Khối ngoại ồ ạt rút tiền đẩy chứng khoán tuột dốc

Khối ngoại ồ ạt rút tiền đẩy chứng khoán tuột dốc

Trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên hai sàn gần 30 triệu cổ phiếu, trị giá 590 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức rút ròng của tháng 7. Xu thế này đẩy chứng khoán giảm 2 tuần liền, xóa sạch nỗ lực tăng điểm 2 tháng qua.

Sau hơn một tuần chìm trong sắc đỏ, đến phiên giao dịch ngày 28/8, Vn-Index lại rơi tự do, mất 12,27 điểm và lui về 473,3 điểm. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ động thái xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ trong ngày hôm qua khối ngoại bán ròng 70 tỷ đồng, tập trung ở một số cổ phiếu như HQC, CTG, VCB, BVH, ITA…

10 phiên trở lại đây, HOSE chứng kiến khối ngoại bán ròng 21 triệu cổ phiếu, tương đương 580 tỷ đồng. BVH, VCB, PPC, CTG, STB, OGC bị xả mạnh nhất với khối lượng 1-2 triệu cổ phiếu. 

Tương tự, sàn Hà Nội cũng chịu áp lực bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 28/8, HNX-Index bị trượt khỏi mốc 61 điểm, chỉ số này mất 0,73 điểm, xuống còn 60,68 điểm. Cổ phiếu biến động mạnh về giá, nhiều mã nhanh chóng nằm sàn vì dư cung lớn. ACB, PVX, PVS, VCG là những mã bị khối ngoại bán nhiều nhất HNX.

Hiện tượng xả hàng dồn dập của nhà đầu tư nước ngoài đã khiến giá cổ phiếu trượt về mức thấp nhất trong khoảng một tháng trở lại đây và được dự báo chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ đầu tháng 8 đến ngày 28/8, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên hai sàn gần 30 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 590 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức rút ròng của tháng 7.

Theo các chuyên viên môi giới, hiện tượng bán ròng của khối ngoại thời gian qua là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm, giao dịch èo uột. Tháng 9 là thời điểm các quỹ ETF đánh giá danh mục là động lực để các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán cổ phiếu.

chung-khoan-1377697178.jpg
Trong 21 phiên giao dịch của tháng 8, khối ngoại đã rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam 590 tỷ đồng. Ảnh: B.H

Một chuyên viên môi giới thuộc chi nhánh Công ty Chứng khoán MB chia sẻ, từ đầu tháng đến nay, khách hàng của chị hạn chế giao dịch do “thị trường nhạy cảm, tăng giảm thất thường, muốn lướt sóng cũng khó”. Hiện khách hàng của chuyên viên này giữ những mã thuộc hàng lướt sóng như PPC, SHB, ITA, PVS.
 
Trưởng phòng môi giới tại một công ty top 10 thị phần ở Hà Nội lý giải, trên thực tế, thị trường trước đó đã tăng quá cao, Vn-Index luôn duy trì trên mốc 500 điểm nên tuần vừa qua phải chịu áp lực bán mạnh là bình thường. Bên cạnh đó, chứng khoán Mỹ cũng bị bán liên tiếp gây ảnh hưởng lên thị trường Việt Nam. Theo chuyên gia môi giới này, một lý do nữa khiến thị trường giảm điểm mạnh là mối lo ngại từ những thông tin bất ổn ở Syria khiến chứng khoán Mỹ nhuộm đỏ từ đầu tuần.
 
Trong bản tin nhận định thị trường mới nhất ngày 28/8, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu ảnh hưởng của làn sóng bán tháo mạnh mẽ. Nguyên nhân do những động thái bất định liên quan đến kế hoạch giảm kích thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Gần đây nhất là thông tin Mỹ cùng đồng minh có thể tấn công Syria trong vài ngày tới. Lo ngại FED rút dần nới lỏng định lượng khiến dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ.
 
Thị trường Việt Nam chịu cả ảnh hưởng ngắn hạn của biến động tại Trung Đông lẫn trung hạn do chính sách của FED. Dù vậy, nhóm phân tích của MBS vẫn nhận định mức giảm của chứng khoán Việt Nam thấp hơn so với các thị trường tương tự như Thái Lan, Indonesia, Phillipin. Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị nên đứng ngoài thị trường trong thời điểm này, ít nhất cho đến khi chương trình cắt giảm kích thích của FED thực sự được tiến hành.

Trưởng phòng phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Kim Eng, Phan Dũng Khánh cho rằng một số thông tin xấu của kinh tế toàn cầu bắt đầu tác động mạnh đến tâm lý của các quỹ đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đang nắm giữ nhiều blue-chip hoặc cổ phiếu có tính thanh khoản cao tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các quỹ mở đã mạnh tay xả hàng, rút vốn về để phòng thủ.

"Chính động thái bán ròng dồn dập của khối ngoại trong tháng 8 đã khiến nhà đầu tư trong nước hoang mang, xả hàng theo. Cơn lốc giảm giá cổ phiếu chủ yếu bị chi phối bởi yếu tố tâm lý này", ông Khánh nhận xét.

Trong khi đó, theo Công ty chứng khoán FPTS, có rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến thị trường chứng khoán trong nước. Bên cạnh nguyên nhân bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài phải kể đến những tác động tiêu cực của chứng khoán thế giới.

Cụ thể, thông tin liên quan đến lạm phát, nợ xấu và biến động bất ổn của thị trường thế giới gần đây cũng khiến cho nhà đầu tư do dự, chưa sẵn sàng tham gia thị trường trở lại. Nếu như tình hình này kéo dài, thị trường sẽ gặp khó khăn trong những phiên tới. Diễn biến có thể xấu hơn khi lượng cổ phiếu quay vòng giá rẻ về tài khoản khiến áp lực bán tăng trở lại. Công ty chứng khoán FPTS khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng trước giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài để đưa ra quyết định kịp thời nếu trạng thái bán ròng tái diễn.

Hà Thanh - Tường V

 

,