Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản (BĐS) Đất Lành (Tp.HCM) cho hay, trong khi tồn kho BĐS vẫn còn là 1 ẩn số, “bệnh tình” của doanh nghiệp (DN) BĐS ngày càng nặng nên phải chấp nhận bán lỗ để tồn tại còn hơn là chết đứng trên núi tài sản không thể chuyển đổi thành tiền.
Vẫn có thể giảm thêm
Đối với những sản phẩm cao giá có thể giảm 50%-60%; sản phẩm trung bình
dưới 15 triệu đồng/m2 có thể giảm 10%-20%. Phân khúc cao cấp sẽ giảm
nhiều hơn so với phân khúc thấp cấp và cùng trong 1 loại sản phẩm thì
diện tích lớn sẽ giảm giá nhiều hơn diện tích nhỏ.
Ví dụ, phân khúc thấp có thể giảm từ 15 triệu đồng/m2 xuống 13 triệu
đồng/m2 nhưng trong phân khúc thấp này, nhà 50-60 m2 có khi bán giá 13
triệu đồng/m2, diện tích 80-100 m2 là 13 triệu đồng/m2 không bán được mà
có thể giảm còn 10-11 triệu đồng/m2. Trong cùng 1 dự án, nhà diện tích
lớn sẽ cộng thêm 1 lần giảm giá theo diện tích. Chẳng hạn, căn hộ đang
bán với giá 15 triệu đồng/m2 có thể giảm còn 13 triệu đồng/m2, đối với
những căn hộ ở vị trí xấu hoặc diện tích quá lớn có thể giảm còn 11-12
triệu đồng/m2.
Vào thời điểm bong bóng BĐS, 80% nhà đầu tư mua đi bán lại, chạy theo
cơn sốt ảo, đầu tư các dự án nhà cao cấp diện tích từ 80-150 m2, thậm
chí 500 m2. Các dự án này chủ yếu phục vụ nhu cầu đầu cơ chứ không xuất
phát từ nhu cầu thật của thị trường. Nay đầu cơ không còn đất sống,
những dự án này “chết đứng”.
Ông Đực nhận định: “Giá BĐS vẫn chưa đến đáy. Sắp tới, còn nhiều DN
giảm giá nữa và khả năng sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá kéo
dài từ nay đến hết năm 2014. Mặc dù vậy, những căn hộ cao cấp vẫn rất
khó bán vì phục vụ đối tượng khách hàng cao cấp. Đối tượng này hiện cũng
khó khăn hoặc sa lầy ở các lĩnh vực kinh doanh khác”.
Theo chuyên gia kinh tế độc lập - TS Đinh Thế Hiển, các nhà đầu tư căn
hộ cao cấp không còn kỳ vọng có thể giao dịch được khi bán giá cao. Việc
giảm giá căn hộ cao cấp buộc phải xảy ra vì phân khúc này sau một thời
gian đóng băng nay phải giảm giá mới bán được. Giảm giá mạnh chỉ xảy ra ở
những dự án xa trung tâm. Với phân khúc trung bình, có thể giảm giá
thêm nhưng chắc chắn mức giảm không nhiều. Kỳ vọng căn hộ trung cấp giảm
giá còn 10 triệu đồng/m2 là không thể vì chi phí đầu vào đã hơn mức đó.
Giảm giá và giữ chất lượng thì mới rẻ!
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng nếu
xác định đáy là giá vốn của DN thì những năm vừa qua BĐS đang ở vùng đáy
về giá cả. Có DN bán có lãi chút ít, nhiều DN bán hòa vốn và không ít
DN chấp nhận bán lỗ. Giảm giá BĐS là 1 phương thức bán hàng, giải bài
toán thanh khoản cho DN nhưng nhiều DN băn khoăn liệu giảm giá có đi đôi
với giảm chất lượng?
Theo ông Hiển, hiện tượng DN giảm giá BĐS có thể chia làm 3 dạng: Thứ
nhất là chủ DN có năng lực phát triển dự án nhưng trước đây bán giá cao,
nay thực sự giảm giá để tiêu thụ; thứ hai là chủ đầu tư hết năng lực,
tìm đối tác sang nhượng và thường không chọn giải pháp bán lẻ; thứ ba là
chủ đầu tư muốn tiêu thụ sản phẩm BĐS, làm ra vẻ giảm giá để thu hút
khách hàng. Chẳng hạn, 2 dự án EverRich và Novaland công bố giảm giá
nhưng rất khó xác định có giảm thật hay không. Novaland công bố giảm giá
nhưng không phải bán dự án giá 50 triệu đồng/m2 trước đây với giá 27
triệu đồng/m2 mà cùng với giảm giá là điều chỉnh sản phẩm. Hay như Công
ty Phát Đạt (dự án EverRich) công bố mặt bằng đẹp, trước đây rao bán
80-100 triệu đồng/m2 nhưng giá đó chưa giao dịch được, giờ giảm giá vẫn
trên 40 triệu đồng/m2 nên vẫn khó xác định giá này đã giảm chưa.
Vì vậy, chỉ những dự án giảm giá trong khi chất lượng không thay đổi thì mới thật sự giảm và có lợi cho người mua.
Tâm lý chung của khách hàng là chờ giá BĐS giảm tiếp. Nhu cầu của người dân chủ yếu là ở phân khúc căn hộ dưới 1 tỉ đồng, tốt nhất là dưới 500 triệu đồng nhưng với các quy định hiện hành, các DN rất khó làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu này. |