Khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa 13: Xác định những việc cần làm để phát triển đất nước

Sáng qua, kỳ họp thứ 6 QH khóa 13 đã khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội). Trong ngày làm việc đầu tiên, QH đã nghe các báo cáo quan trọng về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri và thảo luận tại hội trường về dự luật Việc làm.

Khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa 13: Xác định những việc cần làm để phát triển đất nước
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc - Ảnh: Ngọc Thắng

 

QH yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quá trình thảo luận, kết hợp với việc thảo luận, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xử lý thấu đáo các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm để QH thông qua một đạo luật về đất đai đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và lòng mong mỏi của nhân dân

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Đây là kỳ họp có vị trí đặc biệt quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác của ngành tư pháp, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước”.

 Cũng tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc phê chuẩn nhân sự cao cấp của Chính phủ; thảo luận và biểu quyết thông qua dự luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Chủ tịch QH, để việc thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, “trong kỳ họp này QH sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra”.

 Với luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “QH yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quá trình thảo luận, kết hợp với việc thảo luận, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xử lý thấu đáo các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm để QH thông qua một đạo luật về đất đai đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và lòng mong mỏi của nhân dân”.

Theo nghị trình, sáng nay 22.10, QH nghe Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu QH và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); nghe Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 và nội dung thẩm tra báo cáo này; nghe Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa 13 thông qua. Các nội dung này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Chiều cùng ngày, QH nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi đua, khen thưởng, và thảo luận về dự luật này.

Hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng

Khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa 13: Xác định những việc cần làm để phát triển đất nước

Thu ngân sách không đạt được thì chúng ta sẽ không có tiền để tiếp tục phát triển một số dự án đã được thông qua, trong đó có vấn đề quan trọng liên quan thiết thân tới người lao động là tăng lương theo lộ trình. Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết khó khăn, thể hiện những nỗ lực lớn. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra theo chúng tôi phải cương quyết để thực hiện cho thật tốt. Điều mà nhân dân và xã hội quan tâm là hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng, loại trừ tối đa tệ nạn này ra khỏi guồng máy của Chính phủ. Đây là vấn đề làm cho niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ và đất nước bị xói mòn.

ĐB Đặng Ngọc Tùng
(Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN)

Lạm phát năm 2014 nên ở mức 7%

Khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa 13: Xác định những việc cần làm để phát triển đất nước

Các chỉ tiêu không đạt theo tôi do quá trình xây dựng dự toán vẫn còn hơi cao, khi thực hiện gặp nhiều khó khăn khách quan và chủ quan. Đặc biệt là hai chỉ số tăng trưởng GDP và bội chi. Chính phủ đã tính toán không hết, dự báo thu ngân sách từ doanh nghiệp có thể đạt, nhưng thực tế quá thấp. Lúc xây dựng dẫu biết tinh thần là cố gắng, nhưng thực sự tăng trưởng kinh tế thấp làm cho doanh nghiệp cũng khó khăn rất nhiều, không đạt được mục tiêu lợi nhuận theo kế hoạch. Theo tôi, năm tới nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong khoảng 5,7 - 5,8% là tốt nhất. Để đạt được, phải tăng đầu tư công lên một chút, tổng vốn đầu tư xã hội phải khoảng 31 - 32%, còn chỉ tiêu 30% như Chính phủ đề ra là hơi non và tín dụng phải tăng ở mức 15%. Chỉ số CPI ở mức 7% trong 2014 theo tôi cũng ở mức hợp lý. Điều quan trọng là quá trình thực hiện phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách tạo tâm lý yên tâm ở trong và ngoài nước cho các nhà đầu tư. Lúc đó, mới hấp dẫn được khu vực tư nhân, đầu nước ngoài mới tham gia vào, còn nhà nước chỉ bỏ vốn hỗ trợ trong lúc khó khăn.

ĐB Vũ Viết Ngoạn
(Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)

GDP giảm, bội chi tăng

Báo cáo của Thủ tướng tại phiên khai mạc cho thấy nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, với phần lớn chỉ tiêu năm 2013 đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, những chỉ tiêu không hoàn thành được đánh giá là chỉ tiêu quan trọng, bao gồm: tăng trưởng, bội chi, việc làm và tổng vốn đầu tư xã hội.  

Kinh tế có dấu hiệu hồi phục

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và nhiệm vụ 2014 - 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, khởi sắc, chỉ có 4/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch giao.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, biểu hiện rõ qua tốc độ tăng giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2013 là 4,63% và dự báo cả năm chỉ khoảng 7% so với kế hoạch đặt ra khoảng 8%. Mặt bằng huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh, 9 tháng đầu năm lãi huy động giảm 2 - 3%, lãi cho vay giảm từ 3 - 5%; tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt mức khoảng 12 tuần nhập khẩu; nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

“Các chính sách đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên 10,8% và có trên 11.200 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại”, Thủ tướng cho biết.

Nhìn nhận bức tranh chung của cả nền kinh tế, Thủ tướng đánh giá: “Trong 15 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.

Theo báo cáo, các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch gồm: tỷ lệ nhập siêu, tốc độ tăng giá tiêu dùng, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Tuy nhiên, 2 chỉ tiêu xấp xỉ và 2 chỉ tiêu không đạt, theo đánh giá tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều là các chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong 2013 ước đạt 5,4%, thấp hơn so với kế hoạch là 5,5%. Chỉ tiêu tạo việc làm đạt 1,54 triệu, thấp hơn kế hoạch là 1,6 triệu. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt 29,1% so với kế hoạch là 30%. Bội chi ngân sách nhà nước/GDP chiếm 5,3% so với kế hoạch là 4,8%.

GDP thấp nhất trong vòng 13 năm

Nhìn vào 4 chỉ tiêu không đạt, Ủy ban Kinh tế đánh giá: Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1 - 2 năm tới. Về tăng trưởng GDP, báo cáo thẩm tra chỉ rõ tốc độ tăng bình quân 3 năm 2011 - 2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 - 7%). “Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt như Myanmar tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012, Campuchia tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012…”, báo cáo dẫn chứng.

Đối với tổng mức đầu tư toàn xã hội, theo Ủy ban Kinh tế, trong giai đoạn 2008 - 2010 bình quân chiếm 38,6% GDP/năm, cho mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,1%/năm. Giai đoạn 2011 - 2013 chỉ số này giảm còn khoảng 31%/năm, kéo tăng trưởng GDP bình quân giảm 0,7%, đạt bình quân 5,37%/năm (tính theo giá so sánh 1994).

Một trong những “con số” thu hút sự chú ý nhất là tỷ lệ bội chi. Lần đầu tiên trong năm nay Chính phủ thừa nhận, chi vượt dự toán còn thu thì không bằng, dẫn tới bội chi tăng lên 5,3% GDP, cao hơn nhiều so với mức 4,8% GDP mà QH giao. Năm tới, Chính phủ tiếp tục xin giữ bội chi ở mức này để giữ đà tăng trưởng GDP ở mức 5,8%. Báo cáo thẩm tra đánh giá, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ.

“Một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP như tờ trình, đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.

Đánh giá lại chỉ tiêu tạo việc làm

Theo Ủy ban Kinh tế, chỉ tiêu tạo thêm 1,6 triệu việc làm trong năm tới cũng cần phải được đánh giá lại, bởi thời gian qua có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Cụ thể, một bộ phận không nhỏ do khó khăn thị trường buộc phải cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng đã diễn ra từ năm 2012 và tiếp tục kéo dài đến nay. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại (tổng 64.906) trong 8 tháng đầu năm 2013 có xu hướng tăng dần, tuy nhiên vẫn không nhiều hơn đáng kể số lượng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động (tổng 60.438). Các doanh nghiệp hiện đang hoạt động vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, bắt đầu đã có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm và thu ngân sách.

Khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa 13: Xác định những việc cần làm để phát triển đất nước

Anh Vũ - Nguyệt Minh

 Bảo Cầm


 

,