KĐT Tây Nam Tân Lập bỏ hoang vì không thỏa thuận được đền bù

KĐT Tây Nam Tân Lập bỏ hoang vì không thỏa thuận được đền bù

13/07/2013 08:18

Được phê duyệt chỉ trước một tháng thời điểm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, nhưng đến đầu năm 2013 dự án khu đô thị Tây Nam Tân Lập mới bắt đầu chi trả tiền giải phóng mặt bằng.

Dân bất bình

Xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn chục cây số, nằm ven QL32 lại có dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài chạy qua, nên được xem là “khu vực vàng” về đầu tư bất động sản. Trước khi sáp nhập về Hà Nội  chỉ một tháng, dự án Khu đô thị Tây Nam Tân Lập quy hoạch trên diện tích gần 39ha đất ruộng được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt quyết định đầu tư, còn dự án xây dựng nghĩa trang công viên được phê duyệt trước chỉ một ngày… Dự án phê duyệt đã 5 năm qua, nhưng đến tháng 2/2013, mới thấy xã gọi họp thông báo dự án và chỉ vài ngày sau đã chi trả tiền hỗ trợ GPMB.

Dự án khu đô thị Tây Nam Tân Lập bị dân phản đối vì đền bù không thỏa thuận với dân


Sau 5 tháng thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, đến nay, vẫn còn 110/519 hộ dân (đa số có diện tích bị thu hồi lớn) không đồng ý nhận tiền đền bù. Ông Bùi Khắc Uy, Phó chi hội nông dân Cụm dân cư số 9 cho biết: “Người dân không đồng tình vì cho rằng, đây là dự án đầu tư kinh doanh nhưng chủ đầu tư không đến thỏa thuận với dân về mức bồi thường, mà chỉ thông qua UBND xã với mức đền bù chưa đến 1 triệu đồng/m2, rất bất hợp lý. Chỉ trong vòng 7 ngày mà xã, huyện vừa mời dân đến họp thông báo dự án, vừa mời đến nhận tiền đền bù, người dân chả có thời gian mà suy tính”. Người dân còn nghi ngờ làm thế nào mà chủ đầu tư (là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DIA- Hà Tây) dù đã được phê duyệt dự án từ rất lâu, nhưng không triển khai dự án mà lại quyết định chi trả tiền đền bù, hỗ trợ GPMB vào thời điểm bất động sản tồn kho để giảm bớt chi phí GPMB?
Và trong khi chưa thể giải phóng mặt bằng, dự án đã được rao bán với giá 9 triệu đồng/m2 đất nền trên mạng, gấp 9 lần mức bồi thường, hỗ trợ nông dân.

 "Vì sao dự án được phê duyệt từ thời tỉnh Hà Tây, với chính sách bớt 10% đất thu hồi làm đất dịch vụ, nay không thực hiện theo quyết định của Hà Tây để thống nhất với các dự án trước? Các thủ tục giấy tờ vẫn theo thời Hà Tây, còn chi trả mặt bằng lại không áp dụng, gây thiệt thòi cho dân”.

(Bà Nguyễn Thị Chín, nguyên cụm trưởng Cụm 9, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội)

Vướng mắc pháp lý

Vấn đề GPMB còn vướng bởi sự liên đới với Dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và Dự án trạm thu phát tín hiệu viễn thông được phê duyệt từ thời Hà Tây. Trong đó, Dự án trạm thu tín hiệu với diện tích gần 500m2 được thu hồi từ năm 2006, còn dự án đường Hoàng Quốc Việt đến nay vẫn chưa xong GPMB, bởi người dân không đồng tình với mức giá đền bù.

Dự án đô thị “Phê duyệt thời Hà Tây, thực hiện thời Hà Nội” còn dẫn đến vướng mắc hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư, khiến người dân phản ứng. Cụ thể, trong hồ sơ dự án không có Giấy chứng nhận đầu tư được cấp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2005 nhưng đã thực hiện thu hồi mặt bằng; Dự án cũng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chỉ có cam kết ban đầu bảo vệ môi trường được chính quyền huyện xác nhận. Dù vậy, chính quyền huyện, xã không xem xét hồ sơ để kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc giải đáp thắc mắc cho người dân.

Ông Nguyễn Vũ Băng - Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển DIA - Hà Tây, chủ đầu tư Dự án thừa nhận, Dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, song nêu lý do: “Chính quyền tỉnh Hà Tây thời đó không cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án theo Luật Đầu tư mà chỉ có văn bản phê duyệt quyết định đầu tư theo Luật Nhà ở”.  Người dân cũng cho rằng cần xem xét lại tính pháp lý  của hồ sơ dự án để đảm bảo sự công khai, minh bạch. Đồng thời đề nghị chính quyền tổ chức cho chủ đầu tư gặp gỡ, thỏa thuận với dân về mức bồi thường mặt bằng.

(Theo GTVT) 

 

,