Tăng đầu tư công phải gắn với tái cơ cấu
22/10/2013 07:43 (GMT + 7)
TT - Bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh một số chỉ tiêu kinh tế được nêu trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Vũ Viết Ngoạn trao đổi với báo chí ngày 21-10 - Ảnh: Việt Dũng

* Bội chi ngân sách năm 2013 đã tăng lên 5,3%, nghĩa là vượt kế hoạch, thưa ông?

- Khi chúng ta tính toán cho năm 2013, dự báo thu ngân sách, nhất là thu từ khu vực doanh nghiệp cao quá. Lúc đó tinh thần cố gắng, nhưng thật sự tăng trưởng kinh tế thấp, làm cho doanh nghiệp khó đạt mục tiêu lợi nhuận của họ. Đây cũng chính là vấn đề cho thấy cần tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay, qua đó góp phần tăng thu ngân sách tốt hơn.

* Năm 2014, Chính phủ tiếp tục đề nghị tăng bội chi ở mức 5,3%, cùng với đó là phát hành thêm trái phiếu chính phủ để đầu tư quốc lộ 1A và quốc lộ 14. Đã có những băn khoăn về nguồn tiền để tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu chính phủ?

- Trái phiếu chính phủ thì phụ thuộc vào sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Khả năng đó không lo ngại. Vấn đề là ta có chấp thuận cho tư tưởng lớn nhất hiện nay là cho tăng tổng cầu lên, hay nói cách khác là duy trì tổng cầu một cách hợp lý để đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.

* Theo ông, các mục tiêu đề ra cho năm 2014 như tăng trưởng 5,8%, chỉ số giá tiêu dùng 7% có khả thi?

- Tôi cho rằng đó là mục tiêu hợp lý với điều kiện là tổ chức thực hiện tốt. Nhiều khi ta đưa ra mục tiêu tương đối tốt, sát thực tế, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện nếu không kiên định và có sự đồng bộ giữa trung ương và địa phương, giữa các bộ ngành thì có thể sẽ bị ảnh hưởng. Cho nên cùng với đó, hệ thống các nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra phải được triển khai đồng bộ.

Cụ thể như việc tăng đầu tư công phải đi liền với đẩy mạnh tái cơ cấu và cải cách, tạo nền tảng ổn định để các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư. Đầu tư từ khu vực nhà nước chỉ là vốn mồi, hỗ trợ trong điều kiện khó khăn với vai trò điều tiết thị trường. Khi nền kinh tế tăng trưởng nóng quá thì Nhà nước phải giảm bớt đầu tư, còn khi kinh tế khó khăn thì Nhà nước phải tăng đầu tư công và có chính sách nới lỏng để thúc đẩy và khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân. Vốn vật chất của Nhà nước chỉ có giới hạn, chủ yếu là công cụ chính sách, trong điều kiện hiện nay thì cần thiết tăng đầu tư lên.

V.V.THÀNH ghi

* Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):

Lo nhất là không tăng lương đúng lộ trình

Ông Đặng Ngọc Tùng - Ảnh: Việt Dũng
Là người đại diện cho đội ngũ những người lao động, tôi cảm nhận rõ khó khăn của nền kinh tế đang tác động trực tiếp đến niêu cơm của mỗi gia đình người lao động. Điều tôi mong chờ là những giải pháp được Thủ tướng nêu lên hôm nay phải cương quyết thực hiện bằng được, tránh tình trạng giải pháp thì đúng nhưng khi triển khai thì rất chậm, thậm chí có tình trạng nói thì hay mà làm thì dở, hoặc nói mà không làm vẫn diễn ra ở nơi này nơi khác.

Những khó khăn về ngân sách chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai một số công trình, dự án, thực hiện phúc lợi xã hội. Điều mà tổ chức công đoàn lo ngại nhất là lộ trình tăng lương tối thiểu cho người lao động, cán bộ công chức, viên chức không thực hiện đúng lộ trình.

Một vấn đề mà đại biểu Quốc hội và nhân dân hết sức quan tâm nữa là tình trạng tham nhũng, lãng phí năm nào báo cáo cũng nói còn nghiêm trọng, phức tạp, chưa được đẩy lùi. Vì vậy, điều tôi trông đợi là tới đây những vụ việc, vụ án đã được phát hiện phải đem ra xử lý nghiêm, công khai kết quả. Phải loại bỏ bằng được ra khỏi bộ máy những kẻ nhũng nhiễu, sâu mọt.

* Ông TRẦN DU LỊCH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Phải cụ thể hơn

Ông Trần Du Lịch - Ảnh: Hoàng Long
Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trì trệ và năm 2014 vẫn sẽ tăng trưởng dưới tiềm năng. Những giải pháp được Thủ tướng trình bày thì tôi đồng tình, nhưng muốn có kết quả thì phải làm sâu hơn, cụ thể hơn. Ví dụ, ngay sau kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ cần có một nghị quyết rất cụ thể để triển khai những giải pháp, nhiệm vụ đó.

Đối với việc nâng cao tỉ lệ bội chi ngân sách, cá nhân tôi cho rằng trong bối cảnh tín dụng khó có tăng trưởng cao như hiện nay thì tỉ lệ tăng bội chi đó (Chính phủ đề nghị 5,3%) chưa thể gây ra lạm phát. Nhưng trong trường hợp tín dụng nới ra được rồi thì phải giảm bội chi, nếu không lạm phát có thể quay trở lại. Do vậy, quan điểm của tôi là vẫn phải giải quyết đồng bộ cả ba nhóm giải pháp: một là tiền tệ, hai là tài khóa, ba là lộ trình điều chỉnh giá cả các hàng hóa do Nhà nước quyết định. Hiện nay lãi suất không còn là vấn đề lớn nữa. Nhưng doanh nghiệp trong nước đã quá đuối sức, cho nên việc tiếp cận vốn ngân hàng không phải dễ. Như vậy cần những chính sách khác để vực dậy khu vực doanh nghiệp trong nước. Đồng thời với nó là vực dậy khu vực sản xuất nông nghiệp.

* Ông NGUYỄN SỸ CƯƠNG (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật):

Giải pháp vẫn chung chung

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: V.D.
Chính phủ nhận định tình hình kinh tế năm 2014 vẫn tiếp tục khó khăn và có ý kiến cho rằng sẽ có mặt còn khó khăn hơn năm nay. Tình hình như vậy nên cần sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, giải pháp cụ thể của Chính phủ. Tuy nhiên, các giải pháp nêu lên trong báo cáo nghe cứ chung chung, thiếu bước đi cụ thể, đặc biệt là việc giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất...

Ngay cả thị trường bất động sản đã đóng băng mấy năm nay rồi, nếu không phá băng được thì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Như gói 30.000 tỉ đồng mà Chính phủ đưa ra đã mang lại được hiệu quả gì? Báo cáo cho thấy là đã giải ngân được cho mấy trăm người vay mua nhà.

LÊ KIÊN ghi

_____________________

Quan sát nghị trường:

Tiền đã được đặt đúng chỗ

Ông Nguyễn Hoàng Hải - phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính:

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại nghị trường đã nêu ra nhiều nhận định thẳng thắn và đặc biệt đưa ra nhiều định hướng quan trọng mà chúng ta mong muốn nó sẽ được thực thi tốt. Ví dụ việc “sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong hai năm 2013-2014” là đáng hoan nghênh.

Trước đây báo Tuổi Trẻ có nêu việc Nhà nước chưa nhận tiền cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giống như các cổ đông bình thường khác, tôi tính toán nếu thu về, Nhà nước có thể nhận được ít nhất 2 tỉ USD/năm để đầu tư vào hạ tầng. Với phát biểu của Thủ tướng hôm qua, có thể hiểu sẽ chỉ thu cổ tức từ các doanh nghiệp đã cổ phần nhưng chưa giao về SCIC, nhưng tôi hi vọng rằng có thể hiểu sẽ gồm cả những DNNN khác.

Nhưng chỉ cổ tức từ DNNN chưa bàn giao về SCIC thì không đáng kể, những doanh nghiệp đã bàn giao về SCIC như Vinamilk, FPT, Nhựa Tiền Phong... cũng nên thu về cho ngân sách, bởi để lại cho SCIC có lúc họ còn đem gửi ngân hàng cơ mà. Những DNNN khác chưa cổ phần hóa như Tập đoàn Dầu khí, Viettel... cũng nên đặt chỉ tiêu thu 10% lợi tức trên vốn điều lệ. Bởi các doanh nghiệp bình thường khác, dù kinh doanh khó khăn, tổng giám đốc vẫn phải cố gắng để cuối năm có thể trả được cổ đông tỉ lệ như thế. Điều này sẽ giúp tạo áp lực lên DNNN, giảm khả năng họ phung phí, đầu tư ngoài ngành...

Báo cáo do Thủ tướng đọc nêu nhiều mục tiêu, giải pháp lớn. Mong rằng nó sẽ được cụ thể hóa. Ví dụ lãi suất huy động nhiều nước trong khu vực chỉ dưới 1%. Cần đưa ra mục tiêu kéo lãi suất xuống, với thời điểm cụ thể để doanh nghiệp có thể vay được lãi suất 3%/năm...

CẦM VĂN KÌNH ghi


 

,