chỉ trước đây vẫn có trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấm loại hình này, người dân chuyển qua mua vàng nhẫn ép vỉ. Giá thành chế tác loại này cũng rẻ hơn nên được nhiều người ưa chuộng.

Một chủ hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh (TP HCM) cũng nói thêm, những tháng cuối năm, cưới hỏi diễn ra nhiều nên sức mua vàng nữ trang có tăng lên. "Sức tăng có nhưng không mạnh lắm. Tháng trước bán bình quân mỗi ngày khoảng 10 lượng vàng nữ trang thì nay lên khoảng 12 lượng", ông nói.

Về phía khách hàng, chị Thu Mai, nhân viên kế toán của một công ty may mặc tại quận Tân Phú, TP HCM cho biết, lương tháng trừ các khoản chi tiêu chị còn dư dôi 4-5 triệu đồng. Số tiền này chị thường mang đi mua vàng nhẫn tròn trơn để tích góp. "Loại vàng này vừa mua về tích trữ được, lại có thể đeo trưng diện những dịp lễ, Tết hoặc tiệc tùng", chị Mai chia sẻ lý do chọn mua vàng nhẫn của mình.

Tuy vậy, so với toàn thị trường, tổng doanh số mua bán vàng nhẫn vẫn khá nhỏ bé. Đại diện PNJ cho biết doanh số vàng nhẫn chỉ bằng 1/10 đến 1/20 so với vàng miếng. Mặc dù vậy, với mức tăng đều đều, vàng nhẫn được xem là phân khúc ấm nhất trong bối cảnh doanh số vàng miếng ngày càng sụt giảm, chỉ còn nửa so với hồi đầu năm.

Sức mua tăng, nên nhiều doanh nghiệp lập tức có những thay đổi để đón đầu trào lưu. Mới đây nhất là Bảo Tín Minh Châu ở Hà Nội vừa tuyên bố ra dòng sản phẩm nhẫn ép vỉ mới, hiện đại hơn loại cũ ở chỗ có công nghệ chống giả. Trước đó, nhiều đơn vị khác cũng chạy đua quảng bá loại nhẫn ép vỉ của mình. Hình thức bao bì này khiến nhẫn gần như không còn là vàng trang sức, mà được coi là vàng để đầu tư, tích trữ như vàng miếng.

Sức mua ngày càng tăng, các doanh nghiệp đang khá đau đầu về nguồn cung nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn. Lãnh đạo PNJ cho biết hiện nay Nhà nước siết chặt nguồn vàng nguyên liệu và chưa đồng ý để các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn làm vàng nữ trang. "Có thể nhà quản lý nhận thấy nhiều đơn vị sản xuất vàng nhẫn để lách quy định vàng miếng nên mới siết chặt như thế", đại diện này nhận định.

Còn ở doanh nghiệp của ông Vũ Minh Châu, ông cho biết hiện nay hệ thống hơn 300 đại lý của Bảo Tín Minh Châu vẫn đủ đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức mà không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Vàng nhẫn từng được xem như một cứu cánh của doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng bị thu hẹp. Doanh nghiệp không được tự sản xuất vàng miếng, mở cửa hàng mua bán vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn, không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, chủ yếu trông chờ vào nguồn đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước và thu mua ít ỏi trên thị trường trong nước. Trước tình hình đó, một số đơn vị đã phát triển loại nhẫn tròn trơn, hầu như không có giá trị về mặt trang sức, chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu tư, tích trữ nhưng không bị ràng buộc quản lý như kinh doanh vàng miếng.

Với khách hàng, tuy có nhiều ưu điểm như trên, nhưng nhược điểm của vàng nhẫn hiện nay vẫn là vấn đề giá cả. Ví dụ tại Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn tròn trơn đang được bán ra cao hơn 60.000 đồng mỗi chỉ so với mua vào, tức chênh 600.000 đồng nếu tính theo lượng.

Còn tại DOJI, tuy giá chênh giữa mua và bán thấp, nhưng vàng nhẫn tại đây lại được niêm yết giá tương đương với giá vàng miếng SJC, tức cao hơn thế giới gần 4 triệu đồng theo bảng giá hiện nay. Lý giải về việc này, đại diện DOJI cho biết giá bán của vàng nhẫn tuy cao, nhưng mức mua vào từ khách cũng không thấp.

Còn đại diện Bảo Tin Minh Châu lại cho rằng ưu thế của vàng nhẫn thương hiệu mình là giá sát với vàng thế giới. "Giá vàng nhẫn neo sát giá thế giới, nên rủi ro cho doanh nghiệp cũng cao hơn, nên để chênh lệch trên 1% so với mua vào là hợp lý", ông Châu nói.

Thanh Bình - Lệ Chi


 

,