Thị trường BĐS sẽ xuyên thêm vài đáy nữa?

Thị trường BĐS sẽ xuyên thêm vài đáy nữa?

Nếu định nghĩa về đáy của thị trường theo độ sốt ruột của nhà đầu tư, thì BĐS đã đi qua vài đáy. Và dĩ nhiên, không có gì đảm bảo thị trường BĐS sẽ không xuyên thêm vài đáy nữa.

Nếu thời gian trước, thị trường BĐS như cái thùng không đáy hút lượng vốn khổng lồ của xã hội, thì giờ đây lại đang rơi vào cái vực không đáy. Dù không ít lần một số nhân vật vai vế trong lĩnh vực này từng tuyên bố thị trường đã tới đáy, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Đến nay, vẫn chưa ai xác định được đáy của thị trường BĐS Việt Nam nằm ở đâu và khi nào thì thực sự đến đáy? Bắt đầu từ khi thị trường chững lại cuối năm 2009, đi xuống giữa năm 2010 và tê liệt hoàn toàn từ năm 2011 cho đến nay, nhiều chủ đầu tư, đại diện các tổ chức và lãnh đạo các cơ quan liên quan trong lĩnh vực nhà đất, xây dựng lần lượt tuyên bố điểm đáy của thị trường đã tới. Song có điều lòng đáy này dường như sâu bất tận, hoặc giả cái vực này có tên là Đáy?!
Tương tự thuyết phản lực của vật lý. Khi thị trường rơi xuống đáy, ắt hẳn phải chịu những va đập nhiều chiều mà ở đó không ít doanh nghiệp BĐS, công ty xây dựng và các ngân hàng thương mại có tiền sử lún sâu vào nợ xấu BĐS, nếu may mắn không bỏ mạng, cũng phải chịu thương tích nặng nề, theo nhiều cách khác nhau chứ chưa thể êm ái để đến 70% trong tổng số 55.870 doanh nghiệp xây dựng báo lãi trong năm 2012. Và quả nhiên, thị trường BĐS vẫn chưa tương ngộ đáy, nhất là khi nó còn được lót trước tấm đệm giảm xóc trị giá 30 nghìn tỷ đồng cùng nhiều giải pháp chống sốc khác như ưu đãi vốn vay tiêu dùng nhà đất, các chính sách kích cầu kiểu chia nhỏ căn hộ, chuyển đổi mục đích dự án, thay đổi quy hoạch-thiết kế…
Song dường như tất cả nỗ lực đáng ghi nhận trên vẫn chưa bậy được tâm lý đợi chờ đã hằn sâu trong suy nghĩ người tiêu dùng những năm qua. Sự hồ nghi là phản ứng chủ đạo và hợp logíc khi thông tin trên thị trường quá nhiễu động.

 


Riêng về giá nhà chung cư, đầu năm 2012, khi các nhà đầu tư BĐS tuyên bố giá nhà đã giảm một nửa, kịch sàn, thì người đứng đầu tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên  Đức lại tuyên bố: “giảm 50% nữa vẫn có lãi”. Cũng chỉ mới đây, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - đưa ra quan điểm cho rằng: Căn cứ vào trình độ, công nghệ, vật liệu và cách thức quản lý hiện nay, thì giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và Tp.HCM vào khoảng 8-14 triệu đồng là hợp lý. Hiện nay, giá bình quân của thị trường vẫn cao hơn khá nhiều so với khoảng giá mà ông Đặng Hùng Võ cho là hợp lý.
Trong khi đó, về tồn kho BĐS, con số do Bộ Xây dựng đưa ra khá khiêm tốn với 16 nghìn căn hộ chung cư, hơn 4.000 nhà thấp tầng và gần 26 nghìn m2 nhà văn phòng cho thuê trên phạm vi toàn quốc. Song số liệu do ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đưa ra trước đó lớn hơn nhiều với khoảng 70 nghìn căn hộ, chưa kể biệt thự và mặt bằng cho thuê.
Những con số về nợ xấu BĐS cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong khi năm 2012, các ngân hàng công bố  nợ xấu BĐS chỉ rơi vào 200 nghìn tỷ đồng, thì con số do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố đã vượt xa nhiều lần, lên đến 348 nghìn tỷ  đồng.
Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ thấy BĐS thật… khó tin!
Hiện số người có nhu cầu mua sắm nhà cửa, đất đai vẫn rất lớn và không phải không có khả năng chi trả. Bởi theo đánh giá của NHNN, số vàng được tích trữ trong dân vào khoảng 300 - 500 tấn, tương đương 630 ngìn tỷ đồng, tức gấp đôi giá trị tồn kho BĐS hiện nay. Đó là chưa kể tiền mặt và các loại tài sản khác.
Nhưng không vì thế mà người tiêu dùng dễ dàng bỏ tiền vào BĐS khi tâm lý của họ chưa sẵn sàng. Có lẽ điều mà các nhà đầu tư BĐS cần làm hiện nay không phải đi dò đáy của thị trường, mà nên tạo đáy cho niềm tin vẫn đang rơi của người tiêu dùng.
 

Tại các thị trường lớn như Hà Nội và Tp.HCM, giá BĐS vẫn tiếp tục giảm, song giao dịch vẫn tiếp tục ảm đạm. Cụ thể: Tổ hợp chung cư Sông Đà-Hà Đông (Nguyễn Trãi, Hà Nội) trước có giá 22-24 triệu đồng/m2, nay được chào bán với giá 17 triệu đồng/m2. Dự án Berriver Long Biên (Hà Nội) giảm giá 3,5 triệu đồng cho khách mua căn hộ xây thô. Khu đô thị Dương Nội-Nam Cường (Hà Đông, Hà Nội) trước đây có giá 22-24 triệu đồng/m2, hiện nay giá giao dịch thấp nhất đã xuống còn 14 triệu đồng/m2. Ngay cả những khu đô thị lâu năm và nổi tiếng giữ giá như Trung Hòa - Nhân Chính cũng rớt mạnh từ trên 40 triệu đồng/m2 xuống xấp xỉ 30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, ở Tp.HCM, nhiều dự án BĐS tại quận 7, quận 4, quận 2, quận Tân Phú… cũng đang được chào bán dưới mức giá ban đầu.

(Theo Sống mới) 

 

,