Liên quan đến việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ BĐS và
lượng tồn kho BĐS còn lớn nhưng vẫn đổ xô xây thêm nhiều dự án nhà ở xã
hội (NOXH), PV báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm -
Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây
dựng.
Chủ trương đúng nhưng thực hiện thế nào đến tôi cũng chẳng rõ
PV: - NHNN triển khai gói tín dụng kích cầu 30.000
tỷ đã được hơn 1 tháng, nhưng mới chỉ có 2 khách hàng ở BIDV và 6 khách
hàng ở Vietcombank tiếp cận được gói này. Trong khi đó đã có 2 doanh
nghiệp được giải ngân vốn và 10 doanh nghiệp khác đã được ký kết cho vay
30% của gói 30.000 tỷ. Ông có nhận xét gì về diễn biến này?
TS. Phạm Sỹ Liêm: - Tôi chỉ đặt ra một câu hỏi thế
này: cho vay tiền mua nhà, nhưng vay xong có tiền để mua không? Mua ở
đâu? Mua ở chỗ nào? Chẳng hạn như tôi muốn tự chọn để mua chứ không muốn
bị ấn định phải mua chỗ này, chỗ kia. Tôi ở đầu thành phố mà chỉ định
tôi phải mua ở cuối thành phố thì tôi mua làm gì?
Nói tóm lại là đã có hàng chưa? Hiện nay chắc là đã có nhưng rất ít
(!?). Vậy phải làm thế nào cho có hàng đã. Có hàng thì mới phát triển số
lượng người mua nhà lên. Cho nên theo tôi trước mắt mà nói thì chưa có
gì đáng lo ngại. Nhưng cái đáng lo ngại theo tôi là tại sao lại chỉ có
mấy người tiếp cận được? Kiểu cách nào?
Thôi thì có muốn mua thì cũng chưa có cái mà mua, nhưng có nhiều người
muốn mua bây giờ mà lại không biết cách tiếp cận thế nào. Họ sẽ phải tìm
đến các ngân hàng để nộp hồ sơ, sau đó ngân hàng sẽ khảo sát hồ sơ,
giấy tờ... Những cái đó giá mà người đưa ra thủ tục này ngồi để viết ra
từng cái một, thống kê xem có bao nhiêu loại giấy tờ, gồm giấy tờ gì...
chứ không phải chỉ đưa ra các điều kiện thì chắc sẽ tốt hơn. Còn bây giờ
tôi thấy nhiều người muốn mua mà vẫn không biết phải chuẩn bị những
giấy tờ gì.
Tôi còn lo ngại một cái nữa là ngân hàng này thì yêu cầu 5 giấy tờ này,
nhưng ngân hàng khác lại yêu cầu 7 loại giấy tờ khác, chẳng có một quy
định thống nhất gì cả.
TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng. |
- Thực tế lượng tồn kho BĐS của chúng ta vẫn rất lớn. Chẳng hạn
như tại Hà Nội, tính đến tháng 5/2013 số lượng căn hộ chung cư tồn kho
là 5.789, tương ứng với hơn 566 nghìn m2157. Còn theo Bộ trưởng Trịnh
Đình Dũng thì có đến 157 dự án NOXH đang được triển khai xây dựng trên
cả nước, với quy mô 68.500 căn hộ. Lượng tồn kho nhiều nhưng vẫn xây
thêm nhiều NOXH thì liệu có hợp lý không, thưa ông?
- Việc phát triển này là phát triển thêm loại nhà mà người dân muốn
mua. Chẳng hạn như đi ngoài đường, tôi thấy người ta tồn kho rất nhiều
túi xách Gucci, nhưng tiền đâu mà tôi mua? Trong khi tôi chỉ cần cái túi
xách chỉ khoảng 200 - 300 nghìn đồng thôi, thì lại không thấy. Tôi lấy
ví dụ như vậy. Cái tồn thì vẫn cứ tồn nhưng cái thiếu thì cứ việc thiếu.
- Tuy nhiên gần đây Bộ Xây dựng đã có chủ trương cho các DN có nhu
cầu chuyển từ ở thương mại sang nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của
người dân. Hoặc là chẻ nhỏ căn hộ để hạ giá thành xuống cho người dân
tiếp cận được. Vậy theo ông tại sao chúng ta không đẩy mạnh chủ trương
này để vừa giải quyết tồn kho lại vừa đáp ứng được nhu cầu của người
dân, thay vì cứ đi xây thêm NOXH và có nguy cơ tồn kho hơn nữa?
- Đẩy mạnh thì vẫn cứ đẩy mạnh nhưng liệu các DN có muốn hay không? Chủ
trương là thế nhưng đã có ai chuẩn bị đổi? Và liệu đổi có phù hợp với
điều kiện không? Ví dụ như doanh nghiệp muốn đổi một dự án tận trên Hoài
Đức thì tôi nghĩ có đổi cũng chưa chắc đã bán được.
Tôi là người cần mua nhà ở Hà Nội này chứ không phải là ở Hoài Đức. Ở
Hoài Đức nói thế chứ người dân có nghèo cũng vẫn có nhà cả rồi.
-Theo thống kê mới đây thì đã có đến 50 dự án thương mại xin được
chuyển đổi sang NOXH mà vẫn chưa được duyệt. Vậy theo lý giải của ông
liệu có hợp lý?
- Tôi thấy chủ trương thì rất đúng đắn nhưng thực sự thực hiện thế nào thì tôi cũng chẳng rõ.
Tại sao lại 5 ngân hàng đó?
- Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng chỉ có DN của Bộ Xây dựng, ngành
xây dựng mới tiếp cận được nguồn vốn vay để xây nhà, trong khi đó có rất
nhiều DN khác lại không vay được dù đã nộp đầy đủ hồ sơ. Phải chăng ở
đây có một sự ưu ái đặc biệt dành cho các Công ty của Bộ? Ông đánh giá
thế nào về nhận định này?
- Tôi chẳng biết là của Bộ Xây dựng hay là của ai và cũng không chắc là
tất cả DN của Bộ Xây dựng là đã được vay tất. Nhưng có hai vấn đề thế
này: một là các DN trong Bộ Xây dựng chắc là được hướng dẫn sớm hơn
chăng?
Hai là cái lo ngại lâu nay, ngay từ đầu đã nhiều người và ngay cả tôi
cũng đã nói là cho các ngân hàng đứng ra rồi các ngân hàng lại ưu tiên
các DN sân sau dưới cái danh nghĩa này để giải quyết việc khác chứ không
phải là giải quyết việc này. Hoặc là chỉ giải quyết một tí việc này còn
đang "cúng" tiền vào việc khác.
Nói tóm lại là cần phải có một sự minh bạch trong chính sách. Cho đến hiện nay không rõ ràng nên người ta mới đặt câu hỏi.
Tôi nói ví dụ như tại sao lại là 5 ngân hàng? Tại sao lại là 5 ngân
hàng ấy mà không phải là ngân hàng khác? Chỉ cần lên một danh sách cần
vay, có 1 hội đồng và 1 người nào đó có đủ độ tin cậy thì đến 5 ngân
hàng hay 7 ngân hàng không quan trọng. Nhưng tôi chạy ngân hàng này
không được, chạy qua ngân hàng kia cũng không được. Tôi chạy tít mù 5
ngân hàng chỉ để hầu hạ các vị để các vị cho vay, thì không rõ ràng gì
cả.
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương, chính sách và cũng không mong nhanh.
Bởi vì đây là những việc cần phải có thủ tục nhất định, vì nó có ưu đãi.
Chính vì có ưu đãi nên dễ bị lên án, dễ bị lợi dụng. Dễ bị lợi dụng thì
phải tăng cường kiểm soát. Cho nên tôi nghĩ nhanh thì không thể nhanh
nhưng vấn đề là phải minh bạch. Kể cả cho các DN vay hay cho người dân
vay.
- Xin chân thành cảm ơn ông!