Cả ngàn người dân mua nhà tại dự án Usilk City (Hà Đông) chưa biết ngày nào được nhận nhà |
Đua nhau khởi công dự án
Tính đến tháng 12/2012 có 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố nợ đầm đìa tiền XDCB với số tiền lên tới 990,7 tỷ đồng liên quan đến 1.547 dự án. “Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khi để xảy ra tình trạng này và biện pháp khắc phục là gì?”- Ban Kinh tế ngân sách đặt câu hỏi.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cho biết, “Thành phố đã yêu cầu các quận huyện ưu tiên bố trí ngân sách để trả nợ các dự án cũ nhưng thực tế nhiều quận huyện vẫn bố trí vốn cho dự án mới”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban VHXH, thực trạng nợ đọng XDCB thực tế còn nhức nhối hơn nhiều so với báo cáo của thành phố. Vì chỉ riêng tại xã Thuỵ Hương khi xây dựng nông thôn mới đã nợ đọng XDCB lên tới 51 tỷ đồng! “Việc không bố trí vốn theo lộ trình mà lại cho các nhà thầu ứng vốn để làm là hoàn toàn sai lầm. Trong xây dựng nông thôn mới không được khởi công khi mà không có nguồn”-ông Tưởng nói. Tiếp lời đại biểu, bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu UBND TP cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này, xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại biểu HĐND TP đề nghị không nêu tên cho rằng, không phải bỗng nhiên mà các quận, huyện, xã phường đua nhau triển khai dự án ngay cả khi không cân đối được vốn. “Có những nơi do khó khăn trong đấu giá đất nên chậm nguồn vốn nhưng cũng cần xem xét những nguyên nhân tế nhị khác. Hậu quả của tình trạng này là rất lớn”- vị đại biểu cho hay.
Huy động tiền dân, ai kiểm soát?
Về việc giãn, hoãn tiền sử dụng đất, tiền thuế cho các dự án bất động sản, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng cơ quan chức năng cần hết sức tỉnh táo vì hiện nay hàng ngàn người dân bỏ tiền mua nhà dự án mà không biết bao giờ mới nhận nhà.
Lý do là rất nhiều chủ đầu tư đã bán hết sản phẩm, đã thu tới 60-70% tiền bán nhà rồi nhưng vẫn không hoàn thiện dự án, bàn giao nhà cho người dân trong khi đó lại quay ra kêu thua lỗ xin được giãn hoãn nghĩa vụ tài chính. “Nhiều chủ đầu tư tay không bắt giặc lập dự án huy động tiền từ người dân và ngân hàng. Đây là vấn đề rất nhức nhối”-đại biểu Nam chất vấn.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, Cục Thuế đã tiếp nhận hồ sơ của 33/63 dự án xin giãn hoãn tiền sử dụng đất (bằng 52,38 số dự án thuộc đối tượng gia hạn) với số tiền đề nghị gia hạn lên tới 9.294 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn tiếp: Nhiều dự án kêu khó khăn nhưng thực chất đã bán hết nhà rồi và nay xin giãn hoãn tiền sử dụng đất là không phù hợp. Thành phố có biết việc này không? Ông Nguyễn Huy Tưởng cho hay, “Những đại biểu nào có thông tin dự án cụ thể thì thông báo cho chúng tôi để có biện pháp xử lý”- ông Tưởng đề nghị.
Vụ cháy cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo đã “thiêu đốt” thêm phiên chất vấn buổi sáng. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đề nghị làm rõ năng lực tham mưu, chiến đấu trực tiếp của các đơn vị thuộc Sở Cảnh sát PCCC và kiểu xử lý thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng đối với hàng loạt cây xăng không đảm bảo an toàn cháy nổ trong suốt thời gian qua. “Nếu Sở nói là các họng nước chữa cháy tại khu tái định cư là an toàn thì tôi khẳng định là không”-đại biểu Nam quả quyết. |