Khu du lịch 2.500 tỷ đồng bị bỏ hoang

Khu du lịch 2.500 tỷ đồng bị bỏ hoang

Dự án Khu Du lịch Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) đã khởi động 8 năm qua nhưng tới nay vẫn trong tình trạng hoang vắng.

Tháng 8/2005, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép đầu tư Khu Du lịch Bình Tiên cho Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (gọi tắt là công ty Bình Tiên). Tổng vốn đầu tư của dự án là 550 tỷ đồng, sau đó Công ty Bình Tiên nâng mức đầu tư lên 2.579 tỷ đồng.

Trước khi được cấp phép, Công ty Bình Tiên đã trình kế hoạch đầu tư những hạng mục rất “khủng” ở khu du lịch này, như: hệ thống khách sạn cao cấp hơn 500 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.000 chỗ ngồi, 200 căn biệt thự, bến du thuyền, sân golf, nhà thi đấu thể thao... với tổng quỹ đất khoảng 190 ha.

du-an-2500-1875-1378954200.jpg

Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, nguyên nhân khiến dự án bị quá chậm chủ yếu vẫn là do công tác tổ chức, quản lý, thực hiện.

Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thu hồi đất sản xuất, đất ở của 72 hộ dân của thôn Bình Tiên, xã Công Hải với lời hứa của nhà đầu tư là “chỉ trong vài năm, khi khu du lịch hình thành, đời sống của bà con sẽ khá hơn nhờ kinh doanh, dịch vụ...”. Tuy nhiên, hiện nay khu du lịch này vẫn hoang vắng ngoài việc chỉ xây dựng một khu tái định cư. Kể từ khi được cấp phép đến nay, đã qua 4 “đời” chủ tịch UBND tỉnh nhưng Khu Du lịch Bình Tiên vẫn còn… trên giấy.

Ông Dương Văn Tửu, một trong những hộ dân bị thu hồi đất, than thở: “Sau khi nhận 500 triệu đồng tiền đền bù (gồm 6 ha đất nông nghiệp, nhà cửa…), gia đình tôi xây lại nhà ở khu tái định cư gần hết tiền. Không có việc làm nên cả nhà phải làm đủ việc để sống qua ngày”. Theo ông Tửu, Khu Du lịch Bình Tiên đã nhiều lần làm lễ khởi công, sau đó lại bỏ hoang. Ông Phạm Văn Hòa (Hội Nông dân thôn Bình Tiên) cho biết: “Khi chưa xây dựng khu du lịch, hầu hết bà con tại đây ai cũng có một đàn dê hoặc bò với tổng số hơn 1.000 con. Mấy năm qua, đất đai bị thu hồi, không còn đồng cỏ nên người dân đã bán gần hết đàn gia súc. Hiện đời sống của họ rất khó khăn, nhiều hộ phải chạy gạo từng bữa…”.

Thiếu đất sản xuất, thiếu tiền làm vốn, không tìm được sinh kế… nên một số gia đình bỏ khu định cư tìm nơi khác mưu sinh. “Đất của dân đã giao cho nhà đầu tư, trong khi đó, những điều kiện hỗ trợ cho bà con lại chưa thấy đâu. Thậm chí, một con đường giao thông dẫn từ khu tái định cư ra biển mà nhà đầu tư đã hứa, đến nay vẫn chưa làm”, một lãnh đạo UBND huyện Thuận Bắc bức xúc.

Giải trình việc quá chậm trễ của dự án, Công ty Bình Tiên đưa ra nhiều nguyên nhân: do công tác giải phóng mặt bằng gặp trở ngại, kéo dài; nguồn nước cung cấp cho hoạt động của khu du lịch (do UBND tỉnh giao cho một doanh nghiệp địa phương thực hiện) chưa có, chưa kéo đường điện cao thế cho khu du lịch…

Nêu lý do như vậy nhưng ông Dương Văn Nguyên - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Bình Tiên - thừa nhận sở dĩ dự án kéo dài là vì công ty không chủ động được nguồn vốn đầu tư; thiết kế dự án phải chỉnh sửa nhiều lần, hợp đồng thi công kéo dài…

Trong báo cáo vào ngày 28/8 gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty Bình Tiên cam kết từ nay đến cuối năm 2014, sẽ hoàn thành ít nhất 3 hạng mục: Hệ thống giao thông, cấp thoát nước và sân golf với tổng vốn khoảng 380 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, sẽ xây dựng xong khách sạn 5 sao 200 phòng và 80 biệt thự - bungalow (590 tỷ đồng). Đến năm 2016, hoàn thành trung tâm hội nghị quốc tế (1.000 chỗ ngồi), hệ thống khách sạn, biệt thự, khu thủy cung vui chơi… (gần 1.500 tỷ đồng).

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Ninh Thuận hoài nghi, với thực tế triển khai dự án trong 8 năm qua của công ty Bình Tiên, liệu doanh nghiệp này có đủ khả năng để bảo đảm thực hiện đúng cam kết.

Theo NLĐ


 

,