Giao dịch thỏa thuận "khủng"
Trong 3 ngày giao dịch liên tiếp, nhà đầu tư "giấu mặt" liên tục đổ tiền vào mua khối lượng lớn cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) tại phương thức giao dịch thỏa thuận.
Tính đến sáng 10/5, bộ đôi EIB và STB đã không khỏi thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi liên tục được thỏa thuận với khối lượng "khủng" nhất thị trường chứng khoán.
Nếu chiều 9/5 STB gây bất ngờ lớn khi được nhà đầu tư "giấu mặt" bỏ ra một khoản tiền lớn lên tới 1.037 tỷ đồng cho gần 47,4 triệu cổ phiếu thì trong vòng 3 ngày liên tiếp, EIB cũng được giao dịch với phương thức tương tự với hàng triệu đơn vị.
Cụ thể, phiên ngày 8/5, giữa lúc khớp lệnh chỉ 510.000 cổ phiếu thì với phương thức thỏa thuận, nhà đầu tư "giấu mặt" đã chuyển nhượng một khối lượng lên tới 7,53 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 18,7 tỷ đồng.
Phiên ngày 9/5, thêm 6,7 triệu cổ phiếu EIB nữa lại được giao dịch theo đúng phương thức này ở mức giá trần 15.700 đồng. Theo đó, không rõ người bán và cũng không rõ người mua. Song người mua đã phải bỏ ra một số tiền khá "chát" lên tới gần 73 tỷ đồng cho 3 lô thỏa thuận. Lô lớn nhất là thỏa thuận 4,15 triệu cổ phiếu tương ứng 65,6 tỷ đồng.
Ở phương thức khớp lệnh, EIB cũng được giao dịch mạnh phiên này với 1,5 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cp.
Trong phiên 10/5, chỉ EIB đã chiếm tới gần 95% khối lượng giao dịch thỏa thuận trên sàn TP.HCM (HSX) và chiếm 96% tổng giá trị giao dịch cùng phương thức.
Có rất nhiều ý kiến hoài nghi về những giao dịch "khủng" này của hai mã cổ phiếu trên. Nhưng câu trả lời vẫn còn là một ẩn số.
Theo bản tin ngày của một công ty chứng khoán được công bố trên website về mối nghi vấn với lượng giao dịch thỏa thuận "khủng" của Sacombank, đơn vị này nhìn nhận đây có thể là giao dịch của ông Đặng Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT của Sacombank) để thanh toán nợ với Sacombank.
Hai cha con ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh |
Tuy nhiên, trả lời báo giới, một lãnh đạo của Sacombank khẳng định, đây chỉ là giao dịch bình thường giữa các nhà đầu tư, không liên quan gì đến cổ phiếu của cha con ông Đặng Văn Thành.
Nhiều khả năng trong thời gian tới, sẽ xuất hiện những đợt giao dịch thỏa thuận "khủng" đối với cổ phiếu STB. Hơn 7,4% vốn, tương đương với 79.842.647 cổ phiếu thuộc sở hữu của cha con ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh cũng cần được sang tên.
Đã có tiền lệ "khủng"
Nhà đầu tư hoài nghi về những giao dịch khủng của hai mã cổ phiếu STB và EIB là có cơ sở. Bởi trước đó, thị trường chứng khoán đã chứng kiến rất nhiều phiên giao dịch thỏa thuận "khủng" của hai mã cổ phiếu này, trong đó phải kể đến những phiên giao dịch "đình đám" của EIB.
Phiên ngày 1/2/2013, EIB đạt thỏa thuận "khủng" với 16,1 triệu cổ phiếu giá sàn tại mức 15.500 đồng. Giá trị lô giao dịch đạt 249,66 tỷ đồng chiếm phần lớn trong số 19,15 triệu cổ phiếu thỏa thuận trên HSX, trị giá thỏa thuận toàn sàn 340,72 tỷ đồng.
Phiên giao dịch chiều 8/1/2013, bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận 30,89 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank. Mức thỏa thuận được tại mức 16.400 đồng đưa giá trị lô giao dịch lên tới 506,56 tỷ đồng. Đây là lô giao dịch thỏa thuận lớn đầu tiên của cổ phiếu này cũng như của thị trường chứng khoán trong năm 2013.
Trước đó, nhiều phiên giao dịch "khủng" theo phương thức tương tự đã diễn ra tại EIB, làm loạn thị trường những tháng cuối năm 2012.
Phải kể đến phiên ngày 28/12/2012, cổ phiếu EIB cũng được thỏa thuận 24,71 triệu đơn vị, tương ứng gần 400 tỷ đồng sang tay.
Tuy nhiên cho đến nay, các thông tin liên quan đến thay đổi tỷ lệ sở hữu cũng như sở hữu của cổ đông lớn tại EIB được đưa ra không đáng kể và không mấy nổi bật.
Giới chuyên gia cho rằng, khối lượng cổ phiếu EIB được chuyển nhượng chóng mặt trong thời gian ngắn chỉ có thể là do các nhà đầu tư tầm cỡ thực hiện. Một số cổ đông VIP của EIB đang rất cần tiền mặt chăng?
Bên cạnh đó, "người láng giềng" STB cũng có các lệnh thỏa thuận "khủng" trong năm 2012, cụ thể trong tháng 9 và tháng 10/2012. Trong hai tháng này, STB đã thỏa thuận gần 97 triệu cổ phiếu, tương đương 1.866 tỷ đồng, chiếm 9,95% lượng cổ phiếu đang lưu hành của STB, tính riêng tháng 10, số lượng cổ phiếu thỏa thuận STB là hơn 28 triệu cổ phiếu, tương đương gần 536 tỷ đồng.
Có một số ý kiến cho rằng, nhiều khả năng các lệnh thỏa thuận cổ phiếu STB trên dùng để đảo nợ đáo hạn khi STB được cầm cố để vay tiền trên liên ngân hàng.
Giao dịch thỏa thuận lô lớn tại Sacombank và Eximbank diễn ra mạnh mẽ trên thị trường, nhưng chân dung người thực hiện thì hoàn toàn không rõ (các đối tượng này chưa chạm đến mức sở hữu phải công bố thông tin). Liệu còn có diễn biến gì bất ngờ sẽ xảy ra trong thời gian tới trong khối các ngân hàng lớn hay không? Dư luận đang dõi theo để tìm câu trả lời.