Ông Đoàn Nhật - phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - khẳng định trách
nhiệm đầu tiên khi để xảy ra xây nhà không phép hàng loạt là thuộc về
chủ tịch UBND xã.
Lãnh đạo các xã: có nghe phong thanh...
Không hỗ trợ cho người bị tháo dỡ nhà Ông Đoàn Nhật, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, khẳng định như trên khi đề cập việc hỗ trợ cho những người dân đang bị tháo dỡ, đập nhà vì xây dựng không phép. Ông Nhật cho rằng trách nhiệm của người dân là phải biết các quy định về xây dựng khi bắt đầu mua đất, xây nhà. “Không thể đổ thừa vì không có ai phát hiện mà tôi vi phạm, cũng như người ăn trộm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không thể đổ trách nhiệm vì người chủ lơ là. Người dân đã xây dựng không phép thì phải chấp nhận hậu quả bị tháo dỡ nhà vi phạm” - ông Nhật nói. Xác định 52 đầu nậu xây nhà không phép Ngày 18/7, ông Trần Trọng Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng TP - cho biết hiện Công an huyện Bình Chánh đã xác định được 52 đầu nậu chuyên phân lô đất nông nghiệp, xây dựng không phép để bán hoặc “bao” thầu xây dựng không phép cho người muốn xây nhà. Trong đó, một trường hợp đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can. Công an huyện cũng đang củng cố hồ sơ 51 trường hợp còn lại để xử lý theo quy định. Tại cuộc họp giao ban tổ công tác đặc biệt chiều 18/7, ông Tuấn cũng chỉ đạo UBND các xã, các cán bộ, chuyên viên tham gia xử lý nhà xây không phép trong đợt này phải tiếp xúc để vận động các chủ nhà khai báo các thông tin về việc mua đất của ai, mua nhà của ai, ai xây dựng, trong quá trình xây dựng có chung chi cho ai không để cơ quan chức năng có cơ sở xử lý. |
Thượng tá Nguyễn Văn Quý, phó trưởng Công an huyện Bình Chánh, cho biết
ngay khi báo Tuổi Trẻ đăng thông tin bà Lâm Ngọc Lành (ấp 5, xã Bình
Hưng) chung chi cho cán bộ để xây nhà không phép không bị cưỡng chế,
cảnh sát điều tra đã gặp bà Lành để xác minh sự việc. Bà Lành cho biết
một cán bộ đội trật tự đô thị xã Bình Hưng (không phải cán bộ ấp như
thông tin bà Lành nói trước đó) ra giá 150 triệu đồng để “bao” việc nhà
bà sẽ không bị tháo dỡ. Sau đó bà Lành trả giá xuống 50 triệu đồng và đã
giao trước 20 triệu nhưng khi thấy tình hình không ổn, người này đã
mang tiền trả lại. Công an huyện Bình Chánh đang tiếp tục xác minh điều
tra để kết luận chính thức về vụ việc này.
Chiều 18/7, ông Nguyễn Văn Hồng - bí thư Đảng ủy xã Bình Hưng - xác
nhận có cán bộ tên họ như bà Lành cung cấp và cho rằng nếu sự việc như
bà Lành nói là sự thật sẽ xử lý cán bộ. Ông Hồng cho biết đây là lần đầu
tiên xã tiếp nhận thông tin cụ thể về việc tiêu cực trong xây nhà không
phép.
Về thông tin chung chi để xây nhà không phép tại xã Vĩnh Lộc B, ông
Thiều Văn Se - chủ tịch UBND xã - cũng cho biết lãnh đạo xã rất quan tâm
việc người dân nói “không chung chi thì không cách nào xây nhà và tất
cả đều thông qua các “cò”, đầu nậu”. Ông Se cho biết trong 218 căn nhà
xây không phép bị tháo dỡ, đa số là của các đầu nậu xây lên để bán. Dù
chưa phát hiện cụ thể việc tiêu cực nhưng ông Se cho rằng từ thông tin
trên báo Tuổi Trẻ, UBND xã Vĩnh Lộc B sẽ phối hợp với phía công an làm
rõ có hay không việc các đầu nậu ngoài tiền nhận thầu công trình còn
nhận thêm tiền chung chi để việc xây nhà được trót lọt mà người dân đã
phản ảnh.
Lại kêu khó xác minh, khó xử lý!
Trao đổi với PV, thượng tá Nguyễn Văn Quý xác nhận ngoài các thông tin
mà báo chí đã nêu, công an huyện cũng đang chủ động điều tra việc ra giá
chung chi, bảo kê xây dựng không phép có liên quan đến các cán bộ tại
huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên số vụ việc liên quan đến cán bộ chỉ chiếm một phần nhỏ, các
đối tượng còn lại chủ yếu là đầu nậu, “cò”. Theo ông Quý, việc xác minh
điều tra vấn đề chung chi để được xây nhà không phép rất khó khăn. Người
dân xây nhà không phép thường thông qua “cò”, đầu nậu bí mật thỏa thuận
giá cả chung chi, do đó khi cơ quan chức năng phát hiện, cưỡng chế thì
kêu lên nhưng không cung cấp được bằng chứng xác đáng. Thậm chí có nhiều
vụ bị bắt quả tang nhưng cuối cùng vẫn không đủ bằng chứng để xử lý
hình sự.
Trước các thông tin tiêu cực trong xây nhà không phép tại các xã Bình
Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, ông Đoàn Nhật - phó chủ tịch UBND huyện
Bình Chánh - cho biết rất hoan nghênh người dân đã thông tin nhưng thông
tin này đang rất thiếu chứng cứ, phải có chứng cứ cụ thể thì mới xử lý
được. Ông Nhật cho biết các trường hợp thông tin tố cáo không xác định
được người tố cáo nhưng xác định được đối tượng bị tố cáo thì sẽ kiểm
tra, xử lý. Còn nếu người bị tố chung chung, không cụ thể thì không có
căn cứ để xử lý. Dù vậy, ông Nhật khẳng định đây là một vụ việc nổi cộm
và không chờ người dân tố cáo, công an cũng sẽ vào cuộc điều tra để làm
rõ đằng sau việc xây nhà không phép có sự tiếp tay của những người có
chức trách, có việc chung chi hay không.
Ông Đoàn Nhật cũng cho rằng cho dù có phát hiện trường hợp tiêu cực hay
không thì trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra xây nhà không phép hàng
loạt là thuộc về chủ tịch UBND xã. “Khi người dân đặt viên gạch đầu tiên
để xây nhà không phép thì UBND xã phải phát hiện, xử lý ngay. Còn để
người dân hoàn thiện nhà, UBND xã phải tháo dỡ là giải pháp dở nhất” -
ông Nhật nói.
—————————————————
Ông Trương Lâm Danh (phó trưởng Ban pháp chế HĐND Tp.HCM): Không thể nói là “không biết”
Để xảy ra tình trạng xây nhà không phép, trước hết có lỗi rất lớn của
chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, cũng không thể không kể đến lỗi của người
dân, biết sai vẫn làm.
Cưỡng chế nhà xây không phép ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, Tp.HCM) |
Với những căn nhà đã xây không phép trên đất nông nghiệp nhưng được quy
hoạch là khu dân cư, tôi cho rằng nên phạt nặng và cho tồn tại để tránh
lãng phí. Tuy nhiên, trường hợp này cũng cần tính đến yếu tố người xây
nhà thật sự có nhu cầu ở hay không, hay chỉ là đầu nậu mua đất xây nhà
để bán. Nên xem xét cho những người là dân địa phương đã ở lâu năm, có
con cái cần tách hộ khẩu và có nhu cầu về chỗ ở. Còn những công trình
xây không phép không nằm trong khu quy hoạch dân cư thì vận động người
dân tháo dỡ, không vận động được thì phải cưỡng chế, bảo đảm tính nghiêm
minh của pháp luật.
Với các phường, xã, quận, huyện để xảy ra xây dựng không phép phải kiểm
điểm nghiêm túc lãnh đạo và chỉ ra cho được địa chỉ trách nhiệm chứ
không thể nói là không biết.
Đại biểu HĐND Tp.HCM Thích Thiện Tánh: Cán bộ không cho sao dân dám làm
Hiện nay, lực lượng quản lý không ít: có thanh tra xây dựng, chính
quyền phường, xã, công an khu vực... Tôi không hiểu tại sao lại để xảy
ra tình trạng xây nhà không phép? Người dân xây nhà kiên cố chứ đâu phải
xây cái chòi canh mà chính quyền nói không biết! Tại sao ngay từ đầu
địa phương không làm nghiêm, để người dân xây xong rồi mới tính chuyện
tháo dỡ, đập phá? Như vậy trách nhiệm này thuộc về ai?
Nhà xây không phép, bị tháo dỡ, bị đập là đúng nguyên tắc nhưng cũng
tội cho người dân, nhất là với những người nghèo phải ky cóp cả đời mới
xây được cái nhà. Nếu thật sự có chuyện chung chi cho cán bộ rồi mới xây
nhà không phép thì người dân có quyền làm đơn tố cáo. Suy cho cùng, nếu
cán bộ không cho thì làm sao dân dám làm? Cần kiểm điểm cán bộ có trách
nhiệm và nhấn mạnh là phải kiểm điểm thật sự, nếu không tình trạng này
sẽ tái diễn.