Khách hàng Usilk City tự quản tài chính cho dự án Khách hàng Usilk City tự quản tài chính cho dự án
Nhóm khách hàng lập một ban đại diện
cùng với chủ đầu tư quản lý khoản tiền mà họ đã đóng, đồng thời kiểm
soát tiến độ thi công dự án.
Sau nhiều lần thất hẹn của chủ đầu tư (Công ty Sông Đà Thăng Long), dự án Usilk City (Hà Đông) hiện đã chậm bàn giao một năm rưỡi. Đa số các tòa nhà còn dở dang hoặc ở dạng móng. Khách hàng cũng đã nhiều lần gửi đơn khiếu kiện, tố cáo đến các cơ quan chức năng nhằm gây áp lực với chủ đầu tư nhưng không mang lại kết quả. Gần đây, nhóm khách hàng của Usilk City đã đưa ra phương án mà theo họ chính là cách để “tự cứu mình”. Phương án này sau đó đã nhận được sự đồng thuận của Công ty Sông Đà Thăng Long cũng như phía ngân hàng. Dự kiến, sau khi thực thi kế hoạch này trong khoảng 23 tuần (tức là đến cuối năm 2013), khách hàng tại 3 tòa nhà cụm CT1 sẽ được nhận nhà. Trước đây, khi nộp tiền khách hàng sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của Sông Đà Thăng Long tại BIDV. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại của chủ đầu tư, khách hàng lo ngại, nếu vẫn làm theo cách này, các nhà băng có thể tự động siết nợ số tiền đổ vào tài khoản này khiến họ không được nhận nhà.
Vì thế, họ đề xuất phương án mới để có thể tự quản lý khoản tiền của mình. Theo biên bản thỏa thuận giữa 3 bên gồm khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân, từ nay đến 1/8, người mua nhà sẽ tạo các tài khoản cá nhân tại BIDV và nộp số tiền còn lại của căn hộ theo hợp đồng vào đó. Số tiền trên được chia làm 23 phần, tương ứng với 23 tuần. Hàng tuần, phần tiền được nhà băng chuyển vào một tài khoản chung của nhóm khách hàng. Tài khoản chung của nhóm khách hàng sẽ do 4 người đứng tên, trong đó có một thành viên của chủ đầu tư là ông Châu Cao Tuệ - Phó tổng giám đốc. "Tiền đổ vào tài khoản chung này là của Sông Đà Thăng Long, coi như đơn vị này đã ủy quyền cho ông Tuệ đứng ra thu tiền của khách. Tuy nhiên, họ lại không được tiêu khoản tiền này cho đến khi có đủ chữ ký của đại diện khách hàng", đại diện người mua nhà lý giải. Để giải ngân khoản tiền này, tổ giám sát của nhóm khách hàng sẽ cùng BIDV kiểm tra tiến độ thi công trên thực tế cũng như theo hồ sơ báo cáo của nhà thầu. Sau đó, các đại diện đứng tên tài khoản chung mới ký vào lệnh chuyển tiền từ tài khoản chung sang của Sông Đà Thăng Long . Tại buổi làm việc với khách hàng chiều 25/7, Chủ tịch Sông Đà Thăng Long Nguyễn Trí Dũng đã nhận lỗi, do đầu tư dàn trải của đơn vị nên gây ra sự đổ vỡ niềm tin đối với khách hàng. Ông này cũng cho biết, để bàn giao được cụm CT1, chủ đầu tư cần 350 tỷ đồng, trong khi khoản chưa thu được từ khách hàng là 327 tỷ. Phần còn thiếu chủ đầu tư sẽ xoay sở thông qua việc bán một số căn hộ tại các dự án khác. Trung bình mỗi tuần chủ đầu tư cần tương đương khoảng 15 tỷ đồng. Để lấy lại niềm tin, ông Dũng cho biết, công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án trong 2 tuần. Tuy nhiên, trong thời gian này, khách hàng cũng phải chứng minh việc nộp tiền đầy đủ như thỏa thuận. Đại diện nhóm khách hàng cho biết, trong tổng số 639 khách hàng mua nhà tại cụm CT1 thì có 118 người đã nộp 100% giá trị hợp đồng. Số còn lại đa số đều đồng ý với phương án tự quản lý khoản tiền do các bên thỏa thuận. "Riêng có khoảng 31 nhà đầu tư mới nộp dưới 40% giá trị thì chưa đồng ý với phương án này. Do đó, chúng tôi đang đề nghị chủ đầu tư chuyển họ sang những tòa nhà có tỷ lệ nộp tiền tương ứng", vị đại diện cho hay. Về vấn đề này, đại diện Sông Đà Thăng Long cũng cho biết đang nhờ tư vấn luật sư để có phương án hợp lý với số khách hàng trên. Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Phùng Viết Vĩnh - Công ty Luật Vinawin cho biết, việc khách hàng tham gia cùng đại diện chủ đầu tư quản lý dòng tiền như thỏa thuận trên không vi phạm luật pháp. Ông cũng nhận định, những lo lắng của khách hàng là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, giải pháp trên trong hoàn cảnh hiện nay là cứu cánh duy nhất giúp họ nhận được nhà.
Ngọc Tuyên |
,