Thuê người nước ngoài quy hoạch thủ đô để lấy mác ngoại?

Thuê người nước ngoài quy hoạch thủ đô để lấy mác ngoại?

- Chuyên mụcKinh Doanh|Bất động sản|

Theo nhận định của các chuyên gia, nhìn chung mặt bằng kiến trúc sư của chúng ta chưa cao nhưng không phải không có người tài. Thực tế hiện nay, trong giới đều biết đằng sau câu chuyện thuê người nước ngoài làm... có những chuyện "khó hiểu".

Làm được thì nhiều tiền cũng được nhưng...

Mới đây, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng cho phép thuê đơn vị tư vấn là viện Quy hoạch phát triển đô thị Vùng IAU Ile de France (Pháp) lập quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Bộ Xây dựng được Chính phủ giao lựa chọn tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm quy hoạch xây dựng vùng để tham gia nghiên cứu dự báo, xây dựng mô hình phát triển kinh tế xã hội và kịch bản phát triển vùng Thủ đô, quy hoạch giao thông vùng Thủ đô. 

Thuê người nước ngoài quy hoạch thủ đô để lấy mác ngoại?

Việc thuê người nước ngoài quy hoạch Thủ đô liệu có khả thi?

Sau khi xem xét hồ sơ của 3 tổ chức tư vấn nước ngoài gửi hồ sơ xin tham gia, bộ Xây dựng đã lựa chọn viện Quy hoạch phát triển đô thị Vùng IAU Ile de France (Pháp). Cơ quan này được đánh giá là đủ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm ở Việt Nam để tham gia nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo thông tin từ bộ Xây dựng, Viện IAU là đơn vị tư vấn đã từng tham gia nghiên cứu Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội năm 2006. 

Được biết, hiện nay ngoài Hà Nội đã có khá nhiều địa phương tư vấn nước ngoài lập quy hoạch đô thị như Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM và Ninh Thuận. Việc thuê người nước ngoài khiến nhiều chuyên gia Việt Nam phân vân. 

KTS Nguyễn Tấn Vạn, chủ tịch hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam tỏ vẻ bức xúc: "Bây giờ tôi thấy xuất hiện tư tưởng hướng ngoại. Quy hoạch nhiều tỉnh, quy hoạch Thủ đô đều mời nước ngoài đến cả việc quy hoạch công viên đá ở Hà Giang cũng mời người nước ngoài vào... Tôi cảm thấy chưa có thái độ kính trọng xứng đáng với người trong nước". 

Trao đổi với PV, TS. Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng tỏ ra khá suy tư. Ông cho rằng nếu mời được chuyên gia tốt mà tiền nào của ấy thì bỏ tiền nhiều cũng được. "Tôi nghĩ rằng các chuyên gia giỏi có thể đưa ra được dự báo đúng đắn và nếu chúng ta có được dự báo tốt thì sẽ có lợi cho tương lai rất nhiều. Tuy nhiên tôi không biết công ty được bộ Xây dựng mời có các chuyên gia giỏi hay không. Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề phát triển kinh tế xã hội vì vậy nên mời một nhóm chuyên gia kinh tế đô thị giỏi. Khi đã có ý kiến đó rồi thì ta mời chuyên gia giỏi giao thông. Bởi, giao thông phải được phát triển dựa vào sự phát triển của kinh tế xã hội. Còn bây giờ bộ Xây dựng mời một đơn vị đảm bảo cả hai công việc đó thì tôi không hiểu làm sao họ có thể kham được cả hai thứ đó". 



TS. Phạm Sỹ Liêm- phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
 

Và những... "góc khuất"

Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Ngô Doãn Đức cho hay: "Hiện nay ở nước ta có một thực tế cái gì cũng thuê nước ngoài trong khi đó lượng kiến trúc sư trong nước rất nhiều. Ý tưởng của người nước ngoài đều được ưu tiên hơn. Theo tôi nên có cuộc thi để rồi người dự thi cả trong nước và ngoài nước đều đưa ra ý tưởng. Ý tưởng tốt thì được dùng. Không quan trọng là người nước ngoài hay trong nước, quan trọng là kết quả. Hiện nay nhiều kiến trúc sư tài năng không phải được học ở những trường danh tiếng". 

Ông cũng cho rằng, tình trạng "sính" ngoại của chúng ta là có. Ví dụ như trường hợp xây sân vận động Hàng Đẫy. Làm sao chúng ta không làm được mà phải đi thuê của nước ngoài! Thiết kế của sân ngay từ đầu đã thấy xấu nhưng vẫn làm và bây giờ thì mọi người thấy rõ. Đằng sau câu chuyện này còn có "góc khuất" mà chỉ người trong nghề mới hiểu. 

Vấn đề "mảng tối" trong việc này cũng được kiến trúc sư Ngô Doãn Đức xác nhận. "Có thời kỳ nhiêu khê là trưởng phòng hành chính, kế toán trưởng... cũng nhảy vào làm giám khảo. Bây giờ thì đỡ hơn rồi nhưng cũng không phải là không có. Chính vì thế tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là phải có cuộc thi. Thi sẽ sàng lọc bớt được những bài thi yếu kém. Và ở cuộc thi ấy hội đồng chấm thi phải là người có tâm và có tầm, có chuyên môn để cầm cân nảy mực", ông Đức nói. 

Bao giờ kiến trúc sư nội mới có đất dụng võ?

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm việc bỏ "tiền tấn" thuê người nước ngoài quy hoạch đôi khi khiến những kiến trúc sư của Việt Nam tự ái. Tuy nhiên theo ông, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn mặt bằng kiến trúc sư của ta chưa cao. Bởi lẽ chuyên gia quy hoạch Việt Nam phần lớn được học ở trong nước. Mà thầy giáo Việt Nam chủ yếu được học ở khối XHCN, thông thạo quy hoạch trong một nền kinh tế kế hoạch hóa và học lý luận quy hoạch Xô Viết. "Hiện nay trong các trường đại học vẫn còn dạy lý thuyết của khối Xô Viết cũ trong nền kinh tế bao cấp. Trong nền kinh tế bao cấp thì việc dự báo không khó khăn bởi đã có quy hoạch phát triển kinh tế 5 năm hay 10 năm. Cho nên các nhà quy hoạch của chúng ta ngồi vẽ đường xá thì giỏi nhưng đường ấy phục vụ cho cái gì lại không rõ. Cho nên không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh hiện nay đều thuê người nước ngoài về quy hoạch", TS. Liêm nói. 

Hiện nay, chúng ta thực hiện đô thị mới đa phần là những khu đô thị đơn chức năng trong khi đô thị của thế giới hiện nay là đa chức năng. Chúng ta thực chất mới chỉ là khu nhà ở, có một số công trình siêu thị không đáng kể. Người ta chỉ đến ở mà không nhộn nhịp, không có việc làm, không có dịch vụ tương xứng nên dân không bằng lòng. Các khu đô thị phân tán nên kết nối với trung tâm khó. Ngay như ở Hà Nội, khu Ciputra không biết xả nước vào đâu. Nếu mình tập trung vào một khu vực nào đó thì sẽ có một đường cống chung lớn của thành phố đi qua sẽ không rơi vào trường hợp này. Ở xa trung tâm thì hạ tầng yếu kém, dịch vụ yếu kém. 

Hiện nay chúng ta cải tạo khu đô thị cũ thường là xây chen. Chỗ nào có thể chen được thì chen mà không cải tạo cả khu phố. Nhiều nơi lại xâm chiếm đất ở những khu đất công như chợ, vườn hoa... Còn những khu vực đáng lẽ cấm xây thì nhà quy hoạch cũng không vạch ra được. Trong khi đó khu di tích lịch sử Cổ Loa thì bị xây sát vào. Sân bay Nội Bài thì gần như hình thành một thị trấn ở gần đó, làm xấu cả sân bay Thủ đô. Chính vì thế ông Liêm cho rằng quy hoạch và vấn đề thực hiện quy hoạch sau đó cũng là vấn đề lớn mà các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm. 

Thành Huế




 

,